(Mặt trận) - Hơn 3 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217 và số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đạt được nhiều kết quả. Những việc làm đó có ý nghĩa, tác dụng thiết thực, qua đó tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng chính sách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Ảnh: Thành trung
Công tác giám sát có nhiều tiến bộ
Hình thức giám sát đa dạng hơn, nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức có nhiều sáng tạo, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng, ký kết 10 chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Các lĩnh vực, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo nhân dân, trên cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khoa học, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi.
Việc ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong 3 năm qua đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm của nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận vào công tác giám sát. Trong đó, phải kể đến sự tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả cao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia nhiều đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành… trên những lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, như: tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc ít người; việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh; việc thi hành án dân sự, hình sự; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm;...
Ở địa phương, ngay từ đầu năm 2014, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố đã chủ động, sáng tạo triển khai nghiêm túc nhiệm vụ giám sát. Trong 3 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 3 cấp: tỉnh, huyện, xã đã chủ trì giám sát 56.689 cuộc giám sát, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ sở y tế tư nhân; phối hợp thực hiện và giám sát tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện đưa người cai nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào cơ sở xã hội; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; việc cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh...
Việc phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục được duy trì và phát huy.
Công tác phản biện xã hội bước đầu thực hiện
Ở Trung ương, trong 3 năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với hàng chục dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung vào hoạt động tập hợp, lấy ý kiến nhân dân, góp ý, phản biện vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức để góp ý, phản biện xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức một số hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13… với quy mô và chất lượng đi vào chiều sâu, hiệu quả, các kiến nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực. Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên cũng tổ chức phản biện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương trong 3 năm qua đã tổ chức 30.661 cuộc phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Một số công trình dự án về văn hóa, giao thông, xây dựng số đông người dân quan tâm; Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Góp ý dự thảo Quyết định quy định chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; Đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù…
Nhìn chung, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
Hoàn thiện thể chế và cơ chế thực hiện
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hai Thông tri số 04 và số 28 hướng dẫn; các tổ chức chính trị - xã hội đều có văn bản chỉ đạo triển khai; các tỉnh thành đều có văn bản chỉ đạo nội dung này. Công tác tuyên truyền, tập huấn cán bộ về giám sát, phản biện xã hội, tập hợp ý kiến nhân dân bước đầu được quan tâm đã có tác dụng nhất định trong việc tạo chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thành Trung
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được ban hành, trong đó có 2 chương quy định về giám sát, phản biện xã hội. Hình thức giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã được bổ sung trong Luật Thanh tra, Luật Đầu tư công, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015, trong đó mức chi cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã từ 2 triệu lên 5 triệu đồng. Ngày 28/12/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 337/2016/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này.
Ở địa phương, một số cấp ủy tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế về việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Đây là những bảo đảm quan trọng để ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của người dân được giải quyết kịp thời.
Hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội còn những hạn chế, như: nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội phù hợp; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều; phản biện còn ít; một số nơi làm còn hình thức, thụ động chưa rõ vai trò của chủ thể giám sát, phản biện xã hội; còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, làm cho xong, chưa dám nêu chính kiến của mình; kỹ năng năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi làm chưa tốt.
Những hạn chế này do phạm vi giám sát và phản biện xã hội rộng, yêu cầu cao trong khi nguồn lực con người và điều kiện vật chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có hạn; nhận thức của cán bộ Mặt trận và đối tượng được giám sát của cấp ủy, chính quyền còn nhiều biểu hiện chưa đúng, chưa tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ này; việc triển khai ở một số nơi còn nhiều nội dung, kiến nghị dàn trải; một số cấp, ngành chưa quan tâm thực hiện kiến nghị; Mặt trận ít giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát và chưa có quy trình, mẫu biểu để tổng hợp báo cáo giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Một số kinh nghiệm
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp định kỳ 6 tháng có báo cáo, sau 3 năm đã tổ chức sơ kết từ cơ sở đến Trung ương, rút ra được những cách làm hay, kinh nghiệm quý.
1. Thực tiễn cho thấy, nơi nào làm tốt đều bám sát vào 4 nguyên tắc giám sát, phản biện (sự lãnh đạo của cấp ủy; phối hợp giữa các lực lượng làm giám sát; công khai, minh bạch; không làm ảnh hưởng đến đối tượng giám sát). Hàng năm xây dựng kế hoạch giám sát có sự chỉ đạo của cấp ủy, khắc phục sự trùng chéo trong giám sát; sau giám sát, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện kiến nghị, nâng cao hiệu quả của giám sát, phản biện xã hội.
2. Gắn nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến của Nhân dân, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thường kỳ tổ chức cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại nhân dân. Những vấn đề lớn, liên quan lợi ích trực tiếp của người dân có các hình thức lấy ý kiến, điều tra xã hội học, tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, góp phần tăng đồng thuận xã hội.
3. Phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng 4 hình thức giám sát: nghiên cứu, xem xét văn bản; tổ chức đoàn giám sát; thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia hoạt động giám sát với các cơ quan, tổ chức và 3 hình thức phản biện xã hội là: tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.
4. Làm tốt khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện. Mời các chuyên gia, thành viên hội đồng tư vấn, người có kinh nghiệm tham gia giám sát, phản biện. Có quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong giám sát, phản biện, tạo ra sức mạnh, tiếng nói chung trước những vấn đề nhân dân quan tâm.
Những vấn đề đặt ra
Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Qua thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc được nâng lên. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao nâng cao hơn chất lượng công tác giám sát, đặc biệt là phản biện xã hội; phát huy vai trò chủ động của chủ thể giám sát, phản biện; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, đối tượng được giám sát; sự đồng hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện tốt một số nội dung:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội.
Hai là, làm tốt nhiệm vụ thể chế, hoàn thiện cơ chế. Những nội dung đã được thực tiễn khẳng định cần kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Trong đó tập trung hướng dẫn quy trình, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; ban hành cuốn “Sổ tay công tác công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc”; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể; xây dựng thông tri hướng dẫn hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Các tỉnh thành chua có quy chế tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội, quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần đề nghị cấp ủy ban hành; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri thay thế Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội hiện nay.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm dựa vào những vấn đề nhân dân đang bức xúc, các cấp đang quan tâm; theo đề nghị của cấp ủy chính quyền, các tổ chức thành viên của Mặt trận; qua trao đổi phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức đoàn giám sát và triển khai thực hiện cũng cần được quan tâm trong đó cần: rõ nội dung chủ trì, rõ nội dung phối hợp; tổ chức đoàn giám sát nên hợp lý, không nên nhiều đoàn trong một thời gian địa điểm, tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công khai kết luận thanh tra, tính khách quan của các chỉ số hài lòng, vấn đề báo chí dư luận đang quan tâm; công khai giám sát và phản biện xã hội, phối hợp chặt chẽ với báo, đài cơ quan truyền thông đang tuyên truyền và giám sát thực hiện kiến nghị và tổng hợp thông tin, báo cáo tham mưu đề xuất kịp thời.
Bốn là, Phối hợp với các ban của Đảng tham gia xây dựng quy định của Đảng về giám sá́t cán bộ đảng viên.
Ngô Sách Thực
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam