(Mặt trận) - Tham nhũng, lãng phí là vấn nạn của mọi nhà nước ở mọi thời đại. Ở các nước nghèo, tham nhũng tác động tiêu cực trực tiếp đến các tầng lớp nghèo: một mặt, các dịch vụ công trở nên đắt đỏ do tiêu cực phí và những người này không có khả năng chi trả để được hưởng các dịch vụ ấy; mặt khác, các tiêu cực phí do doanh nghiệp chi trả cho hệ thống cung ứng dịch vụ công bị lũng đoạn bởi nạn tham nhũng tất yếu được cộng vào giá thành sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng và rốt cuộc, chính người tiêu dùng, bao gồm người nghèo, phải chi trả cho tham nhũng. Trong chừng mực nào đó, chống tham nhũng được xác định là một trong những giải pháp tích hợp đối với bài toán chống đói nghèo, bất công và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội. Điều này cũng đúng cả đối với các nước phát triển.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam giao ban nhằm đánh giá tiến độ việc thực hiện phối hợp tổ chức Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tháng 10/2017, tại Hà Nội.
Sự cần thiết của việc tổ chức hành động tập thể trong phòng, chống tham nhũng
Tính không cân sức cuộc chiến chống tham nhũng giữa cá nhân và thế lực tham nhũng
Trong một báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong đấu tranh chống tham nhũng, các tác giả báo cáo nhấn mạnh rằng: một doanh nghiệp chỉ sẵn sàng chống tham nhũng trong khu vực công một khi các đối thủ cạnh tranh cũng làm như thế.
Điều này được hiểu, tham nhũng trong khu vực công là một thế lực hùng mạnh, vừa có tiền, vừa có quyền lực; đương đầu với một thế lực, phải là một thế lực ít nhiều tương xứng. Một cá thể doanh nghiệp chắc chắn không thể lay chuyển cả một hệ thống tham nhũng, thậm chí còn có nguy cơ nhận hệ quả tiêu cực trong trường hợp chống tham nhũng một cách đơn lẻ. Nếu có doanh nghiệp chống tham nhũng, trong khi doanh nghiệp khác lại chấp nhận tham nhũng, thì doanh nghiệp chống tham nhũng có nguy cơ chịu thiệt. Doanh nghiệp chấp nhận tham nhũng chấp nhận chi trả và do đó được việc trong giao dịch với công quyền, trong khi doanh nghiệp chống tham nhũng bị gây khó dễ, thậm chí không được việc.
Nhận xét trên đây đúng không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn đối với tất cả các chủ thể. Nói rõ hơn, chống tham nhũng phải là sự nghiệp của một hoặc nhiều tập thể, thậm chí phải là trào lưu xã hội, thì mới có cơ may thành công1.
Tổ chức xã hội - chìa khoá của việc tổ chức hành động tập thể chống tham nhũng
Việc phát động hành động tập thể chống tham nhũng đòi hỏi vai trò của một tổ chức của các chủ thể. Việc phát động và tổ chức hành động đồng loạt của các chủ thể chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả thông qua vai trò điều hoà, phối hợp của tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Vấn đề là phải làm thế nào để tổ chức xã hội có thể phát huy đầy đủ sức mạnh của mình. Kinh nghiệm các nước cho thấy, để có thể tham gia phòng, chống tham nhũng một cách có hiệu quả, điều kiện cần thiết là bản thân tổ chức xã hội phải thực sự là tổ chức đại diện của tầng lớp xã hội hoặc giới nghề nghiệp có liên quan. Mặt khác, bản thân tổ chức xã hội phải bảo đảm sự minh bạch và trong sạch trong tổ chức và hoạt động. Về phần mình, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng, cả trong giai đoạn xây dựng, cũng như trong quá trình thực hiện chính sách, luật pháp.
Các phẩm chất cần thiết của tổ chức xã hội về phương diện phòng, chống tham nhũng
Tính đại diện của tổ chức xã hội
Tổ chức xã hội phải thực sự là một tập thể có tổ chức tốt của các thành viên thuộc tầng lớp xã hội hoặc giới nghề nghiệp nhất định. Có thể được lập ra do quyết định của Nhà nước hoặc theo sáng kiến, nguyện vọng của các chủ thể tư, nhưng tổ chức xã hội phải được các thành viên coi là ngôi nhà chung của mình và là người nói tiếng nói phản ánh ý chí của tập thể hội viên trong khuôn khổ giao tiếp chính trị, xã hội.
Muốn vậy, tổ chức xã hội phải có điều lệ, nội quy rõ ràng. Đặc biệt, các quy định về tiêu chuẩn hội viên, về xây dựng các tổ chức quyền lực, về sinh hoạt, hội họp, thảo luận và biểu quyết phải thật chặt chẽ và cho phép phát huy dân chủ trong quá trình hoạt động.
Tính minh bạch và trong sạch của bản thân tổ chức xã hội
Muốn chống tham nhũng một cách hiệu quả, bản thân tổ chức xã hội trước hết, phải là một thực thể trong sạch và minh bạch. Tính minh bạch và trong sạch phải được thấm nhuần trong cuộc sống xã hội nghề nghiệp của từng hội viên, cũng như trong hoạt động của tổ chức hội.
Hội phải xây dựng bộ quy tắc đạo đức, trong đó có quy định hội viên phải cam kết không hợp tác, cũng không tiếp tay cho tham nhũng. Trong trường hợp tổ chức là một hiệp hội của các doanh nghiệp, thì hội viên phải cam kết không dựa vào tham nhũng để tổ chức, triển khai hoạt động kinh doanh. Vi phạm quy tắc đạo đức này, hội viên sẽ bị khai trừ khỏi tổ chức và nếu vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý theo pháp luật.
Bản thân hội cũng phải tôn trọng các nguyên tắc minh bạch và trong sạch trong quá trình hoạt động. Ngân hàng Thế giới đã lập một danh sách các tiêu chí nhận dạng các tổ chức xã hội của doanh nghiệp được cho là minh bạch và trong sạch và do đó, có đủ tư cách để được trao các công cụ cần thiết mà tổ chức có thể sử dụng trong quá trình tham gia phòng, chống tham nhũng, bao gồm:
+ Sự độc lập với các lợi ích kinh tế và chính trị đặc thù.
+ Sự nhất quán nhận thấy được trong thái độ cổ vũ thượng tôn luật pháp, tự do cạnh tranh và đạo đức trong kinh doanh.
+ Có hệ thống kế toán và báo cáo chặt chẽ, cho phép công khai mọi hoạt động.
+ Có tổ chức bộ máy hợp lý, cho phép phát huy dân chủ.
Phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Tham gia ý kiến hoặc trực tiếp soạn thảo
Các nhóm lợi ích luôn có xu hướng tìm cách để làm cho nội dung chính sách, luật pháp phục vụ tốt nhất cho lợi ích của nhóm mình. Ngoài ra, với tư cách là người thực thi chính sách, luật pháp nhân danh nhà chức trách, các công chức mong muốn luật pháp phải được xây dựng như thế nào để tạo điều kiện cho việc thể hiện quyền uy.
Ở các nước, sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp vào việc xây dựng chính sách, luật pháp là điều kiện bắt buộc để dự thảo chính sách, văn bản luật pháp được trình cho cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua. Đặc biệt, đối với các vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành nghề, lĩnh vực nhất định, việc tham vấn ý kiến của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp có thể được thực hiện dưới hình thức đề đạt công khai nguyện vọng trước các Ủy ban chuyên môn của cơ quan lập pháp hoặc cơ quan đại diện dân cử ở địa phương trong trường hợp chính sách, luật pháp được xây dựng để áp dụng trong phạm vi địa phương.
Một trong những cách khác để có được chính sách, luật pháp bảo vệ tốt lợi ích chính đáng của các tầng lớp xã hội là thừa nhận cho các tổ chức xã hội quyền xây dựng các dự án luật. Tổ chức xã hội đề ra sáng kiến lập pháp; một khi sáng kiến lập pháp được chấp nhận, thì tổ chức xã hội là cơ quan chủ trì việc soạn thảo và hoàn thiện dự thảo theo đúng quy trình lập pháp.
Ở nước ta, tại Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể liên kết với các tổ chức chính trị - xã hội, như: công, nông, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh,… tạo nên mạng lưới “thiên la, địa võng” để giám sát, kiểm tra các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, có khả năng thực hiện hành vi tham nhũng theo Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012. Khi Mặt trận thông qua mạng lưới của mình, phát hiện cán bộ, đảng viên có chức, có quyền có dấu hiệu tham nhũng, sẽ được xử lý thế nào? Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta chỉ ra rằng, trong tất cả các giai đoạn của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ khâu phòng ngừa, phát hiện đến xử lý tham nhũng, đều có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019, đều dành riêng một điều ở phần chung có tính nguyên tắc, để quy định vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tích cực tham gia, động viên nhân dân, thành viên của mình tham gia vào việc phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý tham nhũng, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm tích cực tham gia vào việc phòng ngừa phát hiện tham nhũng theo quy định của pháp luật (Điều 7, Luật Phòng, chống tham nhũng).
Phát hiện tham nhũng: Ở các nước, công dân có xu hướng tố giác tham nhũng thông qua vai trò của một tổ chức xã hội, đặc biệt là của một hội dân sự mà công dân là hội viên. Xu hướng này hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố đáng chú ý.
Thứ nhất, cáo giác tham nhũng là việc công dân đương đầu với một thế lực vừa có tiền, vừa có quyền. Đây là cuộc chiến không cân sức, mà rủi ro nghiêng hẳn về phía người cáo giác. Với quyền lực nắm trong tay, người bị cáo giác có điều kiện xây dựng, mở rộng và củng cố các mối quan hệ được gọi là vây cánh. Nhờ có vây cánh vươn ra đến nhiều vị trí, người ta có thể kiểm soát, khống chế, phong toả các nguồn thông tin, không cho người khác khai thác để chống lại mình, đồng thời còn có điều kiện phản đòn chống lại người cáo giác. Thực tế cho thấy, trong không ít trường hợp, mặc dù việc tham nhũng là có thật, nhưng người tham nhũng không bị xử lý; trái lại, chính người cáo giác tham nhũng lại bị cáo buộc và bị đẩy vào tù tội.
Thứ hai, việc cáo giác bằng thư nặc danh hầu như không được thừa nhận ở các nước phát triển. Lý do là trong điều kiện không có ai chịu trách nhiệm về lời cáo giác, thì trong trường hợp lời cáo giác được xác định là sai, sẽ không có điều kiện thực hiện các biện pháp cần thiết để đền bù thiệt hại cho người bị cáo giác. Thực tiễn tư pháp ở các nước thừa nhận, cơ quan chức năng có quyền sử dụng thư nặc danh như một nguồn thông tin; nhưng cơ quan tố tụng tuyệt đối không có quyền khởi động quy trình tố tụng chỉ dựa vào thư nặc danh.
Trong hoàn cảnh đó, tổ chức xã hội giữ vai trò giống như một màng lọc thông tin, đồng thời là lá chắn.
Màng lọc thông tin, tổ chức xã hội tiếp nhận phản ánh, cáo giác của hội viên và có biện pháp cần thiết thích hợp để phân loại. Chỉ trong trường hợp có đủ căn cứ để xác định thông tin phản ánh, cáo giác của hội viên là đúng sự thật, thì tổ chức xã hội mới triển khai việc cáo giác tham nhũng dưới danh nghĩa của tổ chức. Có thể nhận thấy với cách làm đó, tổ chức xã hội có thể đứng ra cáo giác với thái độ tự tin mà không cần quá nhiều thao tác chuẩn bị trong trường hợp sự việc được xác nhận theo nhiều đơn cáo giác từ nhiều cá nhân. Trái lại, trong trường hợp chỉ một hoặc một vài cá nhân hội viên, thì tổ chức phải thận trọng và chặt chẽ trong việc phân tích, xác minh, đánh giá trước khi quyết định lên tiếng cáo giác hay không.
Lá chắn, tổ chức xã hội phải thực hiện tất cả những việc có thể trong phạm vi luật pháp cho phép để bảo vệ hội viên đã phản ánh, cáo giác tham nhũng chống sự xâm hại mang tính chất “phản đòn”. Đặc biệt, tổ chức xã hội phải bảo mật lai lịch của hội viên đã cung cấp thông tin phản ánh, cáo giác tham nhũng, không để hội viên phải xuất hiện và đối mặt với thế lực bị cáo giác trong tư thế đương đầu đơn lẻ.
Chú thích:
1. Thực tiễn ghi nhận nơi này, nơi nọ có những cá nhân quan chức tư pháp hoặc thường dân có quyết tâm đặc biệt và dũng cảm một mình đương đầu với các thế lực tham nhũng hùng mạnh và xảo quyệt, gian ác. Những người như thế được gọi là các hiệp sĩ chống tham nhũng. Trong hầu hết trường hợp, đó là hiện tượng ghi nhận ở các nước đang hoặc kém phát triển, nơi mặt bằng dân trí thấp và luật pháp vừa thiếu sót vừa kém hữu hiệu. Bản thân hiệp sĩ, nếu là thường dân, thường bị quy chụp là phần tử sống ngoài vòng luật pháp và phải đương đầu với nhiều rủi ro. Ở các nước phát triển, nơi mặt bằng dân trí cao, hầu như không thấy xuất hiện hiệp sĩ này.
Nguyễn Ngọc Điện
PGS, TS, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại (Pháp), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Luật – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh