(Mặt trận) - Việc Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ngày 18/11/2016, rõ ràng là một bước tiến mới của Nhà nước pháp quyền về tôn giáo ở Việt Nam. Đây cũng là thể nghiệm đầu tiên chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như Chương trình công tác năm 2016 của Mặt trận đã xác định. Bài viết này ghi nhận một số kinh nghiệm của Hội đồng Tư vấn Tôn giáo (HĐTVTG) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) trong việc thực hiện chức năng này.
Hội nghị tổng kết việc phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2016, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Ảnh: Thành Trung
Khi HĐTVTG bắt tay vào việc giám sát, phản biện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo từ cuối năm 2015, cũng là lúc MTTQ Việt Nam ban hành những quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức, nội dung giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo HĐTVTG tiến hành các khâu công tác chủ yếu: Theo sát và đóng góp ý kiến phản biện các văn bản Dự thảo Luật, báo cáo với Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch để gửi tới Ban soạn thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan trực tiếp thẩm định và trình Quốc hội thông qua). Bên cạnh đó, HĐTVTG còn có những hoạt động khác, như: tổ chức các cuộc trao đổi đối thoại với các cơ quan hành pháp và lập pháp nói trên, tham gia tổ chức những cuộc trao đổi lớn, nhiều phía, kể cả với các chức sắc tôn giáo trong khu vực và cả nước. Đó là không kể việc trong hai năm (2015, 2016) HĐTVTG còn tham gia các đoàn khảo sát ở nhiều địa phương, tiếp xúc với đồng bào các tôn giáo trực tiếp ghi nhận những phản ứng của họ với các bản Dự thảo.
Tuy vậy, nhiệm vụ lớn nhất của HĐTVTG đó là việc thông qua các chuyên gia, các nhân vật lãnh đạo tôn giáo là thành viên Hội đồng bám sát từng văn bản Dự thảo mà Ban Thường trực cung cấp (lãnh đạo Ban Thường trực đồng thời là ủy viên của Ban soạn thảo), góp ý từ tên gọi, bố cục, cấu trúc Dự thảo Luật, đến các nội dung chủ yếu của Luật này, như: xác định quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và những giới hạn cần thiết của nó; đăng ký và công nhận các tổ chức tôn giáo, trong đó, then chốt là xác định tư cách pháp nhân của họ, hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo, hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, cho đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng.
Các văn bản kết luận những phiên họp của HĐTVTG từ tháng 1/2016: Tờ trình về tín ngưỡng và quản lý tín ngưỡng; 21/3/2016 về Dự thảo 5A, 5B; Dự thảo ngày 5/7/2016 tại TP. Hồ Chí Minh, cũng như văn bản góp ý Dự thảo ngày 17/8/2016… đã cho thấy, lần đầu tiên đảm trách công tác mới mẻ này, những tâm huyết trí tuệ của Hội đồng được thể hiện ngày càng tập trung, sống động và hiệu quả.
Trước khi làm Dự thảo Luật, một băn khoăn chung của các thành viên, đó là: Liệu Luật này có thể vượt lên trên Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (2004) hay không? Luật đương nhiên phải có giá trị pháp lý, giá trị văn bản cao nhất về một lĩnh vực. Nhưng vấn đề là ở chỗ, Pháp lệnh nói trên sau hơn 10 năm thực hiện, vẫn có lý do tồn tại của nó và trong điều kiện của Việt Nam, nếu làm Luật, thì nó phải vượt lên Pháp lệnh ở chỗ nào, bằng cách nào?
Có 4 điểm nổi trội của Dự thảo đủ sức để phân biệt với Pháp lệnh, với tư cách một bộ luật (đầu tiên) của nước ta về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, đó là:
(1) Lần đầu tiên Luật đã thể chế hóa quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng đầy đủ hơn và đã áp sát hơn các chuẩn mực của Công ước Quốc tế (Điều 6, Chương 2). Dưới đây là một số điều khoản cụ thể:
- Dựa trên Điều 24 của Hiến pháp 2013, lần đầu tiên Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ở nước ta ghi nhận không chỉ là công dân mà mỗi người đều có các quyền này.
- Lần đầu tiên, mỗi người không những có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn có quyền tự do thay đổi tín ngưỡng tôn giáo.
- Lần đầu tiên, Luật có cách thể hiện đầy đủ hơn về quyền tự do bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, áp sát khái niệm "truyền đạo".
- Lần đầu tiên, những đối tượng đặc thù, như: tù nhân, người bị tạm giam, tạm giữ vẫn có quyền này.
- Lần đầu tiên, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam được ghi nhận đầy đủ hơn (Điều 8).
- Cũng lần đầu tiên, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ đóng khung với cá nhân, mà còn mở rộng việc bảo hộ quyền và nghĩa vụ này của Nhà nước với các tổ chức tôn giáo (Điều 7, Điều 9).
(2) Trong các công ước quốc tế, tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo được coi là điều kiện tiên quyết của quyền tự do tôn giáo với họ. Cũng là lần đầu tiên, quyền này được ghi nhận trong Luật: Công nhận "tư cách pháp nhân phi thương mại" của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 30).
(3) Đăng ký và công nhận các tổ chức tôn giáo nói chung là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của các bộ luật về tôn giáo.
- Mở rộng hơn các khái niệm pháp lý của Pháp lệnh, Dự thảo Luật đã coi trọng tính pháp lý của các sinh hoạt tôn giáo phổ biến như: điều kiện Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (Điều 16), Cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Điều 19).
- Đặc biệt, việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng, thuận lợi hơn trước: thay vì 23 năm, nay chỉ còn đủ 5 năm đã có thể công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 21). Điều kiện chia tách, sát nhập các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng thuận lợi hơn (Điều 27).
(4) Vấn đề tham gia các hoạt động xã hội với tư cách một tổ chức dân sự của các tổ chức tôn giáo cũng là một vấn đề trọng yếu khác của công tác làm luật. Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương xã hội hóa các hoạt động như thế của tôn giáo (3 hoạt động chủ yếu, truyền thống của họ là: y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo). Tuy vậy, đây là một vấn đề còn nhiều khác biệt về nhận thức, sự chi phối của các bộ luật chuyên ngành.
Với Dự thảo của Luật này cũng đã có thể ghi nhận những bước tiến: ghi nhận quyền của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động xuất bản (Điều 54) và "Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế và bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật liên quan" (Điều 55).
Càng gần đến những văn bản dự thảo cuối cùng trước khi trình Ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên trong HĐTVTG càng tập trung những suy nghĩ của mình trong việc phản ánh nguyện vọng của nhân dân, của các tổ chức tôn giáo, chẳng hạn:
Vấn đề thể chế hóa chủ trương "xã hội hóa các hoạt động tôn giáo" trong Điều 55 của Dự thảo là một trong những điều khoản còn gây nhiều tranh luận, các ý kiến phản biện, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị và trong nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo. Điều 55, trên thực tế chưa thật sự phân biệt Pháp lệnh. Cần có thêm những điều khoản quy định cụ thể hơn về phạm vi, mức độ, địa vị pháp lý của các cá nhân và tổ chức tôn giáo khi tham gia các hoạt động xã hội nói trên, mà bản thân họ cũng là một nguồn lực xã hội khá to lớn.
Vấn đề "Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo" (Chương VIII, Mục 1). Hiện nay, mô hình quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như sự phân công, phân nhiệm, phối hợp của hệ thống chính trị trong công tác này là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược. Mục 1, Chương VIII có nhiều điểm chưa thực sự tạo được sự đồng thuận xã hội (trong đó có các tổ chức tôn giáo).
Xung quanh vấn đề tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Điều 53 về quản lý sử dụng tài sản đã có những điều khoản tích cực như Khoản 3 (tiếp nhận và quản lý tài trợ có yếu tố nước ngoài). Tuy vậy, Điều 53 mới chỉ quy định chung về tài sản giữa chủ thể tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng với Nhà nước, mà chưa có những điều khoản cho thấy sự phân biệt về mặt pháp lý giữa các chủ thể trong nội bộ tổ chức tôn giáo.
Việc "Chính phủ quy định chi tiết" (Khoản 4) về tổ chức quyên góp có lẽ không hợp lý. Điều 54, về đất đai tôn giáo, tín ngưỡng, trong điều kiện Việt Nam, có thể chấp nhận được.
Điều 55 quy định "sở hữu chung của cộng đồng" đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có lẽ chỉ phù hợp với cơ sở tín ngưỡng, với tổ chức tôn giáo phức tạp hơn nhiều, không thể có một quy định chung như thế, dù rằng, quyền "quản lý" và quyền sử dụng thì đúng là của người đại diện hai cơ sở này. Với các cơ sở tôn giáo, nhất là Công giáo hoặc Tin lành điều này càng không đúng trong rất nhiều các trường hợp.
Lẽ dĩ nhiên không phải tất cả những ý kiến của HĐTVTG trong phản biện văn bản Dự thảo Luật đều được chấp nhận. Ban đầu, nhiều ý kiến của Hội đồng kiến nghị nên gọi Luật này là Luật Hoạt động Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhưng qua trao đổi với nhiều cơ quan, ban, ngành thì tên gọi như hiện nay hợp lý hơn.
Có thể nói, tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất quan trọng trong quá trình hình thành Bộ luật này. Hơn ai hết, Mặt trận luôn khẳng định Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ở Việt Nam chắc hẳn phải dựa trên ba chân đế: Dân tộc - Pháp quyền - Quốc tế (điều này phù hợp với sự chỉ đạo chung về các quan điểm trong xây dựng luật của Quốc hội và Chính phủ). Dân tộc (hiểu nghĩa rộng như những yêu cầu chính trị của Đảng và Nhà nước) đã in dấu trên những vấn đề căn bản và "rất Việt Nam". Nếu Luật này được thông qua thì chắc hẳn đã có sự khác biệt với các bộ luật tôn giáo của thế giới. Pháp quyền, một tâm tư phổ biến của quần chúng, đồng bào có đạo, cán bộ kể cả các nhà khoa học cũng như lãnh đạo các cấp là làm sao phải vượt lên trên Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (2004). Tại dự thảo Luật ngày 2/8/2016 thì dấu ấn pháp quyền về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu cho sự phân biệt của Luật này với Pháp lệnh. Quốc tế, việc hội nhập quốc tế trong xây dựng luật pháp hiện nay là phổ biến, nhất là sau khi Việt Nam đã có Hiến pháp mới (2013). Các Công ước quốc tế, các Hiến chương và Tuyên ngôn về vấn đề tôn giáo, nhân quyền là những bước tiến lớn của nhân loại, nhưng vận dụng nó với mỗi quốc gia lại là một vấn đề khác.
Vậy là, cuộc "thử sức" đầu tiên với chức năng giám sát, phản biện xã hội về phương diện luật pháp đối với HĐTVTG đã khép lại. Hội đồng đã thu được khá nhiều kinh nghiệm trong giám sát, phản biện, trong đó kinh nghiệm nổi bật là lắng nghe được hơi thở của đồng bào, chức sắc các tôn giáo, áp sát các kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực tôn giáo.
GS.TS. Đỗ Quang Hưng
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam