Kết quả và kinh nghiệm trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam

Trong 3 năm qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của hệ thống mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Nam đã từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả, được dư luận đồng tình ủng hộ. Trong đó, kết quả đáng ghi nhận nhất, là qua hoạt động này, Mặt trận các cấp trên địa bàn rút ra được nhiều kinh nghiệm thiết thực.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

 Ký kết chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - Nguồn: ubmttqvn.quangnam.gov.vn

Kết quả

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt là Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Quảng Nam chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 27-3-2014 về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 2107-QĐ/TU ngày 30-12-2014 quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân.

Thực tế trước khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 337/2016/TT-BTC ngày 28-12-2016 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là Thông tư 337), ở Quảng Nam, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chủ động đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định 527/QĐ-UBND ngày 3-01-2016 của UBND tỉnh quy định mức chi phục vụ hoạt động giám sát và phản biện xã hội của UBMTTQVN các cấp. Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 337, UBMTTQVN tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 19-4-2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tiến hành ký kết nhiều Chương trình phối hợp với HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức liên quan: về tiếp công dân, giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; kiểm tra, giám sát công tác thi hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ, thi hành án; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020; giám sát về các đề tài khoa học - công nghệ; vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Hằng năm, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chủ trì tập hợp nội dung giám sát của các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Trong 3 năm qua, UBMTTQVN tỉnh tổ chức 18 cuộc giám sát chuyên đề với 7 nội dung tại 50 cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện và xã. UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện toàn tỉnh thực hiện 102 cuộc với 6 nội dung tại 64 cơ quan, đơn vị, địa phương. UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện gần 700 cuộc giám sát trên địa bàn 244 xã, phường, thị trấn.

Tại cơ sở, phát huy vai trò tự quản của Nhân dân thông qua tổ chức và hoạt động của 244 Ban TTND và 71 Ban GSĐTCCĐ (183 xã còn lại do Ban TTND kiêm nhiệm). Từ năm 2014 đến nay, các Ban TTND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã tham gia giám sát trên 6.500 cuộc, phát hiện, kiến nghị gần 4.600 vụ việc, đã giải quyết hơn 3.200 vụ việc, thu hồi cho Nhà nước hơn 4,8 tỷ đồng và nhiều giá trị tài sản khác. Các Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 5.615 công trình, dự án triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn và đã gửi 1.076 kiến nghị đến các chủ đầu tư, nhà thầu, Ban quản lý các dự án yêu cầu tháo dỡ, thay đổi hoặc kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn. Riêng trong năm 2015 và 2016, qua hoạt động giám sát, các Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đã đề nghị thu hồi ngân sách nhà nước hơn 380 triệu đồng, xuất toán 285 triệu đồng; đề nghị thanh toán đúng theo thực tế so với hồ sơ quyết toán, nộp lại ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý một số trường hợp vi phạm.

Bên cạnh tập trung thực hiện nhiệm vụ giám sát, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh còn tiến hành khảo sát thực tế và tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án quan trọng: “Tăng cường năng lực giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020”; Dự thảo Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng năm 2025” và dự thảo Đề án “Chính sách giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2021” theo đề nghị của UBND, HĐND tỉnh. Qua đó, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổng hợp đầy đủ ý kiến phản biện gởi cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án trước khi trình HĐND tỉnh thông qua.

Ngoài ra, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của Ủy viên UBMTTQVN tỉnh, thành viên các Hội đồng tư vấn của UBMTTQVN tỉnh đối với gần 80 dự thảo các đề án, nghị quyết, nghị quyết liên tịch và các văn bản khác của Trung ương và tỉnh... Tất cả ý kiến tham gia góp ý được UBMTTQVN tỉnh tổng hợp, báo cáo với cơ quan chủ trì soạn thảo.

Song song với thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị được UBMTTQVN các cấp triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 3 năm qua, UBMTTQVN các cấp đã tổ chức được 3.522 “diễn đàn” tại các địa phương (1.408 diễn đàn góp ý đội ngũ CB, CC cấp xã; 1.491 diễn đàn góp ý đối với lực lượng công an, 623 diễn đàn góp ý xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ ngành thuế, kiểm lâm, y tế...) với hàng ngàn lượt người tham dự. Bên cạnh đó, UBMTTQVN các địa phương còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền tổ chức hàng chục buổi “đối thoại trực tiếp” giữa lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp với Nhân dân về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, tài nguyên môi trường, bồi thường, tái định cư tại địa phương.

Một số kinh nghiệm

Qua thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của UBMTTQVN tỉnh trong 3 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQVN phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên UBMTTQVN, thành viên các tổ chức tư vấn của UBMTTQVN các cấp; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực.

- Phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện của UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp. Trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND, UBND, Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra các cấp để tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình giám sát và phản biện xã hội.

- Kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của UBMTTQVN và các tổ chức thành viên ở từng cấp.

- Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm để báo cáo với cấp ủy, thống nhất với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện.

- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQVN cần phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217, 218-QĐ/TW, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-
ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN (gọi tắt là Nghị quyết liên tịch 403) và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời phải có cách làm, phương thức tiến hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.

- Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện của UBMTTQVN phải khách quan, trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi. Đồng thời UBMTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện và góp ý.

Những vấn đề đặt ra và kiến nghị

Hiện nay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN được điều chỉnh bởi 02 văn bản: Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch 403 của Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQVN. Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN theo 2 văn bản nêu trên lại khác nhau. Theo đó, Quyết định 217-QĐ/TW quy định phạm vi, đối tượng giám sát, phản biện rộng hơn, bao gồm cả đảng viên, tổ chức Đảng. Luật MTTQVN và Nghị quyết liên tịch 403 chỉ quy định phạm vi, đối tượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN chỉ có CB, CC, đại biểu dân cử, cơ quan nhà nước (không điều chỉnh đảng viên và tổ chức Đảng). Do đó, thực tiễn giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN đối với đảng viên, tổ chức Đảng đang gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Do vậy, kiến nghị với Trung ương cần có văn bản hướng dẫn thống nhất và cụ thể hơn về trình tự, thủ tục khi giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN đối với đảng viên và tổ chức Đảng.

Thực tiễn giám sát thời gian qua cho thấy, việc UBMTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức giám sát đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp là rất khó khăn và không hiệu quả, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Do đó, để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQVN đề nghị MTTQVN cấp trên tổ chức giám sát đối với cấp ủy, chính quyền cấp dưới.

- Quy định của Quyết định 217, 218-QĐ/TW về thời hạn gửi dự thảo văn bản, trách nhiệm giải trình, hình thức tiếp thu ý kiến phản biện và giải quyết kiến nghị sau giám sát của MTTQVN đến nay vẫn chưa được thể chế hóa bằng quy định cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật (kể cả Nghị quyết liên tịch 403 vừa mới ban hành) làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu chủ trương bổ sung cơ cấu cứng trong Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện đối với 01 Phó Chủ tịch UBMTTQVN cùng cấp để nâng cao vị thế, vai trò của MTTQVN trong hệ thống chính trị hiện nay.

- Hoạt động giám sát của MTTQVN các cấp tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua chỉ mới thực hiện đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền các cấp còn giám sát đối với trách nhiệm, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan Trung ương. Do đó, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đề xuất Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm “Quy chế MTTQVN giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” (theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 21-4-2006 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQVN) để tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện ban hành Quy chế mới phù hợp với quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết liên tịch số 403 về hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN nhằm phát huy hơn nữa vai trò giám sát của UBMTTQVN cấp xã, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đảng viên nơi cư trú.

Đồng thời, để tăng cường hơn nữa hiệu quả giám sát của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đối với CB, CC, đảng viên ở nơi cư trú đề nghị Ban Chấp hành Trung ương có văn bản chỉ đạo thống nhất đối với các cấp ủy Đảng khi nhận xét đảng viên thực hiện Quy định 76-QĐ/TW ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị về “Đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” cần có ý kiến tham gia của Ban Công tác Mặt trận nơi đảng viên đó cư trú. Như vậy, sẽ phát huy tốt nhất vai trò giám sát của người dân đối với những vấn đề về đạo đức, lối sống, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú.

Theo Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam