(Mặt trận) - Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ đó phát hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến - là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Họ là những cán bộ Mặt trận luôn sâu sát với cơ sở, là những điển hình mẫu mực có sức lan tỏa để cộng đồng noi theo. Đồng thời, khi phát hiện những điển hình như vậy, cần tổ chức khen thưởng kịp thời nhằm khích lệ, động viên, tạo động lực để họ tiếp tục phát huy sức sáng tạo và cống hiến cho cộng đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen cho các cán bộ Mặt trận được biểu dương.
Hơn 30 năm đổi mới đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thực hiện vai trò là trung tâm đại đoàn kết để kêu gọi, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cuộc vận động của Mặt trận triển khai trong thời gian qua như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng với phong trào thi đua của các ngành, các cấp, đặc biệt là hướng tới phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững do Đảng và Nhà nước kêu gọi là tâm điểm khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết gắn bó từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư. Thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, bảo tồn và phát triển văn hóa là nền tảng, xây dựng Đảng là then chốt được toàn dân đồng tình thực hiện đem lại thành công như ngày hôm nay.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xuất hiện rất nhiều những tấm gương tâm huyết, trách nhiệm và làm việc hết mình vì đất nước, vì nhân dân của những người làm công tác Mặt trận. Những tấm gương đó có sức cổ vũ lớn lao đối với các tầng lớp nhân dân và đóng góp to lớn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó có các tấm gương tiêu biểu của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Đó là những người ngày đêm sâu sát với cơ sở, trách nhiệm, nhiệt tình gây dựng các phong trào ở cơ sở. Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21/5/2004, của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”; Và Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014, của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác Mặt trận và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhằm biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong công tác Mặt trận ở cơ sở, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017, vào tháng 10/2017 tại Thủ đô Hà Nội. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, biểu dương, tôn vinh 442 đại biểu tiêu biểu, từ các địa phương trên toàn quốc. Trong đó, có 156 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và 286 đại biểu là Trưởng Ban Công tác Mặt trận.
Đại biểu cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Huấn 78 tuổi (1939), dân tộc Kinh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Giáp Tiêu, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và ông Phùng Huy Đan 78 tuổi (1939), dân tộc Kinh, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 5, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đại biểu trẻ nhất tuổi là Chủ tịch Mặt trận Hồ Văn Khu, 31 tuổi (1986) dân tộc Giẻ triêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Những điển hình ưu tú tại hội nghị biểu dương này xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho hàng chục nghìn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và hàng trăm nghìn Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Trong điều kiện chung của đất nước, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở mặc dù điều kiện công tác, chế độ chính sách còn chưa thực sự thỏa đáng song vẫn đầy nhiệt huyết và sáng tạo, hy sinh việc nhà vì việc làng việc nước, không quản ngại nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ người nghèo, hóa giải mâu thuẫn, vào từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, lắng nghe và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, gây dựng phong trào tự quản trong cộng đồng. Với vai trò và uy tín của mình, các đồng chí Chủ tịch Mặt trận ở các xã, phường, thị trấn; các đồng chí Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã luôn tận tụy với công việc, lắng nghe ý kiến nhân dân, đề xuất cấp ủy, phát huy dân chủ, phối hợp với chính quyền giải quyết được nhiều vấn đề ở cơ sở như: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, góp công sức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, không ngừng phát huy dân chủ, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân… Từ thực tiễn hoạt động, qua những điển hình, các đồng chí đã rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết để nhân rộng những sáng kiến, cách làm hay cho nhiều địa phương trên cả nước.
Một số gương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu
+ Chủ tịch Mặt trận Võ Văn Tháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và hỗ trợ cho người nghèo được 3,7 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến 26.300m2 đất và đóng góp 976 triệu đồng xây dựng nghĩa trang, sửa chữa đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; vận động mua xe vận chuyển bệnh nhân, xe tải với trị giá trên 1 tỷ đồng, phát huy hiệu quả 3 mô hình “Xe chuyển bệnh miễn phí”; “Tổ cất nhà từ thiện” và “Nắm gạo tình thương”.
+ Chủ tịch Mặt trận Đặng Văn Tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tích cực tham gia các phong trào; triển khai tới các Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đăng ký các danh hiệu, như: Làng văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến… Thực hiện tốt nội dung như: Tết Vì người nghèo, Ngày vì người nghèo… tham gia tuyên truyền 602 hộ hiến 45.570m2 đất; phối hợp vận động nhân dân 5/11 thôn tổ chức thành công dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu 75ha. Tích cực vận động hỗ trợ xây dựng được 12 nhà Đại đoàn kết. Tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách xã hội, tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, chính quyền.
+ Trưởng Ban Công tác Mặt trận Đinh Du, 63 tuổi, dân tộc Banar, làng Hven, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn bà con trong làng học tập kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện, làng không còn hộ đói, không còn nhà tranh tre dột nát. Giúp đỡ các hộ khó khăn mượn bò giống sinh sản, cho bà con mượn tiền mua con giống, cây giống trong sản xuất.
+ Trưởng Ban Công tác Mặt trận Nguyễn Tiến Nam, thôn Tân Định, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh sáng tạo, linh hoạt, phối hợp hiệu quả giữa Ban Công tác Mặt trận với Linh mục quản xứ, ban hành giáo họ, giáo xứ trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, quê hương giàu đẹp, văn minh, an ninh nông thôn, an ninh vùng giáo được giữ vững ổn định; bản thân trực tiếp vận động 148 hộ giáo dân hiến 2142 m2 đất vườn và 3.223m2 hàng rào để làm 1.430m đường giao thông, bình quân mỗi hộ ủng hộ 4,5 triệu đồng; kêu gọi ủng hộ được 250 triệu đồng, vận động 3 hộ giáo dân ủng hộ 1.500m2 đất sản xuất và huy động bà con giáo dân 450 ngày công để làm hội quán, sân bóng chuyền của thôn; vận động nhân dân thành lập 3 mô hình chăn nuôi, lắp đường điện ánh sáng trị giá trên 50 triệu đồng; duy trì, phát triển phong trào “khuyến học, khuyến tài”, thôn luôn đi đầu trong phong trào bảo vệ môi sinh, môi trường đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ.
+ Chủ tịch Mặt trận Dương Văn Hùng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 8, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền vận động nhân dân, đồng bào có đạo, người dân tộc tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hỗ trợ người nghèo, công tác từ thiện xã hội, ủng hộ xây dựng các loại quỹ… Vận động 35/35 hộ dân hẻm 159 Hoàng Văn Thụ tự nguyện hiến đất để mở rộng hẻm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; 91/91 hộ ở các hẻm 270 Nguyễn Trọng Tuyển số 211 và số 205 Hoàng Văn Thụ, số 15 Trương Quốc Dung, hiến đất để thực hiện dự án nâng cấp đô thị do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho khu dân cư có thu nhập thấp, vận động nhân dân hẻm 200 Nguyễn Trọng Tuyển đóng góp 20,2 triệu đồng; hẻm 28 Nguyễn Thị Huỳnh phối hợp với chính quyền vận động nhân dân tham gia tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc qua các mô hình lắp đặt camera ở 4 khu phố.
+ Chủ tịch Mặt trận Tẩn Ổng Sểnh, 33 tuổi, dân tộc Dao, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai phối hợp với ban, ngành đoàn thể, tổ chức thành viên triển khai thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia đình đưa cây Sa nhân tím vào trồng nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân trên địa bàn. Đã có 70 % số hộ gia đình tham gia trồng cây Sa nhân, đến nay có 65 ha cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt từ 13-15 tấn, các hộ gia đình đều có thu nhập, cá biệt có hộ thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
+ Trưởng Ban Công tác Mặt trận Coor Dênh, 39 tuổi, dân tộc Cơ tu, thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là một cán bộ Mặt trận thôn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, tự nguyện bỏ ra hơn 200 triệu đồng để xây cầu; là một người làm kinh tế giỏi. Luôn chấp hành tốt hương ước, qui ước ở khu dân cư. Vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”. Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/05/2011 của Bộ Chính trị và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh.
+ Chủ tịch Mặt trận Sơn Huôl, dân tộc Khmer, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là cán bộ người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: cả 3 khu dân cư đều đạt khu dân cư văn hóa, tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 94,79%; vận động quỹ "Vì người nghèo" được 1,039 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ xây dựng 31 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền hỗ trợ 930 triệu đồng, hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo gặp khó khăn, học sinh nghèo hiếu học với tổng trị giá trên 100 triệu đồng, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 14%.
+ Trưởng Ban Công tác Mặt trận Vừ Bả Lậu, dân tộc Mông, bản Cang Kéo, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La luôn thực hiện phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ " Từ thiện nhân đạo”; vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới" và "Tổ tự quản đường biên, cột mốc"... được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
+ Chủ tịch Mặt trận Phạm Quang Đản, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân trong xã hiến tặng 19ha đất nông nghiệp, 85 hộ gia đình tự tháo dỡ công trình, hiến tặng trên 1.000m2 đất thổ cư để mở rộng và cứng hóa hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới, góp phần đưa xã về đích được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (trước kế hoạch 1 năm). Thực hiện tốt phong trào xây dựng thi đua yêu nước xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” và “Xứ họ đạo 4 gương mẫu”, đoàn kết lương - giáo phát triển kinh tế.
Một số kinh nghiệm trong hoạt động Mặt trận cơ sở
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trên cơ sở quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát huy tinh thần sáng tạo, hăng hái thi đua của các tập thể, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động.
1. Chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nâng cao nhận thức và trách nhiệm, tự giác tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Muốn thi đua làm việc tốt, điều quan trọng là cần phải tạo ra môi trường dân chủ, cơ chế, chính sách làm cho mọi người dân hăng hái đóng góp sức người, sức của cho lợi ích quốc gia và lợi ích mỗi nhà, mỗi người. Với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, từ đó khích lệ tinh thần sáng tạo, hiến kế trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ, trong từng việc cụ thể rồi mở rộng các phong trào thi đua trong tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
2. Để tạo động lực thi đua, cần phải phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, nhất là những quyền và lợi ích cụ thể, sát với đời sống hằng ngày của người dân. Với chức năng giám sát và phản biện xã hội đã được pháp luật quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các lực lượng xã hội tăng cường các hoạt động giám sát. Ở cơ sở phải củng cố, tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để cho mọi công trình của Nhà nước hay của nhân dân xây dựng đều có vai trò đóng góp, giám sát của người dân.
3. Theo tư tưởng của Bác Hồ “Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, từ trong các phong trào thi đua yêu nước, cần phải kịp thời phát hiện nêu gương điển hình, nhân điển hình rộng khắp để tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở cần chú trọng chăm lo, phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân. Cần tuyên truyền rộng rãi những tấm gương tốt, gương tiêu biểu uy tín của các già làng, trưởng bản, cán bộ Mặt trận cơ sở trong cộng đồng để xây dựng lực lượng trong nhân dân ngày càng mạnh lên trong tinh thần đoàn kết “muôn người một ý chí”.
4. Đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong bình xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng trong các phong trào, các cuộc vận động. Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong công tác thi đua, khen thưởng hay gặp những vướng mắc, tồn tại đó là tính công bằng, minh bạch trong bình xét khen thưởng đảm bảo đúng thành tích. Để làm tốt vấn đề này, bên cạnh sự lãnh đạo sâu sát của Cấp ủy, Chi bộ, lãnh đạo các đơn vị, sự thống nhất trong tư tưởng và hành động trong chỉ đạo, phát huy sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hướng tới mục tiêu chung là đưa các phong trào, các cuộc vận động đi vào hiệu quả, mang lại lợi ích lớn lao cho toàn xã hội. Giảm tối đa bệnh thành tích, khai man thành tích, lấy thành tích của người khác làm thành tích của mình; đặc biệt quan tâm tới các cá nhân trực tiếp lao động, công tác, người có đóng góp thiết thực trong tổ chức thực hiện, vận động, triển khai có hiệu quả các phong trào trong các tầng lớp nhân dân.
Muốn làm được việc đó, bộ phận thường trực làm công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn có liên quan để tham mưu cho lãnh đạo trong quá trình xét thi đua và đề nghị khen thưởng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu công tác, những đóng góp thiết thực, nổi bật của các cá nhân và tập thể bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng xứng đáng.
5. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác Mặt trận, phải không ngừng đổi mới, gạt bỏ cách làm hành chính, hình thức; cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp phải gắn bó sâu sát với nhân dân. Tư duy công tác Mặt trận ở các cấp phải được đổi mới. Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền, cán bộ Mặt trận và đoàn thể lắng nghe thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải nói lên được tiếng nói của nhân dân, phải làm cho dân tin, phải đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở phải được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, luôn bổ sung lực lượng mới để tạo ra cách nghĩ mới, cách làm mới sáng tạo không ngừng.
Nguyễn Bắc Bình
Thạc sĩ, Ban Tổ chức - Cán bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam