Góp phần nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày 28/12/2018, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam”. Đề tài do Thạc sỹ Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm chủ nhiệm.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại một buổi tọa đàm, do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, tháng 12/2018. Ảnh Quang Vinh.

Xuất phát từ bản chất và yêu cầu của nền dân chủ XHCN, với tư cách vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của xã hội và tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh; từ bản chất và yêu cầu của hệ thống chính trị dân chủ nước ta; đồng thời từ vị trí, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị; từ thực trạng hoạt động phản biện xã hội của MTTQ trong thời gian qua, đề tài đã kế thừa (có chọn lọc, phân tích và bình luận) các kết quả nghiên cứu có giá trị đã được thực hiện trước đề tài này trên cơ sở tập hợp, hệ thống ở mức đầy đủ nhất có thể đối với các công trình khoa học có liên quan đến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Bên cạnh việc nghiên cứu trực tiếp các nội dung về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, đề tài cũng đã tập trung hướng nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian qua, đánh giá những thuận lợi, khó khăn cùng với những ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện để rút ra các kiến nghị nhằm phát huy hơn nữa những thế mạnh và ưu điểm, khắc phục và hạn chế tối đa các khó khăn, hạn chế đó.

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, cùng với xu thế mở rộng dân chủ XHCN, để bảo đảm chính sách, pháp luật hợp lòng dân, khả thi trên thực tế thì rất cần đến phản biện xã hội. Nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được nêu ra tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng năm 2006; Nghị quyết Đại hội XI, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và nhất là được quy định tập trung tại Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội do Bộ Chính trị ban hành (Kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị); Hiến pháp năm 2013; Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đề cấp vấn đề này.

Trên thực tế những năm qua, một số cấp MTTQ Việt Nam đã làm tương đối tốt hoạt động phản biện xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu, thể chế, việc thực hiện phản biện xã hội còn nhiều lúng túng, chưa phân biệt rõ phản biện và góp ý kiến. Một trong những nguyên nhân chính của hạn chế là do nhận thức về phản biện còn chưa thống nhất, còn có ý kiến đồng nhất phản biện với phản đối, chống đối… Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và lần đầu tiên hiến định được chức năng này. Ngày 15/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Vì thế, việc thực hiện Đề tài để nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có ý nghĩa to lớn.

Đề tài được thực hiện trong thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 11/2018. Việc thực hiện nghiên cứu Đề tài đã góp phần hoàn thiện những cơ sở lý luận và thực tiễn về các giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Qua nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề cơ bản về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam như: khái niệm phản biện xã hội; phân biệt phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với các phản biện khác; nguyên tắc, đối tượng, phạm vi, nội dung, phương thức trong phản biện xã hội; quyền, trách nhiệm, mối quan hệ trong phản biện xã hội; các điều kiện bảo đảm; thực trạng phản biện xã hội và đề xuất phương hướng, giải pháp và các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.     

Các sản phẩm khoa học của Đề tài đã góp một phần cụ thể vào việc đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; góp phần vào việc phát triển công tác nghiên cứu, lý luận; cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu khoa học về tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam; các sản phẩm nghiên cứu của Đề tài có thể ứng dụng trực tiếp phục vụ cho việc tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam; làm tài liệu tham khảo trong xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập đối với các nội dung liên quan đến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cá nhân quan tâm đến tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam.