(Mặt trận) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải gắn liền và nằm trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác Mặt trận các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. (Ảnh Hương Diệp)
Đặt vấn đề
Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị với đổi mới thể chế kinh tế nhằm phù hợp với nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng, đó là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 9/2/2007 về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: “Kiện toàn tổ chức bộ máy phải nhằm bảo đảm các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lặp, chồng chéo, ...”; “… Khắc phục tình trạng "hành chính hóa" của các tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới phương thức hoạt động, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích… Tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần được kiện toàn tinh gọn”. Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị "về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: “Sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ hoạt động chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn… Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy tính năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…”.
Đặc biệt, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đã nêu: “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội…”; “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện”…
Kết quả đạt được
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Kết luận 62-KL/TW đã bước đầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng đã quan tâm hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thông qua quy chế và chương trình phối hợp công tác. Chú trọng tổng kết thực tiễn. Tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác Mặt trận và các đoàn thể; đưa nội dung lãnh đạo công tác Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp. Quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phân công cán bộ có trình độ, năng lực uy tín sang làm công tác Mặt trận; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Quan tâm củng cố về tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng tập huấn cho cán bộ Mặt trận, nhất là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, tập trung tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, công tác thi đua, khen thưởng, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Việc kiện toàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp luôn được quan tâm và thực hiện đúng theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Việc kiện toàn và phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp được Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp Trung ương đến cơ sở đặc biệt quan tâm, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI, XII, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ của địa phương; tổ chức hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án Luật các văn bản dưới Luật, các chương trình, đề án... hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu quả tốt. Tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Quan tâm sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Coi trọng việc kết hợp, phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách và các Hội đồng tư vấn. Quan tâm việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc có phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động nhân dân; chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc ở tất cả các cấp. Hoạt động của các vị uỷ viên Uỷ ban, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được đổi mới, đóng góp tích cực, có hiệu quả cho công tác Mặt trận.
- Chất lượng, hiệu quả của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc phát động và chủ trì từng bước được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận tập trung về cơ sở và khu dân cư, nhiều địa phương đã chú ý chỉ đạo và phối hợp xây dựng mô hình mới trên từng lĩnh vực, đi sâu từng đối tượng, bằng nhiều phong trào cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Một số giải pháp đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động
Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới
Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là trách nhiệm riêng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, bao gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, do Đảng lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chính vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận cũng được thể hiện ở công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung về vị trí, vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều đó có nghĩa, Đảng phải có kế hoạch không chỉ đề ra đường lối tuyên truyền mà còn phải lãnh đạo việc tổ chức tuyên truyền về đường lối phát triển Mặt trận. Các cơ quan tuyên giáo thuộc hệ thống của Đảng phải cùng phối hợp với cơ quan của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để làm công tác tuyên truyền.
Trong giai đoạn cách mạng mới ở nước ta hiện nay, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cần thiết và rất quan trọng trong xã hội nhằm tập hợp, đoàn kết tạo ra sự đồng thuận về chính trị, tư tưởng cao trong xã hội, hướng vào mục tiêu chung xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với đặc điểm nói trên, rõ ràng công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã qua.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là chủ thể chính trong công tác tuyên truyền, cần quán triệt trước tiên ngay trong chính đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cùng các tổ chức thành viên Mặt trận. Đơn vị Ban Tuyên giáo thuộc cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hàng năm phải xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tuyên truyền tham mưu cho Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với những vấn đề lớn, quan trọng phải xin ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam toàn quốc để thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp tuyên truyền và phân công tổ chức thực hiện.
Cần đổi mới phương pháp tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng việc phát huy thế mạnh các kênh tuyên truyền, như: Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Website Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát huy vai trò các ban chuyên môn làm công tác tuyên giáo trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc. Điều quan trọng là, các kênh tuyên truyền cần có sự phối hợp thật chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh và hiệu quả công tác tuyên truyền. Hơn thế, các kênh tuyên tuyền của Mặt trận cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các kênh tuyên truyền của các tổ chức thành viên Mặt trận, các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Hàng năm, hàng quý, hàng tháng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần định hướng công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Khi hệ thống chính trị và toàn xã hội nói chung có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ đó cùng chung sức phấn đấu cho một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
- Đối với tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần thống nhất quan điểm, nguyên tắc chung là phải vì công việc, xuất phát từ công việc mà đặt ra tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ từng ban, đơn vị, cơ quan tham mưu về tổ chức - cán bộ, rà soát, đánh giá cán bộ làm cơ sở cho lãnh đạo xem xét và quyết định.
Với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là cơ quan giúp việc cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nên tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần gọn và tinh. Điều đó có nghĩa là, ngoài Ban Thường trực, đơn vị Văn phòng làm nhiệm vụ phục vụ, các ban, đơn vị chuyên môn được tổ chức theo sát những lĩnh vực, vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đội ngũ cán bộ cần chuyên sâu (chuyên gia), tổ chức ban, đơn vị chỉ là đầu mối quản lý, khâu nối tổ chức, duy trì hoạt động, Trưởng, Phó trưởng ban đơn vị làm nhiệm vụ điều hành. Cơ cấu biên chế đảm bảo theo vị trí việc làm một ban, đơn vị có ít nhất từ 10 đến 15 cán bộ, chuyên viên là hợp lý.
- Đối với tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương, trước hết cần có sự thống nhất về quan điểm giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh ủy, thành ủy nhằm có sự thống nhất chung. Cần đảm bảo thống nhất đồng bộ theo Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1/4/2015 của Ban Bí thư, nếu không thể bố trí độc lập các ban chuyên môn theo Quy định số 282 thì sẽ bố trí theo lĩnh vực, nội dung.
Về tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cần có sự thống nhất chung, tránh tình trạng tổ chức bộ máy hiện nay không phù hợp, bố trí biên chế cán bộ cấp huyện còn bất hợp lý… Với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hiện nay, xét về tổ chức bộ máy, có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thêm.
Tổ chức bộ máy Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư, cộng đồng dân cư theo hệ thống tổ chức bộ máy Mặt trận hiện nay tuy không là một cấp, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong triển khai các hoạt động. Để kiện toàn tổ chức này cần có nghiên cứu thêm, trước mắt rất cần có sự chỉ đạo chung để thống nhất về quy mô tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và bố trí Trưởng, Phó ban cũng như bảo đảm về chế độ chính sách. Có thể thực hiện theo hướng sau:
Về công tác tổ chức của Ban Công tác Mặt trận: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc duy trì các tổ chức thể hiện: chi bộ Đảng tổ, khu phố, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên) ở khu dân cư cho phù hợp với quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và phối hợp thống nhất hành động của Ban Công tác Mặt trận. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng từ 7-15 thành viên với nhiều cá nhân tiêu biểu là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi. Tổ chức thực hiện và đảm bảo quy trình kiện toàn củng cố Ban Công tác Mặt trận theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành.
Mở rộng và tăng cường đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ cán bộ Mặt trận không chuyên trách
Mở rộng và tăng cường đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ cán bộ Mặt trận không chuyên trách là một hướng đi rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc nhằm bổ sung và khắc phục tình trạng tổ chức bộ máy cán bộ Mặt trận chuyên trách hiện nay thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Xét từ tổng thể xã hội, đây còn là phương pháp phát huy, tận dụng được các nguồn lực xã hội và cả tiết kiệm về tài chính ngân sách.
Nội dung cần đạt được là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần rà soát, lựa chọn để tiến cử mời được những người tiêu biểu có tâm huyết, trí tuệ, trình độ, có kinh nghiệm, am hiểu xã hội từ tất cả các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, thành phần xã hội tham gia làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia các Hội đồng, Ban - tổ tư vấn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Song song, Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm đến việc mời tham gia làm cộng tác viên không thường xuyên, để phát huy hết các nguồn trí tuệ, chất xám trong xã hội.
Trước mắt, có thể mở rộng và tăng cường đối với Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn theo hướng sau: Đối với các tỉnh, thành phố, tùy theo tình hình, điều kiện thực tế của mỗi địa phương để có chủ trương thành lập các Hội đồng tư vấn, tập trung thành lập không quá 4 Hội đồng tư vấn ở cấp tỉnh, 2 Ban tư vấn ở cấp huyện, cụ thể là: Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn về Dân chủ - Pháp luật; về Kinh tế và về Văn hóa - Xã hội (các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, kiều bào, có đường biên giới... nên thành lập thêm Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo, về Đối ngoại và Kiều bào). Số lượng mỗi Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn cấp tỉnh, nên có từ 5 - 15 thành viên, cấp huyện có từ 7 - 9 thành viên, bao gồm những chuyên gia giỏi, những người là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đương chức hoặc đã về hưu, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, các ngành, các giới... có trình độ am hiểu sâu sắc về Mặt trận và lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn của Hội đồng, có tâm huyết và say sưa với hoạt động của Mặt trận, có khả năng thể hiện ý kiến, quan điểm, kiến nghị của mình, có tư chất của người làm tư vấn, như: trung thực, thẳng thắn, khách quan, không vụ lợi... và có sức khỏe, thời gian vật chất hoạt động trong Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn...
Kiện toàn một bước công tác cán bộ; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới
Giai đoạn cách mạng hiện nay đòi hỏi và đặt ra cho công tác Mặt trận rất nhiều vấn đề mới, tương ứng cũng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận có tư duy mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, xét trên thực tế đội ngũ cán bộ Mặt trận nhiều năm qua chưa được chuẩn bị kỹ, cán bộ Mặt trận được bổ sung từ nhiều nguồn, không được đào tạo cơ bản về công tác Mặt trận, chủ yếu làm việc theo lối kinh nghiệm… là một khó khăn lớn cho việc xây dựng, phát huy tổ chức bộ máy. Tổ chức bộ máy Mặt trận được vận hành phát huy hiệu quả chỉ khi có đội ngũ cán bộ Mặt trận đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt. Việc kiện toàn công tác cán bộ; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới cần quan tâm những nội dung sau:
Một là, cần có sự thống nhất từ các cơ quan tham mưu về tổ chức của Đảng, Nhà nước với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để phân cấp rõ ràng và giải quyết những mâu thuẫn xung quanh các vấn đề về mức độ phân cấp quản lý, trách nhiệm đến đâu, việc tổ chức chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện…
Hai là, đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp địa phương yêu cầu đặt ra cho việc tổ chức bộ máy và cán bộ Mặt trận cũng đòi hỏi có sự thống nhất giữa cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý chỉ đạo tổ chức bộ máy và cán bộ Mặt trận.
Ba là, thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương về bộ máy cán bộ chuyên trách. Đây là vấn đề rất quan trọng do có liên quan trực tiếp đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Song đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, có vấn đề quan hệ đến cả cơ chế vận hành chung của hệ thống chính trị, có vấn đề do lịch sử để lại. Do vậy, rất cần được nghiên cứu thấu đáo và từng bước giải quyết, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng được yêu cầu công tác Mặt trận đã có nhiều thay đổi.
-------------------------------------------------------
1. Thang Văn Phúc - Nguyễn Minh Phương: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2007.
2. Nguyễn Phú Trọng: Đổi mới và phát triển Việt Nam - một số vấn đề lý luận, thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2006.
3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1993.
4. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Tuyên giáo Trung ương - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - những chặng đường vẻ vang, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2011.
Đồng chí Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam