Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến chủ trì 6 chương trình giám sát trong năm 2023

(Mặt trận) - Chiều 29/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì cuộc họp nhằm rà soát, xây dựng báo cáo kết quả việc thực hiện Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022 và đề xuất nội dung giám sát và phản biện xã hội năm 2023 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại Học viện Tài Chính

Quang cảnh cuộc họp 

Hoàn thành nội dung giám sát, phản biện đã đề ra trong năm 2022

Báo cáo rà soát việc thực hiện Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2022 nêu rõ, tính đến thời điểm này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì triển khai 5 nội dung giám sát: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên (theo Quy định số 124); Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tham gia 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao giám sát các nội dung theo Quy chế phối hợp công tác số 01/QC/MTTQ-VKSNDTC ngày 27/8/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương  MTTQ Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Phối hợp với Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam giám sát về đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022.

Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực triển khai chương trình giám sát theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp và Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ nơi làm việc trong doanh nghiệp; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì giám sát việc quản lý sử dụng đất trồng lúa, chính sách tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp và tham gia, phối hợp giám sát các chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021) theo sự phân công của Trung ương MTTQ Việt Nam;…

Trong hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị Phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Phản biện xã hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Phản biện xã hội Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); Phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi);...

Những nội dung giám sát, phản biện trọng tâm trong năm 2023

Theo dự thảo kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì 6 hoạt động giám sát về: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; Việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của UBND các cấp; Tiếp tục giám sát việc triển khai các công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; Việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Bên cạnh đó, trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có thể giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khi phát sinh các vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản có liên quan.

Đối với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, theo dự kiến, trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế trong các loại hình doanh nghiệp; Thực hiện các chính sách, pháp luật về An toàn vệ sinh lao động; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giám sát việc triển khai, thực hiện Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Về hoạt động phản biện xã hội, theo dự thảo kế hoạch năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phản biện xã hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần 2, về Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ giới; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại cuộc họp

Tăng cường sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh, chương trình giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2023 nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội về đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng góp phần nâng cao nhận thức và thống nhất hành động về ý nghĩa, tính chất, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội trong toàn thể hệ thống Mặt trận; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, khi kế hoạch giám sát được ban hành, các cơ quan cần chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; quá trình triển khai cần bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; đồng thời tăng cường sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên, tạo cơ chế huy động sự tham gia của thành viên các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.

“Nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội phải rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao; bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó cần đẩy mạnh việc công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội trên các phương tiện thông tin, báo chí.”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi mở.