UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Sáng ngày 15/9, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại biểu tham dự Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đại biểu là đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam và 3.462 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phản biện để giảm thiểu các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai

Chủ trì Hội nghị  

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết 18 –NQ/TW với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi. Đây là định hướng chính trị đặc biệt quan trọng để sửa đổi Luật đất đai năm 2013.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bởi dự án Luật này tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Luật đất đai sửa đổi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

“Chính vì vậy, thực hiện chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch giám sát phản biện xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành, tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW hoàn thành trong quý IV năm 2022”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 17/8/2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 589/KH-MTTW-BTT về việc tổ chức phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khuôn khổ hoạt động phản biện xã hội đối với dự án Luật rất quan trọng này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 1 hội nghị góp ý kiến và 2 hội nghị tọa đàm tại 2 địa phương để lấy ý kiến đối với dự thảo luật. Hôm nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Để Hội nghị phản biện đạt được mục đích yêu cầu bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các quý vị đại biểu tập trung phản biện đối với một số nội dung cụ thể sau:

Một là, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã thể chế hóa những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan.

Hai là, việc thể chế hóa các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Ba là, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất;

Bốn là, tập trung những nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất. Làm rõ tiêu chí giao đất, cho thuê đất, đặc biệt cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; tiêu chí, hạn mức giao các loại đất, trong đó qui định rõ hạn mức đất giao cho tôn giáo, loại giao không thu tiền, có thu tiền sử dụng đất.

Quang cảnh Hội nghị 

Năm là, hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư (Chương VII), thể chế hóa quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Sáu là, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo. Trong đó cụ thể là quy định về bỏ khung giá đất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tác động của việc bỏ khung giá đất, lộ trình thực hiện và cần quy định cụ thể như thế nào trong dự thảo Luật đất đai.

Bảy là, các quy định nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục việc lợi dụng; lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thay mặt Ban Thường trực, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn nghiên cứu, đề xuất các nội dung khác được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng chưa phù hợp với thực tế, hiệu quả thấp để góp ý, phản biện xã hội.

8 nhóm nội dung góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trình bày báo cáo tóm tắt các ý kiến gửi đến hội nghị phản biện xã hội và định hướng các nội dung phản biện

Báo cáo tóm tắt các ý kiến gửi đến hội nghị phản biện xã hội và định hướng các nội dung phản biện, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo luật đã được Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công chuẩn bị, tinh thần luôn cầu thị, tiếp thu, lắng nghe.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhiều qui định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các qui định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính. Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần qui định rõ hơn.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, các nhóm nội dung góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tập trung vào một số nội dung như: tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với các qui định khác của pháp luật. Từ nội dung này, các ý kiến đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào Nghị định, đặc biệt là chế độ pháp lý của các loại đất (đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đất bãi thải, xử lý chất thải; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; bảo quản lưu trữ tro cốt...); Rà soát lại đất công sử dụng không đúng mục đích; đất lấn biển đấu giá hay giao cho chủ đầu tư, khi thu hồi thì bồi thường thế nào... Khi trình dự thảo luật cần thiết phải có dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết đi kèm. Áp dụng nguyên tắc một luật sửa nhiều luật.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trong đó, cần bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể là cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội được giao quyền sử dụng đất với trách nhiệm là người sử dụng tài sản công. Phân định với quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Điều 53 Hiến pháp.

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Đối với việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến đề nghị cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quy định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ý kiến đại biểu kiến nghị Điều 46 quy định cụ thể hơn về phương thức, cách thức tham vấn ý kiến người dân, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân, trường hợp phải lấy phiếu đến từng hộ dân, phương án giải quyết khi đa số hộ dân không đồng tình. Đề nghị quy định về việc người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp (hoặc lấy phiếu) đến từng hộ gia đình, hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.

Đối với nội dung hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch giảm khiếu kiện, các ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng; bồi thường theo giá thị trường và xác định rõ nguồn gốc đất; Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất: rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Trong một dự án chỉ áp dụng một hình thức thu hồi đất.

Ý kiến đại biểu cũng góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; Quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo; Các ý kiến về bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy nguồn lực từ đất đai, song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện.

Cụ thể, quy định tại Điều 147 đã cụ thể hóa được giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.  Tuy nhiên cũng cần làm rõ nội dung “nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” bởi vì khi cho phép “sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” tức là diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Như vậy vấn đề “đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” ở đây được hiểu như thế nào trong khi diện tích đất nông nghiệp giảm do chuyển sang “xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ”.

Mặt khác, theo bà Cao Xuân Thu Vân, quy định tại Điều 214 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượg quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này là phù hợp và đã cụ thể hóa được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp” cũng như Nghị quyết số 20-NQ/TW về “... khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...”.

Vấn đề đặt ra là cần quy định cụ thể về “đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng” và “điều kiện được nhận chuyển nhượng” để vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân, tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.

Đồng thời cũng nên xem xét quy định về việc “nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp” đối với các tổ chức kinh tế giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tránh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện sau khi 02 Luật này được ban hành.

Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép người có đất nông nghiệp được góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế, trong khi Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản góp vốn của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 50), người tham gia góp vốn phải chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác (Điểm a Khoản 1 Điều 51) và đây là tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác (Điều 61). Như vậy, trong trường hợp người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế nhưng sau một thời gian không có nhu cầu tham gia nữa thì quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết, xử lý như thế nào ? Nếu theo Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thì người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ mất quyền sử dụng đất do đã chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác, trong khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định việc người tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa là việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp không làm mất quyền sử dụng đất của người tham gia góp vốn nếu người đó không còn nhu cầu tham gia góp vốn.

 GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hoá, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra. Về nội dung cụ thể, có thể thấy “đất có quyền tài sản tư” là đất do khu vực tư nhân sử dụng bao gồm đất đã giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân. Nhà nước quản lý khu vực đất đai này chỉ bằng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và thu thuế. Đối với đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, gồm đất do Nhà nước giao không thu tiền cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho phép, đất sử dụng vào mục tiêu công cộng, đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng. Công việc quản lý đất đai ở các nước phát triển chủ yếu tập trung cào khu vực đất công.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, vào năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP nhằm hoàn chỉnh cơ chế sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc khu vực công.  Trên thực tế triển khai, chỉ có một số công ty nhà nước thực hiện được các cơ chế theo quy định tại các Nghị định 67 của Chính phủ, còn các đối tượng khác, phần lớn là doanh nghiệp cổ phần và các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước chưa tích cực thực hiện. Các cơ quan, đơn vị của nhà nước thường lấy thế mạnh của các cơ quan trung ương không trả lại nhà đất tại các cơ sở cũ cho địa phương sau khi đã di dời đến các cơ sở mới.

Nhìn vào thực chất, đây là cách thức vốn hóa đất đai rất hiệu quả đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi, nhà nước phải thu được giá trị đất đai rất lớn từ khối lượng tài sản công hình thành từ thời kỳ bao cấp trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Để làm được việc này, cần phải có những quy định pháp luật thực sự rõ ràng với bản chất là vốn hóa đất đai. Các quy định của pháp luật không chỉ liên quan đến pháp luật đất đai, mà liên quan tới cả pháp luật ngân sách. Sự sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc tài sản công có kết quả là phần nhà đất công dôi dư sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn, đó là hệ quả tài chính và phải được coi như một nguồn thu từ đất, phải được định giá thành tiền để đưa vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Điều khó khăn mà Việt Nam chưa vượt qua được vẫn là việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích từ trong quá trình chuyển đổi.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật đất đai cần có quan tâm đặc biệt tới quá trình giải quyết chuyển dịch từ quyền tài sản công đối với quyền sử dụng đất về thỏa mãn nhu cầu các nhà đầu tư tư nhân, nhưng Nhà nước phải thu đầy đủ quyền tài sản đó. Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm tới việc luật hóa Nghị định 67/2021/NĐ-CP có bổ sung cho hợp lý.  

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, cần bổ sung, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai; quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai cũng như việc thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, đất đai, hơn bất kỳ thứ gì, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đa số nhân dân. Nhưng tiếng nói của nhân dân trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có phần mờ nhạt. Theo Điều 29 về quyền công dân đối với đất đai, công dân có 03 quyền: quyền tham gia đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu,…. quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn ….; quyền tiếp nhận các thông tin về đất đai.

Các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai chưa được quy định hoặc quy định quá chung chung, không cụ thể; công dân không thực hiện được. Công dân thực hiện các quyền của mình vừa trực tiếp vừa thông qua tổ chức của mình cũng chưa được quy định đầy đủ.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam với tư cách là một liên minh, chính trị, liên hiệp tự nguyện,… có chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân,… Giám sát và phản biện xã hội được Hiến pháp năm 2013 quy định, được thể hiện trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này chưa tương xứng và chưa phù hợp với vị trí và vai trò của MTTQ Việt Nam. Nội dung của các quy định về Mặt trận Tổ quốc cấp xã chỉ là xây dựng, thuyết phục người dân thực hiện, xác nhận biên bản việc tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, tái định cư; được Chủ tịch UBND xã phối hợp với MTTQ cấp xã hoà giải tranh chấp đất đai. Chỉ có 1 quy định ở điều 221 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giám sát như thế nào, giám sát ai và giám sát công việc gì về quản lý và sử dụng đất đai, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không quy định cụ thể.

Vì vậy, GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào mục 3 Chương II: quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những quyền gì? Quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp nào? Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân về đất đai của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện như thế nào? Đồng thời, bổ sung vào Chương IV: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình.

Tại Chương quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; nếu các Chương trước không bổ sung quyền và trách nhiệm của MTTQ các cấp trong các khâu của quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì Chương này phải quy định cụ thể, không thể quy định chung chung như Khoản 2 Điều 221. Cùng với đó, Điều 222 về giám sát của công dân đối với việc quản lý sử dụng đất đai cũng cần bổ sung vào Khoản 4 hình thức giám sát qua các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình.

 Bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre phát biểu

Góp ý vào việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nhận định việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.

Bà Bình nêu thực tế, ở những vùng người dân đã ổn định rồi nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa đền bù, nhà cửa của người dân phải di dời gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác.

 “Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”, bà Bình nêu thực trạng.

Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai.

“Nếu cứ quy định chung chung thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng các khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị mà người dân lại thiệt đơn, thiệt kép” bà Bình nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, trong thời gian vừa qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng để tập hợp ý chí, trí tuệ góp ý cho các dự thảo. Đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp nhận những đóng góp quan trọng, có giá trị từ các tổ chức, cơ quan và thành viên của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.

Cùng với đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ, thể chế hóa các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW trong đó làm rõ được vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị  

Tiếp thu 18 ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, các ý kiến đều ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. Bước đầu đã tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị ban chuyên môn UBTƯ MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo Ban Soạn thảo tiếp thu và phản hồi với UBTƯ MTTQ Việt Nam theo quy định.