Tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với cơ quan chủ trì soạn thảo

(Mặt trận) - Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự án, dự thảo văn bản, việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật...". Đồng thời, tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch để triển khai Đề án tại Kết luận của Bộ Chính trị.

Triển khai nhiệm vụ được giao, ngày 30/12/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB, trong đó xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022-2025, gồm: Phản biện xã hội một số dự thảo luật; giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và phối hợp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 đề xuất, dự kiến các chương trình cụ thể, xây dựng kế hoạch của tổ chức mình để triển khai Kết luận số 19-KL/TW.

Nhấn mạnh thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, chủ động và sớm triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đã thông tin về những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai.

Lắng nghe các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam

Về công tác phản biện xã hội đối với các dự án luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã lựa chọn và thực hiện phản biện xã hội đối với dự án Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là hai dự án Luật quan trọng, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, Ban Thường trực cũng đã tổ chức phản biện đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia – quy hoạch cao nhất và có ý nghĩa hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, các hội nghị phản biện đã huy động sự tham gia tích cực của đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, trong đó hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Thông qua các Hội nghị phản biện, cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe nhiều ý kiến phản biện đa chiều, phong phú, sâu sắc vào các vấn đề cốt lõi, quan trọng, được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, thông tin về nội dung của các dự án, dự thảo văn bản sẽ được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội trước khi được thông qua.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh đồng thời thông tin thêm về việc Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi) vào trung tuần tháng 9 tới đây.

Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam trong các năm tiếp theo

Đối với nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành đánh giá, tổng kết công tác giám sát, phản biện xã hội giai đoạn 2013-2021 trong phạm vi toàn quốc để xem xét, đánh giá, trao đổi về tình hình và kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong những năm qua.

Trên cơ sở đó tiến hành rà soát, đánh giá các quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024. Đồng thời, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã xây dựng Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội - đề án này đã được Ban Bí thư thông qua.

“Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam cũng đang chủ động rà soát, nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để sớm đề xuất sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam trong các năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nói.

Đề cập tới hoạt động phối hợp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, trong năm 2022, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với 16 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó có các dự án Luật quan trọng như dự án Luật Đất đai (sửa đổi)…

Quang cảnh Hội nghị

Tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm, tích cực, chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổ chức phản biện xã hội ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, bởi trong giai đoạn này các chính sách cơ bản, quan trọng được định hình, việc phản biện xã hội sớm sẽ góp phần hoàn thiện và tạo sự đồng thuận về các chính sách ngay từ khâu hoạch định, phân tích.

Đồng thời, các Bộ, ngành, Cơ quan thuộc Chính phủ cũng quan tâm phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đẩy mạnh việc phản biện xã hội đối với các dự thảo các chương trình, đề án, dự án về các chính sách quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó cần bảo đảm sự tham gia đầy đủ của cơ quan phản biện trong các công đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền dự án, dự thảo văn bản; việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội phải được xác định là nhiệm vụ bắt buộc; văn bản phản biện cần được thể hiện rõ trong hồ sơ trình dự án, dự thảo văn bản.

“Các cơ quan thẩm định, thẩm tra, xem xét thông qua tăng cường sự quan tâm, lưu ý tới ý kiến phản biện xã hội trong quá trình xem xét, đánh giá hồ sơ, nội dung, chất lượng của dự án, dự thảo văn bản”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị.

Khẳng định Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng hóa thành phần tham gia phản biện xã hội, ưu tiên đối tượng thụ hưởng, đối tượng chịu tách động của văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Đề án, dự án… để các ý kiến phản biện phản ánh được sâu rộng hơn ý chí, mong muốn của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ nghiên cứu thực hiện công khai Báo cáo phản biện xã hội để huy động sự vào cuộc của Nhân dân của các cơ quan báo chí, truyền thông trong giám sát các kiến nghị của MTTQ Việt Nam sau phản biện xã hội.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng thông tin thêm về một số nhiệm vụ cụ thể mà Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện để phát huy vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất là phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện có hiệu quả việc phản biện xã hội đối với dự án Luật đất đai, tập trung vào các nội dung nhằm thể chế hóa đầy đủ, chính xác quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, giải quyết các tốn tại, hạn chế trong các cơ chế, quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi và bồi thường khi thu hồi quyền sử dụng đất, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.

Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu, rà soát Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết liên tịch số 403 để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các năm kế tiếp như lộ trình đã xác định trong Kế hoạch.

Thứ ba là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật quan trọng đã có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận để theo dõi, đề xuất kịp thời việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo các ý kiến phản biện; tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản. Về lâu dài, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ; cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân, như nghiên cứu để tiến tới xây dựng Luật/pháp lệnh về hoạt động giám sát của Nhân dân.

Thứ tư là tổ chức thực hiện có hiệu quả, thực chất hoạt động giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hằng năm theo Kế hoạch số 386/KH-MTTW-UB và theo đề nghị của các cơ quan có liên quan.

Thứ năm là tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục xây dựng, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực bảo đảm cho công tác giám sát, phản biện xã hội.

“Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Cơ quan có liên quan để tổ chức triển khai hiệu quả, rõ nét Kết luận số 19, Kế hoạch số 81 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo phương châm “Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật””, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định.