(Mặt trận) - Sáng ngày 5/4, tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về kiểm tra, khảo sát công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2013 - 2021.
|
Quang cảnh cuộc làm việc
|
Tham dự cuộc làm việc có ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Lê Thành Công, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Trần Văn Cường, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đồng bộ, bài bản
Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh được triển khai thực hiện đạt nhiều hiệu quả tích cực, đúng quy định pháp luật; hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao về chất. Nội dung giám sát, phản biện xã hội sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và đời sống nhân dân; việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội đồng bộ, bài bản có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Từ năm 2013 - 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì 63 cuộc giám sát; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì 112 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã chủ trì giám sát hơn 1.110 cuộc; Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn tham gia giám sát trên 8.320 cuộc trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cùng với việc tập trung làm tốt công tác giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân, việc phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao về chất. Nội dung giám sát, phản biện xã hội sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, bài bản có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã góp phần giúp cho các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được tổ chức thực thi đầy đủ, đạt hiệu quả, bảo đảm sát thực và khả thi cao; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp uỷ và chính quyền.
Tại cuộc làm việc, đại biểu tham gia thảo luận nhiều nội dung như: những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị những nội dung cần thực hiện để nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự phối hợp của chính quyền trong tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội...
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại cuộc làm việc
|
Giám sát, phản biện phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, lành mạnh
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Tháp được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng công tác giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở Đồng Tháp đã từng bước đi vào chiều sâu, đi vào thực tiễn đời sống người dân với tinh thần chủ động, sáng tạo, MTTQ các cấp đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành ở địa phương để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của công tác giám sát, phản biện xã hội nhất là những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách; hoạt động giám sát mặc dù có chuyển biến nhưng còn thiếu linh hoạt, vướng mắc về cơ chế, một số nơi còn lúng túng trong triển khai các hoạt động phản biện; chưa phát huy tốt sự tham gia của các chuyên gia vào công tác giám sát, phản biện.
Nhấn mạnh công tác giám sát phản biện là nội dung mà Đảng và người dân đang rất kỳ vọng, mong đợi, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị, trong chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và những vấn đề mà dư luận quan tâm, khắc phục tình trạng dàn trải. Việc giám sát, phản biện phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, lành mạnh để góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền tốt hơn.
"Cần nhạy bén chọn ra những vấn đề của người dân quan tâm, tổ chức đảng chính quyền quan tâm, lựa chọn nội dung vừa sức để phản biện cho hiệu quả, tinh thần là cái gì liên quan đến lợi ích của người dân phải làm hết mình. Hoạt động giám sát, phản biện phải có sự tham gia tích cực của người dân, phát huy vai trò, bản lĩnh của thành viên hội đồng tư vấn. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông, báo chí tham gia vào công tác giám sát, phản biện để phát huy sức mạnh của dư luận..." Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu lưu ý.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, MTTQ các cấp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế nhằm phát huy tốt vai trò của hệ thống Mặt trận nhất là cơ chế phối hợp giữa Mặt trận với các ban, ngành địa phương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Tỉnh ủy Đồng Tháp quan tâm, tạo điều kiện cho Mặt trận các cấp tham gia phản biện từ sớm, tham gia sâu vào quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương tác động trực tiếp đến nhân dân; ưu tiên bố trí sắp xếp cán bộ có năng lực về công tác tại cơ quan Mặt trận. Đồng thời quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ của MTTQ và các tổ chức thành viên, đặc biệt là kinh phí hoạt động cho hoạt động giám sát…
Trước đó, trong chuyến làm việc tại Đồng Tháp, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà chúc Tết Câu lạc bộ Lưu học sinh Campuchia tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp và 43 hộ đồng bào Khmer tại huyện Lai Vung nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer.
Hương Diệp (tổng hợp)