Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiểm tra, khảo sát công tác tôn giáo tại Cà Mau

(Mặt trận) - Sáng ngày 24/10, Đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác Tôn giáo và khảo sát hoạt động tín ngưỡng tại tỉnh Cà Mau.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc. 

Làm việc với đoàn có ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau cùng các lãnh đạo Sở, ngành.

Tỉnh Cà Mau hiện có 6 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo, có 157 cơ sở thờ tự các tôn giáo. Số lượng tín đồ các tôn giáo là hơn 373.300 người, chiếm 30,7% dân số của tỉnh; chức sắc, chức việc hơn 3.100 người; hoạt động các tổ chức tôn giáo ổn định, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một vài nơi trên địa bàn tỉnh vẫn có xuất hiện đạo lạ hoạt động trái pháp luật, đã được phát hiện kịp thời và xử lý đúng theo quy định.

Về sinh hoạt tín ngưỡng, toàn tỉnh có 393 cơ sở tín ngưỡng dân gian; trong đó, có 13 cơ sở tín ngưỡng được công nhận di tích cấp tỉnh và có Đình Tân Hưng (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia; Lăng Ông Nam Hải (Khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong năm, tỉnh có 4 lễ hội tín ngưỡng lớn như: Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc được tổ chức từ ngày 14 - 16/2 âm lịch tại Cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời; Lễ vía bà Thiên Hậu được tổ chức vào ngày 23/3 âm lịch tại Miếu bà Thiên Hậu, phường 2, thành phố Cà Mau; Lễ tế thần Nông được tổ chức vào ngày 10 - 11/5 âm lịch tại Đình thần Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình và Đình thần Tân Thuộc, xã An xuyên, thành phố Cà Mau; Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 10 - 11/5 âm lịch Đình Tân Hưng, Quốc lộ 1, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Trong đó, Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc là lễ hội cấp tỉnh. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện cho biết, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động; ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo” và nhiều phong trào thi đua khác do địa phương phát động. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp trên 18 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội.

Bênh cạnh đó, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực với sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân như Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã mở 5 Trường mầm non trên địa bàn tỉnh và 1 Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái; Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Hưng Phước của Phật giáo tỉnh; các cơ sở tôn giáo như Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Cao đài Minh Chơn đạo, Cao đài Tây Ninh, Phật giáo Hòa Hảo đã xem mạch, bốc thuốc nam, bấm huyệt, tổ chức khám, chữa bệnh bằng thuốc nam tây y miễn phí. Ngoài các hoạt động khám, chữa bệnh, các cơ sở còn tạo điều kiện cho một số bệnh nhân nghèo có chỗ ở, ăn miễn phí trong thời gian chữa bệnh...

“Nhiều vị chức sắc và đồng bào các tôn giáo là gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng lên, chấp hành tốt các quy định của địa phương về thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở...”, ông Trần  Văn Hiện nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai Kế hoạch số 26-KH/ĐĐMT ngày 10/10/2018 và Hướng dẫn 2 ngày 15/8/2019 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, từng bước đưa chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Đồng thời tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của tỉnh về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tín ngưỡng, tôn giáo để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là các quy định về đất đai, xây dựng công trình tôn giáo, y tế, giáo dục,…; sớm tham mưu ban hành quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; đối với các Bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo Trung ương nên quy định cụ thể tiêu chí về số lượng cơ sở thờ tự, chức sắc, tín đồ và các điều kiện đặc thù khác để bố trí số lượng cán bộ phù hợp cho 3 cấp; đồng thời, quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu công tác Tôn giáo và quản lý nhà Nước về tín ngưỡng tôn giáo; thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động và công nhận mới các tổ chức tôn giáo.