Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

(Mặt trận) - Để tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, ngày 12/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”. Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai để góp phần hoàn thiện Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị quan trọng này.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Quang cảnh Hội thảo 

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và các chuyên gia, nhà khoa học tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Khắc phục sự trùng chéo trong hoạt động giám sát

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, qua đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội từ khi ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị, đến nay có thể nhận thấy, sau 8 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, Đảng, nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội so với giai đoạn trước năm 2014.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp cũng đã có nhiều cố gắng trong lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp cách tiến hành giám sát, phản biện xã hội như hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc. Sự phối hợp giám sát giữa Mặt trận với các tổ chức chính trị- xã hội, giữa Mặt trận với Quốc hội và HĐND gắn kết hơn, khắc phục sự trùng chéo.

“Giai đoạn 2014-2020 UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai 13 chương trình giám sát, nhiều nội dung giám sát có tác động tích cực để thực hiện các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước. Mặt trận các cấp đã phát huy 4 hình thức giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông giữa 4 cấp. Bước đầu phát huy được vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực, các tổ chức, hội đoàn, người dân chịu sự tác động của chính sách để tham gia giám sát, phản biện xã hội”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, được các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước, các cấp, ngành và Nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng công tác giám sát, phản biện xã hội còn nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, Quy chế, quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép; một số cấp ủy chưa quan tâm đến giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đánh giá việc thực hiện hằng năm; còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, còn biểu hiện "khoán trắng" hoặc tác động làm hạn chế đến kết quả, nội dung giám sát, phản biện xã hội. Một số nội dung trong cương lĩnh, nghị quyết của Đảng chậm được thể chế thành qui định của pháp luật; cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội còn mỏng, phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Trong tổ chức thực hiện của Mặt trận, các tổ chức chính trị cũng còn nhiều hạn chế, còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội; nhiều nơi còn thụ động trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy và đề xuất của các cơ quan nhà nước. Phương pháp, cách làm nhiều nơi chưa đổi mới, chưa phát huy sự tham gia của các thành viên và nhân dân. Một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt 4 hình thức giám sát, 3 hình thức phản biện cho phù hợp với từng nội dung giám sát, phản biện và điều kiện thực tế; mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát;…

“Việc phản hồi của các cơ quan, tổ chức được giám sát hoặc cơ quan có văn bản được phản biện còn ít; một số văn bản được trả lời nhưng còn chung chung, mang tính chất thông báo; nhiều kiến nghị được tiếp thu nhưng không có văn bản phản hồi”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo 

Khẳng định trách nhiệm cấp uỷ các cấp trong lãnh đạo và chịu trách nhiệm

Từ thực tế triển khai, đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Việc quán triệt, triển khai các nghị quyết, qui định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan về giám sát, phản biện xã hội; giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan cấp ủy về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp dưới; việc chỉ đạo phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót, hằng năm có nhận xét, đánh giá công tác giám sát, phản biện xã hội; chỉ đạo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ của hệ thống chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội.

Việc ban hành các qui định của cấp ủy, chính quyền bảo đảm các điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thuận lợi, thông suốt; kiến nghị qua giám sát, phản biện xã hội được thực hiện; Việc bố trí cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội cho Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; Việc lắng nghe, cầu thị của cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị, góp ý của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội.

Việc thể chế nghị quyết, qui định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội thành cơ chế, qui định của HĐND, UBND địa phương thành qui định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong phối hợp giám sát, phản biện xã hội; đặt nội dung phản biện xã hội; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội bằng chế độ, mức chi cho giám sát, phản biện xã hội của từng cấp thông qua nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, mức cấp kinh phí hằng năm...; Công tác phối hợp với Mặt trận, tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội: tham gia ý kiến vào kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện xã hội; cung cấp tài liệu, cử người tham gia hội nghị giám sát, phản biện xã hội…

Đồng thời đánh giá làm rõ ưu điểm, hạn chế, vai trò nỗ lực chủ quan của Mặt trận, từng tổ chức chính trị- xã hội với tư cách là chủ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; nội dung nào cần tiếp tục chỉ đạo thể chế, hướng dẫn, từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát, phản biện xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban dân vận Thành ủy TPHCM tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban dân vận Thành ủy TPHCM cho biết, để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hình thức để vận động Nhân dân tham gia giám sát, như: Thực hiện phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân; vận động Nhân dân tham gia góp ý thông qua các hội nghị nhân dân định kỳ hoặc các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo với đại diện các giới Nhân dân. Qua đó, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ảnh của Nhân dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên và có văn bản kiến nghị gửi Đảng ùy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét giải quyết.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vẫn chưa thực sự bài bản, nề nếp; nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa phát huy được một cách hiệu quả nhất sức mạnh của các tổ chức thành viên; thậm chí vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện; nhiều nội dung giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu;…

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thành phố, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp Thành phố, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền trong thực hiện chức trách nhiệm vụ với tinh thần thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của Nhân dân.

Cùng với đó, cấp ủy các cấp chỉ đạo chính quyền tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương; ban hành cơ chế, bảo đảm nguồn lực cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chỉ đạo giải quyết những vấn đề kiến nghị, phản ánh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và trả lời kết quả giải quyết theo đúng quy định; Cụ thể hóa các cơ chế và các quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và Nhân dân.

“Cần hình thành các mô hình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó xây dựng thành quy định khung đưa vào nội dung bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn Thành phố.”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, căn cứ cao nhất để thực hiện công tác giám sát của Mặt trận, Nhân dân đối với Đảng là Hiến pháp (quy định tại Điều 4), Luật MTTQ Việt Nam cũng có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện của MTTQ.

Nhấn mạnh giám sát, phản biện là vì sự tồn tại của đất nước; vì Đảng, vì chính quyền, vì Nhân dân, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đất nước ta có 1 Đảng cầm quyền, Mặt trận và Nhân dân giám sát giúp phòng tránh nguy cơ tham nhũng, quan liêu. Chế tài về công tác giám sát, phản biện mặc dù không được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc; nhưng luật pháp nhà nước có quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận và Nhân dân.

“Hàng năm cấp uỷ phải chủ trì đánh giá sơ kết để có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm”, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Đối với cơ chế của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cần đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng: vì Đảng và vì Nhân dân; khẳng định trách nhiệm cấp uỷ các cấp trong lãnh đạo và chịu trách nhiệm cuối cùng về giám sát, phản biện; trong văn kiện của Đảng các cấp hàng năm phải có nội dung đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái; đồng thời từng bước thực hiện nội dung MTTQ cấp trên giám sát cấp uỷ cấp dưới về công tác giám sát, phản biện.

Về trách nhiệm của chính quyền và MTTQ trong công tác phối hợp, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Mặt trận Trung ương cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 để địa phương căn cứ thực hiện theo chương trình khung này. Đồng thời, đề xuất trong báo cáo 06 tháng đầu năm phải có mục việc thực hiện và tiếp thu từ công tác giám sát.

“Có thể thực hiện điều động, biệt phái cán bộ ở các đơn vị chuyên môn về làm công tác giám sát, phản biện ở Mặt trận và coi đó là một quá trình trong công tác quy hoạch cán bộ”, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Nhấn mạnh công tác giám sát, phản biện là một công việc quan trọng, cần được đầu tư và có sự quan tâm đúng mức, trong đó cần quan tâm đến vị trí và cách thức để người dân thực hiện quyền của mình “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc giám sát, phản biện không cần phải chờ khi đơn vị chính quyền, cấp uỷ có văn bản mới thực hiện. Đó là công việc bắt buộc, thường xuyên phải làm.

“Cấp uỷ cần bố trí cán bộ xứng tầm, không để Chủ tịch Mặt trận làm công tác kiêm nhiệm để thực hiện đúng vai, thuộc bài”, ông Huỳnh Đảm nói.

Ông Huỳnh Đảm cũng đề xuất trong văn bản của Mặt trận Trung ương tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về công tác giám sát, phản biện nên xem xét có chủ trương, theo định kì MTTQ Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm của Chính quyền cùng cấp.

Chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo

Tiếp thu ý kiến thảo luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, tập trung vào đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2013-2021, từ đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, trong giai đoạn hiện nay, công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để Nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách. Văn kiện Đại hội XIII và nhiều văn bản của Đảng thời gian gần đây tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh yêu cầu phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế - xã hội liên quan đến đời sống Nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Bởi vậy, năm 2022, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã kiến nghị và được sự đồng ý của Ban Bí thư về việc xây dựng và ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

“Với mong muốn, sau khi ban hành Chỉ thị sẽ tiếp tục góp phần tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, tạo sự chuyển biến, đổi mới về chất trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam triển khai tổ chức Hội thảo tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để có thể lắng nghe trực tiếp các hiến kế, đề xuất của các vị đại biểu, trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, sức mạnh của cả hệ thống, tìm ra những giải pháp đúng, trúng và hiệu quả để xây dựng nội dung dự thảo Chỉ thị trình Ban Bí thư”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu thông tin.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo 

Từ những ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhận định, đa số các ý kiến đều tán thành cao về sự cần thiết tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó đề xuất tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Theo đó, các ý kiến đều nhận định cần phải quán triệt sâu sắc và thực chất nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội trong việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong đó, có một số ý kiến cho rằng, Bí thư cấp ủy các cấp ở địa phương nên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội.

Để làm được điều này trước hết phải quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời định kỳ nghe và góp ý kiến đối với báo cáo kết quả giám sát, chỉ đạo UBND, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện những kiến nghị của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát; có cơ chế tiếp thu ý kiến của MTTQ; quy định về việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; chủ động đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy, chính quyền; khen thưởng, động viên khuyến khích tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian qua, làm nguồn cổ vũ trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của Nhân dân; xây dựng, bổ sung các quy định cụ thể các vấn đề, nội dung cần thiết phải có giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết và có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội và người dân quan tâm; quy định cụ thể về thời gian gửi hồ sơ, tài liệu đến chủ thể phản biện; cơ chế tiếp thu, giải quyết và trả lới các kiến nghị sau giám sát, báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo Nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch…

Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, trong đó cần chủ động hơn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai Kế hoạch giám sát, phản biện XH hàng năm.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quyền giám sát và phản biện xã hội trong nội bộ và Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế chủ trì, phối hợp giữa các chủ thể trong tổ chức thực hiện. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư trong giám sát, nhất là hoạt động của chính quyền ở cơ sở, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Tăng cường việc thông tin công khai kết quả giám sát, phản biện để Nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

“Cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp cần chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Để phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh tới việc các ý kiến cho rằng UBTƯ MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra và bồi dưỡng chuyên môn về công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ các cấp, tập trung vào hướng dẫn lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xã hội phải là những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân; quy trình, thủ tục giám sát, phản biện XH…