Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội

(Mặt trận) - Sau ngày đất nước thống nhất, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, các tổ chức Mặt trận của hai miền thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội. Bài viết thông tin về 9 kỳ Đại hội, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Mặt trận Tổ quốc trong quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra vào tháng 10/2024 tại Hà Nội.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.  Ảnh: Kim Hùng/TTXVN 

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ I (Nhiệm kỳ 1977 - 1983)

Đại hội họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thư ký gồm 7 vị. Chủ tịch danh dự - Cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch - Cụ Hoàng Quốc Việt.

Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (Nhiệm kỳ 1983 - 1988)

Đại hội họp từ ngày 12/5 đến 14/5/1983 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Chương trình hành động của Đại hội là hướng mọi hoạt động của Mặt trận đi vào thiết thực, hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư. Đại hội cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá II gồm 184 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị, Ban Thư ký gồm 8 vị.

Chủ tịch danh dự - Cụ Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch - Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; Tổng Thư ký - Ông Nguyễn Văn Tiến.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 - 14/5/1983. 
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III (Nhiệm kỳ 1988 - 1994)

Đại hội họp từ ngày 2/11 đến 4/11/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đây là Đại hội biểu dương lực lượng to lớn của toàn dân đoàn kết một lòng tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội đã cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá III gồm 166 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 30 vị, Ban Thư ký gồm 6 vị.

Chủ tịch danh dự - Cụ Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch - Luật sư Phan Anh; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Ông Phạm Văn Kiết.

Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1988 - 1994) là Đại hội tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đưa công tác Mặt trận và tổ chức Mặt trận lên tầm nhiệm vụ chính trị. Đây là Đại hội biểu dương lực lượng to lớn của toàn dân đoàn kết một lòng tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đại hội đã đề ra nội dung tăng cường, đổi mới công tác Mặt trận với ba định hướng chính:

 - Mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng Mặt trận Tổ quốc về hoạt động thực tiễn và tổ chức.

- Hướng mọi hoạt động của Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên vào việc thực hiện thiết thực những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của đất nước, của địa phương, của cuộc sống.

- Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực vươn lên và tăng cường, đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III họp từ ngày 2 đến 4/11/1988 tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. 
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III 

Căn cứ vào định hướng trên, Đại hội đã thông qua Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ 1988 - 1994 gồm:

- Tham gia xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, gồm: Xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật; tổ chức thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân; thiết thực tham gia cuộc vận động “làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy quản lý nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”.

- Động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm nhằm thực hiện các chương trình kinh tế và kế hoạch nhà nước.

- Vận động Nhân dân thực hiện các chính sách xã hội và văn hóa.

- Vận động Nhân dân tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Tăng cường hoạt động đối ngoại của Mặt trận Tổ quốc.

- Đổi mới phương thức hoạt động và củng cố, tăng cường tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong các nội dung trên, Đại hội xác định đổi mới phương thức hoạt động là đòi hỏi cấp bách.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV (Nhiệm kỳ 1994 - 1999)

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV họp từ ngày 17 - 19/8/1994 tại Hà Nội.  

Đại hội họp từ ngày 17/8 đến 19/8/1994 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu. Đại hội đã cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IV gồm: 206 vị. Trong đó Đoàn Chủ tịch gồm 40 vị, Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm 7 vị.

Chủ tịch danh dự - Ông Nguyễn Hữu Thọ; Chủ tịch - Ông Lê Quang Đạo; Tổng Thư ký - Ông Trần Văn Đăng.

Trước vận hội mới của đất nước, Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Đại hội đoàn kết, tập hợp mọi người trong đại gia đình Việt Nam đem hết tinh thần và nghị lực tiến hành đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho Tổ quốc phồn vinh, xã hội công bằng, văn minh, mọi người sống hạnh phúc, đưa đất nước hội nhập trào lưu chung của thời đại.

Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới về tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, được cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Tại Đại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trịnh trọng công bố trước đồng bào cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài Chương trình Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gồm 12 điểm.

Chương trình của Mặt trận đã khẳng định quan điểm đại đoàn kết mọi người Việt Nam không có sự phân biệt đối xử, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, chấp nhận những sự khác nhau không trái với lợi ích chung của Tổ quốc; Mặt trận đã đề ra các chủ trương ủng hộ việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh công nhân, nông dân, trí thức làm nền tảng; khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội lập thân, lập nghiệp để đủ ăn và ngày càng khá giả, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, tạo mọi điều kiện để mọi người phát huy tài năng sáng tạo để cống hiến cho đất nước, khơi dậy mọi tiềm năng cá nhân và tập thể và cả cộng đồng để chăm sóc và phát huy nhân tố con người, thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc; tôn trọng và thực hiện đúng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vận động nhân dân bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, tạo điều kiện chăm lo thế hệ trẻ về học tập, sức khỏe; giúp đỡ, bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào; tích cực thực hiện đoàn kết quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V (Nhiệm kỳ 1999 - 2004)

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V được tổ chức từ ngày 26 - 28/8/1999 tại Hà Nội. 

Đại hội họp từ ngày 26/8 đến 28/8/1999 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu, là Đại hội "Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Đại hội đã cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá V gồm 253 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị; Ban Thường trực gồm 9 vị; Chủ tịch - Ông Phạm Thế Duyệt; Tổng Thư ký - Ông Trần Văn Đăng.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ và chương trình hành động trong những năm tới là:

Nhiệm vụ chung: “Tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố, mở rộng tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực, chủ động sáng tạo, tập hợp ngày càng rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương và ổn định xã hội, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước”.

Chương trình hành động:

1. Phát huy tinh thần yêu nước, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, mở rộng và đẩy mạnh các cuộc vận động để tập hợp toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mặt trận Tổ quốc tăng cường động viên phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng vật chất, tinh thần cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

3. Góp phần đổi mới hệ thống chính trị, hoàn thiện từng bước nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa dân với Đảng và Nhà nước.

4. Triển khai sâu rộng cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

5. Củng cố tăng cường quan hệ đoàn kết với Nhân dân các nước trên thế giới.

6. Tiếp tục đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2004 - 2009)

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI diễn ra từ ngày 21 - 23/9/2004 tại Hà Nội. 

Đại hội họp từ ngày 21/9 đến 23/9/2004 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 878 đại biểu, là Đại hội: "Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội đã cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VI gồm 320 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 52 vị, Ban Thường trực gồm 8 vị; Chủ tịch - Ông Phạm Thế Duyệt; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Ông Huỳnh Đảm.

Hội nghị lần thứ 5 Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VI họp tại Hà Nội (1/2008) đã hiệp thương cử các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký mới: Chủ tịch - Ông Huỳnh Đảm (thay ông Phạm Thế Duyệt nghỉ hưu theo chế độ); Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Ông Vũ Trọng Kim.

Đại hội đề ra chủ trương chung: “Đoàn kết rộng rãi, đoàn kết mọi thành viên trong xã hội có thể đoàn kết được, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết chân thành, đoàn kết trên cơ sở mục tiêu chung là : giữ vững độc lập thống nhất, vì "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực chủ yếu để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó là nhiệm vụ lịch sử nặng nề nhưng rất vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức thành viên và của mọi người Việt Nam yêu nước, thương nòi trong giai đoạn mới”.

Đại hội đã xây dựng và thông qua 5 chương trình hành động, trong đó nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận là củng cố, tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền động viên nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và mở rộng đối ngoại, tăng cường đoàn kết quốc tế.

Đại hội xác định nhiệm vụ là tiếp tục tăng cường tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII (Nhiệm kỳ 2009 - 2014)

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII được tổ chức từ ngày 28 - 30/9/2009, tại Hà Nội. 

Đại hội họp từ ngày 28/9 đến 30/9/2009 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.300 đại biểu, trong đó có 989 đại biểu chính thức và 311 đại biểu khách mời.

Chủ đề của Đại hội là: "Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Đại hội đã cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VII gồm 355 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 58 vị, Ban Thường trực gồm 9 vị; Chủ tịch - Ông Huỳnh Đảm; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Ông Vũ Trọng Kim.

Hội nghị lần thứ sáu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VII họp tại Hà Nội (5/9/2013) đã hiệp thương cử ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay ông Huỳnh Đảm nghỉ hưu theo chế độ.

Đại hội đề ra mục tiêu: “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, lần thứ XI; giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Chương trình hành động:

1. Tăng cường tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

2. Động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân.

3. Vận động các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế.

5. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (Nhiệm kỳ 2014 - 2019)

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ (2014-2019) 

Đại hội họp từ ngày 25 đến 27/9/2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.008 đại biểu chính thức, Chủ đề của Đại hội là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội đã cử ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII gồm 383 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 62 vị, Ban Thường trực gồm 6 vị. Chủ tịch - Ông Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký - Ông Vũ Trọng Kim.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ Năm (khóa VIII) họp tại Hà Nội (14/4/2016) đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII thay ông Vũ Trọng Kim nghỉ hưu theo chế độ.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ Bảy (khóa VIII) họp tại Hà Nội (22/6/2017) đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay ông Nguyễn Thiện Nhân chuyển công tác.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ Tám (khóa VIII) họp tại Thành phố Hồ Chí Minh (5/1/2018) đã hiệp thương cử ông Hầu A Lềnh làm Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký thay ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch.

Đại hội đề ra mục tiêu hành động: “Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc của nhân dân”.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (Nhiệm kỳ 2019 - 2024)

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX 

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 được tổ chức trọng thể từ ngày 18 đến ngày 20/9/2019 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 975 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; hơn 200 đại biểu khách mời.

Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội thống nhất số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 385 vị và kết quả hiệp thương cử tại Đại hội là 374 vị.

Tại Hội nghị lần thứ nhất Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX là 62 vị. Hội nghị cũng hiệp thương cử Chủ tịch, các Phó Chủ tịch chuyên trách và không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII tái cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ Tư (khóa IX) họp tại Hà Nội (12/4/2021) đã hiệp thương cử ông Đỗ Văn Chiến làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay ông Trần Thanh Mẫn chuyển công tác.

Căn cứ vào Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ của đất nước, Đại hội IX đã đề ra mục tiêu: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.