Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024

(Mặt trận) - Sáng ngày 4/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Nguyễn Hữu Dũng, Trương Thị Ngọc Ánh, Hoàng Công Thủy, Tô Thị Bích Châu chủ trì Hội nghị.

Danh sách các tập thể, cá nhân ủng hộ bằng tiền mặt tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ ngày 20/9/2024 đến 12h ngày 8/10/2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Các cấp hội và chị em phụ nữ toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang"

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành để người khuyết tật được bồi đắp thêm nghị lực, vươn lên trong cuộc sống

 Chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Đảng đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch; lãnh đạo các ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cụ thể hóa thành Đề án, Kế hoạch và hướng dẫn cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, về cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề ra. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành Đại hội vào giữa tháng 9/2024).

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, cùng với việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tiểu ban đã chủ động, tích cực chuẩn bị: Báo cáo chính trị, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ, đề án nhân sự, công tác tuyên truyền, các điều kiện khác để tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X.

 Quang cảnh Hội nghị

Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị đã được xin ý kiến rộng rãi trong hệ thống Mặt trận và ngoài hệ thống Mặt trận, báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo. Tiểu Ban văn kiện và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Đến nay cơ bản đã hoàn thiện, tại cuộc họp này trình Đoàn Chủ tịch xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình cuộc họp Ủy ban vào sáng ngày 5/9/2024, tiếp thu ý kiến hoàn thiện lần cuối để trình Đại hội.

Về nhân sự của Đại hội, tiểu ban nhân sự và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng đề án về số lượng Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ cấu, thành phần, địa bàn cư trú, lĩnh vực hoạt động,... bước đầu đã lập danh sách cụ thể. Đề án đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo chung. Ban Thường trực và tiểu ban nhân sự đã chuẩn bị một bước cơ bản về nhân sự Cơ quan chuyên trách của Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực. Tại Hội nghị này xin ý kiến Đoàn Chủ tịch để tiếp thu, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo để trình Đại hội.

Về Nghiên cứu sửa đổi Điều lệ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tiểu ban đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi 3 nội dung trong Điều lệ để phù hợp với các quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tế, nâng cao thực chất vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhấn mạnh nội dung Hội nghị hôm nay rất quan trọng, từ nay đến Đại hội thời gian không còn nhiều, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm thảo luận sôi nổi nội dung các tờ trình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trên cơ sở đó thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm cao, đoàn kết, đồng thuận tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, đáp ứng kỳ vọng của Đảng và các tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị 

4 điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày Tờ trình xin ý kiến về nội dung một số dự thảo văn bản trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029.

Về quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, thời gian từ tháng 7/2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động triển khai các bước xây dựng từ dự thảo đề cương đến các lần dự thảo thảo Báo cáo chính trị, bảo đảm đúng nội dung và tiến độ của kế hoạch đề ra. Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 18, 19 và Hội nghị Ủy ban Trung ương lần thứ 9 đã cho ý kiến đối với các dự thảo Báo cáo chính trị.

Quá trình xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị được tiến hành bài bản, công phu, khoa học, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, nhiều bước, nhiều vòng qua các lần dự thảo và đã nhận được hàng ngàn lượt ý kiến tham gia. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nghiêm túc rà soát, nghiên cứu để tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia đối với dự thảo Báo cáo chính trị, ưu tiên kế thừa và phát huy những điểm nổi trội, cơ bản của báo cáo chính trị nhiệm kỳ trước, đồng thời tiếp tục đổi mới, trên cơ cở cập nhật chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đánh giá, đề xuất về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ tới cố gắng bám sát, bảo đảm phù hợp với bối cảnh tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Tờ trình báo cáo, trình Ban Bí thư cho ý kiến về Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tại phiên họp ngày 16/8/2024, Ban Bí thư đã thống nhất ghi nhận, đánh giá cao việc Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thành công đại hội Mặt trận các cấp; chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, chu đáo nội dung các văn kiện, đề án nhân sự, chương trình Đại hội, các yếu tố bảo đảm khác để tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X và cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và đề xuất, kiến nghị tại Tờ trình.

Về nội dung Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà thông tin, trên cơ sở bám sát chủ trương của văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, tiếp tục kế thừa và phát huy những điểm cơ bản, nổi trội của Báo cáo chính trị tại Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024, đánh giá sâu sắc tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Theo đó, dự thảo Báo cáo Chính trị có 4 điểm mới.

Thứ nhất, bổ sung đánh giá kết quả thực hiện một số nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện trách nhiệm, sự sáng tạo, kịp thời của hệ thống Mặt trận, chưa được đề ra trong nội dung Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 như: Tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; Triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên; Xây dựng, xuất bản Cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thứ hai, bổ sung nội dung nhận định, đánh giá khái quát quá trình 40 năm đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đường lối của Đảng.

Thứ ba, xây dựng phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2024 - 2029 theo hướng cụ thể, chi tiết, khả thi; đồng thời, bổ sung một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ theo hướng định lượng rõ rệt.

Thứ tư, Chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 6 chương trình. Trong đó, tiếp tục kế thừa và phát huy 05 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019 - 2024, bổ sung Chương trình mới: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Việc xây dựng Chương trình mới nhằm thực hiện yêu cầu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 43 -NQ/TWcủa Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, bố cục dự thảo Báo cáo chính trị chia thành hai phần: Phần thứ nhất: Tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện chương trình hành động đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Phần thứ hai: Phương hướng, Mục tiêu và Chương trình hành động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ngoài phần nội dung Báo cáo chính (36 trang), báo cáo kèm theo phần phụ lục.

Tiêu đề của dự thảo Báo cáo chính trị là: “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Phương châm của Đại hội là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trình bày Tờ trình xin ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Theo đó, Dự thảo Điều lệ cơ bản giữ nguyên kết cấu của Điều lệ MTTQ Việt Nam hiện hành, gồm Lời nói đầu, 8 chương, 37 Điều. Dự kiến sửa đổi, bổ sung 2 Điều trên tổng số 37 Điều: Quy định về chế độ họp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp với chế độ thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời đối với các hoạt động của MTTQ Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung để thể hiện rõ thẩm quyền của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo Quy định số 120-QĐ/TW ngày 06/9/2023 của Bộ Chính trị trong việc thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề cập tới một số nội dung cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung Điều 12. Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, cộng tác viên nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu và sự cần thiết thành lập Tổ Tư vấn ở cấp xã hiện nay, đồng thời bảo đảm sự logic với nội dung các quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này. Trong thực tế đến nay có đã có 43/63 tỉnh, thành phố thành lập được Tổ Tư vấn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Hiện chỉ còn 20 tỉnh, thành phố sau chưa thành lập Tổ Tư vấn ở cấp xã, là: An Giang, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Đối với việc sửa đổi bổ sung Điều 15 Chế độ họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp với việc thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời đối với các hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày Tờ trình xin ý kiến Danh sách dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào nội dung dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội; nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; dự kiến nhân sự tham gia Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Muốn có đoàn kết thật sự thì Mặt trận phải vững mạnh

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với dự thảo các văn bản đã được chuẩn bị công phu; đồng thời mong muốn làm sâu sắc, nổi bật hơn, phản ánh đúng thực tiễn.

Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị cần bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây là cương lĩnh mang tầm chiến lược suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó Đảng xác định phải thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

"Bám sát những nội dung Nghị quyết đã nêu, dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá những kết quả đạt được và phương hướng trong nhiệm kỳ mới. Thực tế cho thấy, đến thời điểm này Cương lĩnh còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy cần phải làm đậm nét việc quán triệt, tổ chức thực hiện cương lĩnh về nội dung đại đoàn kết và tăng cường mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam như thế nào", ông Huỳnh Đảm kiến nghị và cho rằng, muốn có đoàn kết thật sự thì Mặt trận phải vững mạnh, từ đó phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Điểm này cần được bổ sung, đánh ra, rút kinh nghiệm.

Ông Huỳnh Đảm đề xuất, đối với phương hướng nhiệm kỳ 2024-2029, thông qua chương trình hành động thứ nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị nhận thức đầy đủ nội dung "Đại đoàn kết và Mặt trận, muốn có đoàn kết phải có Mặt trận mạnh". Đối với nhân sự trong nhiệm kỳ cần làm rõ vị trí của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp huyện, cấp xã để mỗi người sẽ nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ mà cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao phó.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu

“Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”

Đánh giá cao các nội dung dự thảo trình tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề cập tới một số kiến nghị đối với nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Nhấn mạnh phương châm “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân” trong nhiệm kỳ 2019-2024, ông Nguyễn Túc cho rằng, Ủy ban MTTQ các cấp đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương, tập trung chỉ đạo điểm và phát triển các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Do đó, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là MTTQ và các tổ chức thành viên cùng với cấp ủy, chính quyền, vận động nhân dân phát huy các nguồn lực xã hội, đoàn kết góp công, góp của để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Túc đề xuất cần đánh giá đúng vài trò của giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Trong đó, cần đánh giá giai cấp công nhân là lực lượng mạnh mẽ, nhất là trong đại dịch Covid-19, đời sống công nhân mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ đã có nhiều đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Giai cấp nông dân được đánh giá là “bệ đỡ” khi có dịch Covid-9. Nếu bổ sung những nội dung này vào văn kiện Đại hội thì người dân sẽ rất phấn khởi.

Về kết quả thực hiện 5 Chương trình hành động, ông Nguyễn Túc chia sẻ, ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, chúng ta đã triển khai Nghị quyết Đại hội rất chu đáo. Trong đó, chú trọng vào việc chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Vì vậy, nhân dân có vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, nhân dân chính là những người phát hiện ra các vụ tiêu cực, tham nhũng và phản ánh tới Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.

"Muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Khi thực hiện việc này, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa", ông Nguyễn Túc nêu rõ và cho rằng cần tiếp tục phát huy và làm rõ vai trò nhân dân làm chủ, dân là gốc để triển khai hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp.

Cũng theo ông Nguyễn Túc, trong nhiệm kỳ tới cần phát huy vai trò của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Phó Chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng thời chương trình hành động của Mặt trận cần đề cập tới những hoạt động nổi bật hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam.

 Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình phát biểu tại Hội nghị

Phát huy dân chủ, thực hiện mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và nhân dân

Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, dự thảo đã đánh giá khá toàn diện kết quả thực hiện Chương trình hành động của Đại hội IX và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung của Chương trình hành động Đại hội X, nhiệm kỳ 2024-2029 của MTTQ Việt Nam; thể hiện sự chuẩn bị công phu, chu đáo và trách nhiệm của Tiểu ban Văn kiện và sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường trực.

Theo ông Trình, điểm mới của dự thảo lần này là nêu cụ thể một số giải pháp thực hiện yêu cầu đổi mới về tổ chức của MTTQ Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như: "Tổng kết thực tiễn để đánh giá cơ bản, toàn diện về tổ chức bộ máy và việc vận hành tổ chức bộ máy trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Tăng cường củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống MTTQ Việt Nam". Hay nội dung thể hiện sự đổi mới về phương thức hoạt động là: "Tiếp tục hoàn thiện Quy chế phối hợp thống nhất hành động các tổ chức thành viên Mặt trận, cụ thể hóa cơ chế hiệp thương phối hợp thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên; phát huy vai trò chủ trì hiệp thương của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, sự chủ động đề xuất, đóng góp của các tổ chức thành viên, thành viên cá nhân trong việc xây dựng và triển khai chương trình hành động của MTTQ Việt Nam."

Để nâng cao chất lượng chính trị của dự thảo báo cáo, ông Lê Bá Trình cho rằng trong nội dung phần mở đầu cần bổ sung "vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", chứ không nên chỉ dừng lại ở công việc khích lệ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện...  như trong dự thảo. Ngoài ra cần có nội dung đánh giá tình hình đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước hiện nay.

Cho rằng chương trình hành động của Đại hội X cần bám sát phương châm, khẩu hiệu hành động của Đại hội là: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển” để xác định những nội dung cụ thể của phương hướng, ông Lê Bá Trình gợi mở, cần tiến hành công bố dự thảo Báo cáo chính trị trên các phương tiện truyền thông để xin ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, từ đó tập hợp ý kiến, trí tuệ của nhân dân cho công tác Mặt trận và phát huy dân chủ, thực hiện mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và nhân dân, cũng như thực hiện việc nhân dân giám sát Mặt trận như quy định của Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

MTTQ các cấp cần vào cuộc khắc phục việc già hóa dân số

Nêu ý kiến tại Hội nghị, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Báo cáo chính trị có tính khái quát cao, ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. Hiện nay, nhân dân đang rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Người dân miền núi chịu ảnh hưởng từ sạt lở nghiêm trọng, bà con ở miền Nam thì chịu hạn hán.

"Trong nhiệm kỳ vừa qua, vai trò của Mặt trận đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những hoạt động nổi bật. Cùng với đó, hoạt động cứu trợ của MTTQ Việt Nam đối với bà con nhân dân khi gặp thiên tai, bão lụt luôn được triển khai kịp thời. Vì vậy, Báo cáo chính trị cần nêu bật nội dung này", bà Hà Thị Liên kiến nghị.

Theo bà Hà Thị Liên, hiện nay, ở các thành phố lớn nhiều gia đình không muốn đẻ con thứ 2. Nếu tư tưởng này còn tồn tại thì sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Nước ta sẽ "già trước khi giàu" và "chưa giàu đã già hóa". Đây cũng là một vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm, chung tay khắc phục của MTTQ Việt Nam.

"Phần nhìn lại 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng là một nội dung lớn, do đó Mặt trận cần quan tâm đánh giá sâu sắc, rõ nét. Nếu cần thiết, nội dung này nên tách ra thành một chuyên đề riêng để đánh giá một cách đầy đủ hơn, trong đó đánh giá về sự đổi thay và phát triển trong các văn kiện Đại hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về Mặt trận và đại đoàn kết toàn dân tộc", bà Hà Thị Liên đề xuất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm với bà Hà Thị Liên, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong khi những nước thu nhập cao hiện nay đang đối mặt với khó khăn, nhược điểm mà nước ta cần tránh, đó là khi đất nước càng phát triển, thu nhập bình quân/người cao nhưng không tái tạo được con người cho đất nước mình.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay nước ta đang đứng trước nguy cơ phát triển con người không bền vững, không tái tạo được con người. Năm 2023, mức sinh của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ (lần đầu tiên tỷ lệ sinh xuống dưới 2 con/phụ nữ) , mà theo kinh nghiệm thế giới, tỷ lệ sinh dưới 2 thì sẽ tiếp tục giảm và khó có thể tăng lên. Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy chúng ta cần phải hành động ngay. Nước ta mới chỉ mất 1 năm, nên phải ứng phó ngay với việc “giàu nhưng không sinh con đủ”.

"Tôi kiến nghị 4 vế: người dân hạnh phúc; đất nước giàu mạnh; dân tộc trường tồn và dân chủ, công bằng, văn minh… sẽ là mục tiêu phát triển đất nước", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, công tác giám sát và phản biện xã hội là hoạt động quan trọng của Mặt trận, có cơ sở pháp lý trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các Nghị quyết liên tịch với Quốc hội, Chính phủ, cho nên cần đánh giá sau 11 năm, công tác này được triển khai như thế nào? Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giám sát, phản biện xã hội đã đáp ứng được những mong muốn của Đảng, nhân dân và nhu cầu của cuộc sống hay chưa?

"Tiếng nói của Mặt trận có tính độc lập rất quan trọng. Để làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội thì sự chủ động, dũng khí cách mạng, chính trị của Mặt trận cần phải đẩy mạnh hơn nữa, nói lên những vấn đề người dân đang bức xúc", ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Chương trình hành động của nhiệm kỳ tới phải nói lên được khát vọng của nhân dân

Góp ý tiêu đề của báo cáo chính trị, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, những thành tố để cấu thành tiêu đề báo cáo phải thể hiện mạnh mẽ hơn, bao quát hơn. Đặc biệt, tiêu đề của báo cáo cần nhấn mạnh việc nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Khẳng định vai trò, tiếng nói của Mặt trận phải có tính độc lập, có chính kiến, ông Kim nhấn mạnh rằng, những vấn đề được Mặt trận nêu ra trong báo cáo chính trị phải mang tính chất chủ động. Ví dụ như trong công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo phải nói được tiếng nói của lòng dân, nói được lòng dân như thế nào trước tham nhũng để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và thúc đẩy hành động.

“Chương trình hành động của Mặt trận nhiệm kỳ tới phải nói lên được khát vọng của nhân dân. Bởi từ khát vọng của nhân dân mới trở thành ý của Đảng, từ ý nguyện của nhân dân mới trở thành đường lối của Đảng” ông Kim nói và cho rằng, báo cáo chính trị phải thể hiện được trách nhiệm của nhân dân đối với vận mệnh của quốc gia, để đất nước bước lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Hơn lúc nào tinh thần này phải trở thành khát vọng cháy bỏng để hoàn quyện giữa lòng dân, ý Đảng.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nội dung nói về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần diễn đạt sâu sắc hơn nữa để thấy rõ việc vận động được "sức dân" khi đất nước gặp khó khăn hoạn nạn. Đồng thời cần đề cập tới sức mạnh nhân dân trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bổ sung thêm nội dung “văn hoá - giáo dục”.

Đề cập đến nội dung đánh giá việc vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, bà Nguyễn Thị Doan nêu rõ, thời gian qua, phong trào xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước quan tâm và được triển khai rộng khắp. Bởi vậy Báo cáo chính trị cần làm rõ nét hơn nữa về nội dung này, từ đó đề ra phương hướng triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã đề cập.

Nhắc tới lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân", bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, MTTQ Việt Nam phải khai thác triệt để "dân là gốc", cũng là để phát huy vai trò vô cùng quan trọng của Mặt trận. Có thể thấy, nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa bao giờ thể hiện mạnh mẽ như vậy, nhất là trong thời điểm phòng chống Covid-19.

"Cần làm thế nào để Báo cáo chính trị cho thấy sức mạnh của nhân dân, nhân dân là cội nguồn của tất cả", bà Nguyễn Thị Doan kiến nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu bế mạc Hội nghị  

Tiếp thu những ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn thời gian tới, các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị; dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung; dự thảo Đề án nhân sự;... trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 dự kiến diễn ra trong 3 ngày 16,17,18/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.