Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 18, khóa IX

(Mặt trận) - Ngày 28/9, tại Bắc Ninh đã diễn ra Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 18, khoá IX. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Nguyễn Hữu Dũng, Hoàng Công Thủy.

Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc

Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận tổng số tiền là 2.114,8 tỷ đồng

Tấm lòng kiều bào hướng về quê hương

 Chủ trì Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày một số nội dung xin ý kiến Đoàn Chủ tịch vào dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, để chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức các hội nghị: Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2023; Hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên Lãnh đạo MTTQ Việt Nam các thời kỳ; Hội nghị xin ý kiến một số tổ chức thành viên và Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để xin ý kiến định hướng xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X; tổ chức các Đoàn khảo sát tại 7 địa phương gồm: TP. Hải Phòng, các tỉnh: Sơn La, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Dương, Lâm Đồng, Quảng Bình.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị 

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới và tổng hợp, nghiên cứu kết quả các hội nghị và khảo sát tại địa phương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị.

Về chủ đề Đại hội, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trong dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị xác định chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”.

Tiêu đề báo cáo Chính trị dự kiến 3 phương án. Phương án 1: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; Phương án 2: Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc; Phương án 3: Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

 Quang cảnh Hội nghị

Về bố cục và nội dung và đề cương báo cáo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết, báo cáo chính trị gồm 2 phần. Phần thứ nhất: Tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024; Phần thứ hai: Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Trong dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị dự kiến 5 khâu đột phá: Thể chế, hoàn thiện chủ trương, chính sách để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò nòng cốt chính, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Nâng cao chất lượng công tác giám sát phản biện xã hội; Kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ Mặt trận; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình nhân dân; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân;  Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống Mặt trận.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị 

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, gắn với các khâu đột phá, trong nhiệm kỳ sẽ tổ chức xây dựng và triển khai đồng bộ 4 đề án: Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024 – 2029; Đề án chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 – 2029; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; Đề án đánh giá sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị của nhân dân.

Về các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị xác định 6 chương trình hành động gắn với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, MTTQ Việt Nam tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đồng thuận xã hội nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; Vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực trong Nhân dân, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ, thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội; phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, động viên các tầng lớp nhân dân đổi mới sáng tạo, nhân rộng các điển hình tiên tiến, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” xây dựng xã hội đồng thuận, an ninh, an toàn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trình bày Tờ trình xin ý kiến một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khoá IX 
 Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã trình bày Tờ trình xin ý kiến một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khoá IX; Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy trình bày Tờ trình xin ý kiến Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Dự thảo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2024 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029 phải có tính hiệu triệu cao hơn. Mặt khác, việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam cần căn cứ vào Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam. Đặc biệt, việc sửa đổi Điều lệ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam để tổ chức Mặt trận ngày càng vững mạnh.

Góp ý vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi lại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ông Lù Văn Que cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước MTTQ Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân tộc. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực thuộc về “bề nổi” trong thực tiễn các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn triển khai với tốc độ chậm, còn những “mảng chìm” chưa được quan tâm, giải quyết.

Từ thực tế đó, ông Que kiến nghị, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần quan tâm xem xét giải quyết những “mảng chìm” trong công tác dân tộc như việc xác định tộc danh; vấn đề học tập, việc làm cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

 Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, báo cáo chính trị trình Đại hội cần phải nhấn mạnh tới việc đổi mới 40 năm hoạt động của Mặt trận, trong đó cần đề cập tới việc MTTQ Việt Nam mở rộng thành viên, phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, MTTQ đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nhất là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, từ đó góp phần vào thành tích chung trong xây dựng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, điều ông Nguyễn Túc còn trăn trở khi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có nơi chưa được phát huy; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận ở nhiều nơi chưa theo kịp với tình hình thực tế tại địa phương; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều, vai trò làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn vi phạm, vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức và phát sinh đơn từ khiếu kiện ở nhân dân…

Từ những vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Túc bày tỏ tán đồng với chủ đề Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển” được nêu ra trong dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Về tiêu đề của báo cáo, ông Nguyễn Túc đề nghị lựa chọn phương án 1 mà dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị đặt ra: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng trong nhiệm kỳ mới cần tăng cường đổi mới tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; nhấn mạnh hơn nữa tới những kết quả và nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và trách nhiệm, vai trò của Mặt trận trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đồng thời cần tăng cường hoạt động tập huấn đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp theo hướng thường xuyên, liên tục.

 Đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ Việt Nam cần xây dựng một số cơ chế, chính sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên một số lĩnh vực hoạt động do Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành, bao gồm cơ chế chính sách về tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân của MTTQ Việt Nam; cơ chế tổ chức và hoạt động Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong một ngày 18/11 hàng năm trong cả nước.

Góp ý vào nội dung sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng cần rà soát những điều Quy định của Điều lệ hiện nay chưa có cơ chế, chính sách để thực hiện cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách về “Hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể về quyền và trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch đối với việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ chủ nghĩa, nhất là trong việc thực hiện giám sát, góp ý và phản biện xã hội; trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội....; Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách cụ thể tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận, Hội đồng tư vấn, cộng tác viên tại các điều 27 và 12 Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đề cập tới hoạt động của Ban công tác Mặt trận, ông Thường cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tổng kết mô hình này để kiến nghị Nhà nước thừa nhận đây là một thiết chế không chuyên trách, là cơ cấu tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước đã thừa nhận vai trò của Ban công tác Mặt trận, nhất là việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ so. Vấn đề cần quan tâm đổi mới là xây dựng cơ chế, chính sách nhà nước về tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận, để phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận trong chủ trương chuyên mạnh công tác Mặt trận về cơ sở, đến khu dân cư và hộ gia đình theo chủ trương của Đảng

“Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, Ban công tác Mặt trận có vai trò quan trọng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân ở thôn, tổ dân phố; thực hiện mối quan hệ với Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; trực tiếp tổ chức, vận động nhân ở địa bàn dân cư”, ông Thường nói.

Theo ông Đỗ Duy Thường, hiện trạng về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn hiện nay như là một phương thức hoạt động trong cơ quan Ủy ban MTTQ cấp trung ương và cấp tỉnh là chủ yếu, có chức năng tư vấn cho Ban thường trực trong công tác tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận. Còn cộng tác viên thì hầu như chưa có trên thực tế. Với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của MTTQ theo chủ trương của Đảng hiện nay, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tổng kết để nâng cao vai trò Hội đồng tư vấn, kiến nghị với Đảng và nhà nước công nhận Hội đồng tư vấn là tổ chức không chuyên trách trong tổ chức bộ máy của Ủy ban MTTQ mỗi cấp, là một thiết chế về tổ chức có cơ chế, chính sách được Nhà nước thừa nhận.

"Với tiềm năng và lợi thế về tổ chức không chuyên trách cùng với lực lượng các thành viên của Hội đồng tư vấn và cộng tác viên, là thế mạnh của MTTQ trong các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân", ông Thường khẳng định.

Ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Góp ý vào Dự thảo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2024 của UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong chương trình giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam có một vấn đề rất thiết thực là giám sát việc thực hiện kê khai tài sản và thu nhập theo quy định của Đảng và Nhà nước.

“Đây là việc rất khó nhưng nếu Mặt trận triển khai giám sát thì sẽ rất có ích cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” ông Truyền nêu kiến nghị và đề xuất Mặt trận cần có một chương trình giám sát đối với lĩnh vực nhạy cảm này. Bước đầu, việc triển khai giám sát có thể làm ở một số địa phương và một số cơ quan ở Trung ương. Qua giám sát sẽ công khai hóa kết quả để nhân dân tin vào việc thực hiện kê khai tài sản và thu nhập.

Đối với dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị, ông Lê Truyền cho rằng, trong quá trình xây dựng báo cáo cần hết sức chú ý đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận, đặc biệt là những điểm mới trong Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

“Mặt trận phải chuyển hướng thật mạnh để nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận được nâng lên cao hơn, thấy Mặt trận là thấy tinh thần đoàn kết, dân chủ và đồng thuận xã hội”, ông Truyền nói.