(Mặt trận) - Sáng ngày 10/10, tại Hà Nội, Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười bốn, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 đã chính thức khai mạc. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài chủ trì Hội nghị.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Dự Hội nghị có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và hơn 600 đại biểu ở điểm cầu Trung ương, địa phương.
Đảm bảo nguyên tắc hiệp thương, thống nhất, phối hợp hành động
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện chương trình công tác năm 2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười bốn mở rộng. Hội nghị có hai nội dung quan trọng là thống nhất ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV; thông qua Chương trình giám sát phản biện xã hội năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, việc góp ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa đảm bảo nguyên tắc vừa đáp ứng kỳ vọng lắng nghe nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước và nâng cao một bước chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024.
“Hội nghị cũng thông qua Chương trình giám sát phản biện xã hội năm 2023, trên cơ sở đó sẽ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ theo Quy chế phối hợp và Nghị quyết liên tịch đã ký kết. Đây là một nhiệm vụ không mới nhưng điều chỉnh cách làm để vừa đảm bảo nguyên tắc và tăng cường tính hệ thống trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.
Nhấn mạnh trong kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam dự kiến 6 nội dung giám sát, 3 nội dung phản biện chung trong toàn quốc để xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, nội dung giám sát, phản biện nào được đại biểu tham dự thống nhất sẽ tiến hành triển khai trong phạm vi toàn quốc; các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ thực hiện từ 1-2 cuộc giám sát, phản biện xã hội. Qua đó sẽ tập hợp được kết quả của toàn quốc. Ngoài ra Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh thành phố cũng thực hiện thêm một số cuộc giám sát, phản biện xã hội theo tình hình thực tế của địa phương hoặc theo chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
“Chúng ta điều chỉnh dần cách làm như trên thì mới đảm bảo được nguyên tắc MTTQ Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, thống nhất, phối hợp hành động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng với tư cách vừa là thành viên và vừa lãnh đạo MTTQ của chúng ta”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí phát huy dân chủ, hăng hái thảo luận góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các nội dung của Hội nghị. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo.
6 nội dung cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị |
Trình bày Tờ trình cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, dự thảo Báo cáo được kết cấu, bố cục gồm 2 phần: Phần I - Về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân; Phần II - các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, các nội dung tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của cử tri, nhân dân được trình bày theo các vấn đề lớn, mỗi vấn đề thể hiện ở 3 khía cạnh: Những vấn đề cử tri và Nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đánh giá cao; Những vấn đề cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng; Những kiến nghị, đề xuất của cử tri và Nhân dân gồm 6 nội dung: đánh giá chung; tình hình phát triển kinh tế; các vấn đề xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và công tác đối ngoại.
Từ những nội dung trên, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 5 kiến nghị: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục …để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước….
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đã trình bày Tờ trình cho ý kiến vào Kế hoạch giám sát năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 6 nội dung: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm Quốc gia, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; Giám sát việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các bộ, ngành, địa phương; Giám sát việc triển khai các công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; Giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Kế hoạch phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 3 nội dung: Phản biện xã hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (trình Quốc hội lần 2); Phản biện xã hội Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Phản biện xã hội Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cùng với đó các tổ chức chính trị - xã hội cũng tiến hành giám sát, phản biện xã hội theo chức năng và nhiệm vụ của mình.
|
Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tìm rõ nguyên nhân tình trạng sau dịch Covid-19 có nhiều vụ việc diễn ra sai phạm rất nhiều, nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có cả cấp Trung ương, gây bức xúc, tâm tư cho người dân.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lù Văn Que cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Đảng đã có các quy định về nêu gương của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực, quy định các điều đảng viên không được làm.
Ông Lù Văn Que đề nghị Mặt trận cần chỉ rõ dân cần làm gì, cần làm như thế nào và ai bảo vệ người dân trong tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cũng cần phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ có dân tham gia mới ngăn chặn, đẩy lùi được “giặc nội xâm”.
Theo ông Lù Văn Que, 10 năm qua, diện tích rừng của nước ta bị thiệt hại hơn 22.000 ha do cháy rừng và chặt phá rừng trái phép. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên cần được quan tâm bởi tốc độ phá rừng, cháy rừng cao hơn việc trồng rừng. Việc giữ rừng và trồng rừng cũng là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam giám sát việc bảo vệ rừng. Những nơi bị cháy rừng, phá rừng thì phải xem trách nhiệm của chủ rừng như thế nào, trách nhiệm của địa phương như thế nào để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm minh để tình trạng này không tái diễn", ông Lù Văn Que đề nghị.
|
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, báo cáo đã đánh giá đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, trong khi có chỗ lại đề cập 6 tháng vừa qua doanh nghiệp và nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, nội dung báo cáo cần sửa đổi lại nội dung này trong báo cáo để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phản ánh đúng tình hình đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Túc đề nghị, báo cáo cần đề cập đến nội dung về tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vấn đề an toàn, an ninh trên không gian mạng, kiểm soát thông tin đầu ra đến người dân, đặc biệt những vụ việc nghiêm trọng vừa qua trong xử lý vi phạm một số cán bộ Nhà nước có hành vi tham nhũng, tiêu cực hay những bất cập, bức xúc trong ngành y tế, giáo dục,... tránh gây dư luận xấu và các thế lực thù địch lợi dụng để bôi nhọ, nói sai sự thật.
|
Ông Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đóng góp ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cách thể hiện báo cáo phải đúng mực, chính xác để thể hiện được đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân. Trước tình trạng người dân đang hoang mang, lo lắng về nhiều vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra, vấn đề này đã xảy ra cách đây 2 đến 3 năm, nhưng các cơ quan, cá nhân phải chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy chưa hề bị xử lý mà chỉ xử lý người chủ cơ sở kinh doanh để xảy ra cháy nổ. Do vậy, ông Trần Ngọc Đường đề nghị, cần truy cứu trách nhiệm đối với các cơ quan làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy thật nghiêm khắc.
Về vấn đề xã hội hóa đối với hai lĩnh vực giáo dục và y tế, ông Trần Ngọc Đường cho rằng đây là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, nhưng thực hiện chủ trương này đòi hỏi phải có hướng đi phù hợp, không bị thả lỏng với khẩu hiệu “tự chủ”. Cần áp dụng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức trong vấn đề này vì thực tế hiện nay, đội ngũ chuyên gia, tri thức giỏi đa phần là viên chức, trong khi thu nhập và chế độ đãi ngộ của viên chức thiệt thòi hơn so với công chức. Ví dụ viên chức ngành y tế tại các bệnh viện lớn, đầu ngành thì có thu nhập tốt, nhưng tại các bệnh viện nhỏ hay tại những vùng khó khăn thì ngược lại, dẫn đến tình trạng bỏ việc diễn ra rất nhiều. Chính vì vậy, báo cáo phải thể hiện được tính ưu việt của chế độ qua lĩnh vực y tế, giáo dục và đánh giá lại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Về chương trình giám sát, ông Trần Ngọc Đường đồng tình với nội dung 6 chuyên đề giám sát trong năm 2023, tuy nhiên cần triển khai 1 đến 2 vụ việc giám sát cụ thể mà trong thực tiễn người dân quan tâm, qua đó kiến nghị để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng góp ý bằng văn bản trong phản biện xã hội bởi nhiều văn bản góp ý còn sơ sài, trong khi phản biện xã hội cần sự góp ý chu đáo, tâm huyết, huy động trí tuệ tổng thể của các nhà khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.
|
Bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đồng quan điểm với ông Trần Ngọc Đường, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tình trạng cháy nổ liên tiếp trong thời gian qua tại các cơ sở kinh doanh karaoke để lại thiệt hại nặng nề về người. Bởi vậy, các tỉnh, thành phố sau khi khắc phục thiệt hại của các vụ cháy nổ cần chủ động rà soát, kiểm tra lại các cơ sở kinh doanh, sản xuất, không chỉ karaoke mà cần chú trọng đến an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, nhà tầng.
Nhắc tới tình trạng thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường đang tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân, nhất là những vùng trũng bị ngập lụt, vùng sâu, vùng xa, theo bà Hà Thị Liên, tình trạng lũ quét, sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng do hiện tượng chặt phá rừng đầu nguồn, phá hoại môi trường vẫn tiếp diễn. Do đó, cần có biện pháp chỉ đạo di dân, xây dựng, khắc phục thiệt hại sau bão lũ, cũng như có giải pháp khắc phục để phòng tránh thiên tai.
“Tình trạng nhiều gia đình có con em, người thân bị các đối tượng lừa đảo đi lao động sang nước ngoài nhưng thực chất là làm nô lệ cho các đối tượng này. Do vậy, ngành công an, các ngành liên quan vào cuộc để sớm phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa đảo này, đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề lao động, việc làm cho người dân”, bà Hà Thị Liên nêu vấn đề.
Cùng đề cập đến lĩnh vực y tế và giáo dục, bà Hà Thị Liên cho rằng đây là hai ngành có sự liên quan đến nhiều mặt trong xã hội. Tuy nhiên, gần đây, các y sĩ, bác sĩ, giáo viên xin nghỉ việc, ra khỏi ngành rất nhiều. Không chỉ giáo dục, y tế, các tổ chức chính trị - xã hội cũng không giữ được thành viên, hội viên của mình. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước để sớm tháo gỡ khó khăn cho các ngành, các tổ chức về biên chế, duy trì, đảm bảo chế độ việc làm cho viên chức, người lao động.
|
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, mục đích, yêu cầu chương trình giám sát năm 2023 cần nói rõ về việc phát huy tổng thể các hình thức giám sát, phản biện, nhất là giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của MTTQ cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt cần đổi mới quy trình tổ chức hội nghị phản biện, phát huy vai trò các hội đồng tư vấn làm nòng cốt trong hoạt động phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Tinh thần này cần được cụ thể vào trong yêu cầu, nhiệm vụ sắp tới để phát huy mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần mới của Đảng về hoạt động này.
|
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Các ý kiến tại Hội nghị cũng nhấn mạnh tới tình trạng giá xăng giảm mạnh song các mặt hàng thiết yếu hầu như giảm không đáng kể; cần xử lý nghiêm minh, công tâm trong vụ việc công an có hành vi bạo lực đối với học sinh; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân, do đó cần đánh giá về chính sách, tiền lương đối với công chức, viên chức; một số nội dung đầu tư công chưa hiệu quả, giải ngân gặp khó khăn, đề nghị tính toán chuyển đầu tư cho con người, cụ thể là chuyển để tăng lương.
Bên cạnh đề nghị tăng lương chung, cần quan tâm đến cả lương hưu; quan tâm đến giá trị lao động cùng với đề xuất tăng lương; vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thời điểm nâng mức học phí; đánh giá đầy đủ các ngành lĩnh vực đang gặp khó khăn, cụ thể là ngành “thuỷ sản”; đồng thời đề nghị Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo đặc biệt đến quản lý đất đai để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu tham dự cũng đề nghị báo cáo cần bổ sung, đánh giá kỹ hơn kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm 2022; bổ sung mục đánh giá về việc lãng phí, thực hành tiết kiệm, chống phô trương, hình thức; kiến nghị có chính sách để tạo cơ chế thông thoáng hơn trong việc cấp quốc tịch cho người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng nước đó không yêu cầu từ bỏ quốc tịch Việt Nam; vấn đề quản lý biển số xe…
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu bế mạc Hội nghị |
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của Đoàn Chủ tịch tại hội nghị để hoàn thiện báo cáo, gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, đại biểu tham dự cơ bản thống nhất với 6 nội dung tâm tư, nguyện vọng của cử tri và 5 nội dung kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Trong đó nội dung kiến nghị tập trung vào việc kiến nghị với Đảng, Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức; về hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế; sơ kết, tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XI và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục; tiếp tục cải cách thể chế, cải cách hành chính; tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội.
Về chương trình giám sát, phản biện năm 2023, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, trên cơ sở 6 nội dung giám sát và 3 nội dung phản biện đã được dự kiến, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội dung giám sát, đó là giám sát chính sách pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; giám sát chế độ chính sách về y tế tư nhân. Đại biểu cũng đề nghị xem xét giảm dần việc xin ý kiến góp ý dự thảo văn bản pháp luật mà không đảm bảo về thời gian, điều kiện nghiên cứu. Từ đó, tiến tới đổi mới quy trình tổ chức hoạt động giám sát, phản biện theo quy chuẩn, thực hiện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước để hoàn thành chức năng nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn. Đây là một trong những trụ cột để phát huy sứ mệnh của MTTQ Việt Nam, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh