Giám sát để lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân đối với đại biểu ứng cử trên địa bàn

(Mặt trận) - Sáng 25/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp bàn về triển khai nội dung kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam đối với công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhằm hiện thực hóa chức năng, nhiệm vụ giám sát của Mặt trận đã được Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định.

Qua hoạt động giám sát, MTTQ Việt Nam sẽ nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương; phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của nhân dân.

Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ giám sát công tác bầu cử đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Thường trực HĐND, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để quá trình kiểm tra, giám sát đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu phải có sự thống nhất với kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan liên quan để việc giám sát kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung và tiến độ. Nội dung kiểm tra, giám sát cần tập trung vào kiểm tra thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác bầu cử; kế hoạch phân công cán bộ, công chức tham gia các tổ chức bầu cử các cấp; việc tổ chức các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử; việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân và những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các điều kiện đảm bảo an toàn công tác bầu cử trước tình hình dịch Covid-19.

Từ kế hoạch tổ chức 3 đợt kiểm tra, giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề ra, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cần đưa ra nội dung, yêu cầu cụ thể của từng đợt giám sát nhằm phát huy hiệu quả việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với hoạt động bầu cử; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận các cấp triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát tới từng địa bàn dân cư.

“Các đoàn giám sát phải trực tiếp xuống từng địa bàn dân cư nắm bắt thực tế triển khai các hoạt động tuyên truyền về bầu cử và lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân đối với những đại biểu ứng cử trên địa bàn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Đề cập đến thành viên tham gia đoàn kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, thành phần tham gia đoàn cần đảm bảo tinh gọn, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu theo đúng quy định đã đề ra và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ, Bộ Y tế quy định. Đặc biệt, mỗi thành viên phải là những người có kinh nghiệm trong chỉ đạo hoạt động bầu cử để có thể trực tiếp giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc phát sinh của địa phương.

“Sau mỗi đợt kiểm tra, giám sát phải có báo cáo tổng hợp để triển khai họp trực tuyến rút kinh nghiệm đối với các địa phương. Tại những địa phương có sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng thì có thể triển khai thông qua hệ thống trực tuyến. Mặt trận phải đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát trong cuộc bầu cử lần này”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu.