Giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Sáng 29/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài chủ trì Hội thảo.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến tâm huyết đánh giá bối cảnh, tình hình hiện nay; nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong phát huy vai trò của đội ngũ trí thức và đề xuất những giải pháp để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của trí thức, đóng góp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Nêu ý kiến, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đội ngũ tri thức trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, nhiệt tình và trách nhiệm tham gia thực hiện các chương trình hành động chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp. Cùng với đó, đội ngũ trí thức cũng tham gia làm thành viên của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp, là lực lượng chủ yếu, đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động góp ý, phản biện dự thảo các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các chương trình, dự án, đề án kinh tế-xã hội của Chính phủ, chính quyền địa phương

“Trong đội ngũ Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX có 261 vị là cá nhân tiêu biểu, thì có 73 vị nhân sỹ, trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, khoa học - xã hội, pháp luật, kinh tế, văn học, nghệ thuật. Ở 7 Hội đồng tư vấn trên các lĩnh vực của UBTƯ MTTQ Việt Nam hiện nay có 144 vị là chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và các chức sắc trong các tôn giáo” ông Đỗ Duy Thường dẫn chứng và cho rằng với chức năng tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và trong Hội đồng tư vấn các cấp; trong các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đề xuất giải pháp để phát huy phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong trong xây dựng khối đại đoàn kế toàn dân tộc, ông Đỗ Duy Thường cho rằng trên cơ sở chủ trương của Đảng quy định trong Nghị quyết 27-NQ/TƯ, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần rà soát các cơ chế, chính sách để kiến nghị Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Cùng với đó, Đảng đoàn, Ban Thường trực cần ban hành các cơ chế theo thẩm quyền của mình để nâng cao vai trò trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Thường cũng kiến nghị, hoàn thiện cơ chế tổ chức và hoạt động của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả có cơ cấu thành viên, số lượng phù hợp với lĩnh vực tư vấn, nhằm phát huy vai trò nòng cốt của trí thức tham gia các hoạt động góp ý, giám sát và phản biện của Mặt trận.

T.S Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đặt vấn đề cần hoàn thiện thể chế về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, thu hút và trọng dụng trí thức, tài năng T.S Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất sớm xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức Việt Nam, để làm cơ sở có định hướng cho việc hoạch định chính sách, thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức. Đặc biệt, cần xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong quản lý, cũng như chính sách khuyến khích đãi ngộ, thu hút tài năng, nhất là tài năng trẻ cống hiến cho đất nước.

“Cần đẩy mạnh hoạt động của MTTQ các cấp và các hội nghề nghiệp, hội nghề nghiệp - xã hội, trong việc thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức hoạt động lao động sáng tạo, tham gia với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển  đất nước”, ông Dĩnh nêu ý kiến.

 Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam Quách Sỹ Hùng phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW việc hoàn thiện về chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết thời gian qua và đề xuất những nội dung, giải pháp mới về công tác trí thức đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam Quách Sỹ Hùng cho rằng cần đổi mới các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, văn học nghệ thuật, khoa học chính trị, khoa học an ninh – quốc phòng; đồng thời có chính sách thu hút đội ngũ tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.

Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng cần sớm xây dựng, ban hành chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, trong đó xác định rõ nội hàm tri thức theo ngành, lĩnh vực để có các chính sách phù hợp; coi việc xây dựng trí thức đầu ngành là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng như xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng.

“Cần tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo, có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với trí thức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, biên giới; đồng thời xây dựng quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học công nghệ, nhất là trong khoa học xã hội nhằm  phát huy trí tuệ trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước và xây dựng cơ chế trao đổi, thảo luận, đối thoại, phản hồi ý kiến phản biện của trí thức”, ông Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.

Tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của BCH Trung ương Đảng “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức tiếp tục được củng cố vững chắc.

“Nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên luôn chú trọng tập hợp và phát huy vai trò, khả năng to lớn của đội ngũ trí thức trong các giai đoạn lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên đã tham gia đóng góp vào hàng ngàn dự án, đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ngành, địa phương và chuyển giao ứng dụng KHCN trên các lĩnh vực. Tham gia tư vấn, thẩm định, phản biện xã hội và giám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị; tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần ổn định an ninh, trật tự, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ cho các tầng lớp nhân dân...

Tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho rằng, các ý kiến đều khẳng định công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của đội ngũ tri thức nói chung và MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên nói riêng trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo; vai trò, tiếng nói và trí tuệ của các trí thức đã được lắng nghe, từ đó phát huy và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm triển khai các Nghị quyết và các chủ trương của Đảng về đội ngũ trí thức nói chung, của MTTQ và các tổ chức thành viên nói riêng. Coi đây là một trong những nhân tố tiềm năng, đột phá để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong điều kiện của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Cùng với đó cần thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt đông giám sát, phản biện xã hội, từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, khắc phục những hạn chế mà Kết luận số 52 đã chỉ ra; đồng thời cần phát huy hiệu quả, sự tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học trong các Hội đồng tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động để mở rộng hơn phạm vi, tính chủ động, đổi mới ngày càng thực chất hơn hoạt động của Hội đồng tư vấn.

“Cần quan tâm phát huy vai trò của trí thức là người theo tôn giáo, người dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài và đại diện các giai tầng trong MTTQ Việt Nam để mỗi trí thức thực sự làm nòng cốt trong xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài gợi mở.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị ban chuyên môn tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” có thêm chất liệu, thông tin phục vụ cho việc tổng kết chung của Nghị quyết.