Giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

(Mặt trận) - Lịch sử đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước trong thời kỳ hiện đại ở nước ta đã chứng minh rằng khi nào việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện đường lối cách mạng Việt Nam vừa bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan; vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì cách mạng giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong tình hình mới hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu bức thiết, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 PGS.TS. Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

1. Kế thừa và phát huy thắng lợi của cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, trong thời kỳ mới, ngay từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (1986) đến nay, cơ chế, chính sách để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện cùng với quá trình hoàn thiện đường lối chung của cách mạng Việt Nam.

Có thể xem mốc khởi đầu của quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm cho  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò, nhiệm vụ xây dựng đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới là Nghị quyết 08B-NQ/ HNTW, ngày 27-3-1990 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ gữa Đảng và nhân dân, trong đó xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò to lớn trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”.

Trên cơ sở đó, ngày 17-11-1993, Bộ Chính trị (khoá VII) ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, nêu rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, nơi thể hiện nguyện vọng và ý chí của các tầng lớp nhân dân, nơi thống nhất hành động giữa các thành viên,..., góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) là một bước hoàn thiện mang tính chiến lược về cơ chế, chính sách để  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân (tác giả nhấn mạnh) xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên, thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”. Cụ thể hoá đường lối chiến lược này, ngày 12-3-2003, Ban Chấp hành Trung ương khoá IX ban hành Nghị quyết số 23 – NQ/TƯ Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó xác định: “3- Mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) nâng tầm chiến lược về vai trò, trách nhiệm của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc (tác giả nhấn mạnh) xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân (tác giả nhấn mạnh), chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội; trong đó đáng chú ý là: Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 17, Khoá IX 

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá về cơ chế, chính sách thực hiện vai trò, vị trí của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở giai đoạn mới, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáng chú ý là Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị Về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

- Nhà nước đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối  đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, trong đó hiến định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội được ghi rõ tại Điều 9 và Điều 10 của Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là các văn bản pháp luật quan trọng về thể chế hóa vai trò, vị trí, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm, chủ trương của Đảng.

Tuy nhiên, từ đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam và yêu cầu xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới thì cơ chế, chính sách để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân phải được hoàn thiện hơn nữa cùng với quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

 Quang cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 17, khoá IX

2. Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đủ các điều kiện căn bản, thiết yếu thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, xin đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách như sau.

Một là. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giải pháp căn bản bảo đảm sự hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng chỉ đạo, Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện Luật về tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam để cụ thể hoá về mặt pháp luật nội dung hiến định tại Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp (năm 2013), đó là: “3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật với nguyên tắc “pháp bất vị thân”. Mọi tổ chức, cá nhân, kể cả tổ chức cao nhất, lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải được tổ chức và hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật về tổ chức và hoạt động của Đảng là một bước quan trọng của quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tránh được tình trạng có thể xẩy ra là có nơi, có lúc tổ chức đảng làm thay công việc của chính quyền; hoặc là sự lãnh đạo, quyết định của Đảng vượt trên cả quy định của pháp luật. Nội dung của Luật về tổ chức và hoạt động của Đảng cần có điều khoản cụ thể việc thực hiện quy định tại khoản 4, Điều 4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “4. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Giải pháp này vừa đáp ứng yêu cầu thể chế các quy định của Hiến pháp, tạo nên tính đồng bộ giữa các quy định của pháp luật, vừa là một điều kiện căn bản để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo đường lối của Đảng.

 Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự Ngày hội đại đoàn kết với bà con tỉnh Sơn La

Hai là. Xác lập đúng hơn nữa vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị để bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc. Cả lý luận và thực tiễn của các quá trình cách mạng Việt Nam trước đây đã khẳng định vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam càng được khẳng định trong đường lối của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân”.

Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được xác lập đúng đắn hơn nữa vị trí của mình trong hệ thống chính trị. Theo đó, cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vị trí, trách nhiệm như cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước chứ phải như quy định hiện nay. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được bảo đảm tính độc lập về tổ chức, tính tự chủ về hoạt động.

Có nghĩa rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được độc lập về tổ chức, chủ động về hoạt động phù hợp với tính đặc thù về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của một tổ chức liên minh chính trị. Đó là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật đã ban hành và phản biện xã hội các dự thảo của chính sách, pháp luật sắp ban hành để vừa bảo đảm quyền và lợi chính đáng, hợp pháp của mỗi thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vừa làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được thực hiện nghiêm minh, sát với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống người dân, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Do đó, Đảng và Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách và quy định pháp luật để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam độc lập về tổ chức, chủ động về hoạt động, không bị rơi vào tình trạng hành chính hoá về tổ chức và hoạt động hoặc phụ thuộc một cách máy móc vào các điều kiện khác như hiện nay. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện yêu cầu đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra.

 Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội

Ba là. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về mối quan hệ giữa các tổ chức của hệ thống chính trị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước hết là quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được thực hiện đồng bộ, đồng thời cả 2 vai trò: Vai trò thành viên và vai trò lãnh đạo. Quy định này mang tính độc đáo của đường lối cách mạng Việt Nam; tính riêng có trong mối quan hệ giữa đảng chính trị cầm quyền với nhân dân thông qua một tổ chức liên minh chính trị rộng lớn của mình.

Tuy nhiên, vai trò Đảng là người lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì đã có cơ chế, chính sách, pháp luật quy định và thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng khẳng định. Nhưng vai trò là thành viên thì đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể.

Đối với Nhà nước, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ chế, chính sách phải cụ thể, khả thi để bảo đảm việc thực hiện các yêu cầu: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một tổ chức liên minh chính trị của nhân dân, phải chịu sự quản lý của Nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước với tư cách là chủ thể được nhân dân uỷ quyền để điều hành, quản lý xã hội phải chịu sự giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau được thể hiện thông qua cơ chế, chính sách để Nhà nước thực hiện trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu, điều kiện tối thiểu mang tính cơ bản cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động chứ không phải chỉ dừng lại ở mức “Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” như hiện nay. Bởi vì một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước phải thực hiện đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình trong hệ thống chính trị; là nhà nước quản lý, điều hành xã hội với tinh thần phục vụ chứ không “tạo điều kiện” cho ai cả. Giải pháp này cũng xác định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân theo chủ trương, đường lối được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bốn là. Hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là làm chủ thông qua tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Là một tổ chức liên minh chính trị duy nhất, có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự là nơi để nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình. Quyền làm chủ này phải được thể hiện trước hết là nhân dân được thực quyền lựa chọn người đại diện của mình có đủ tài đức đưa vào bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp thông qua công việc hiệp thương, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một cách thực chất, không hình thức hoặc làm cho đủ các bước theo quy trình. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật rõ hơn nữa về quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, giám sát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp.

Năm là. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhân dân trong quá trình xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc. Khoản 4, Điều 8, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015) quy định: “4. Nhân dân giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.”. Tuy nhiên, nội dung, phương thức giám sát, biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh sau giám sát của nhân dân thế nào thì chưa có một cơ chế cụ thể nào nên việc thực hiện vẫn còn chung chung. Do đó, cần tiến hành tổng kết việc thực hiện để thay đổi, bổ sung, điều chỉnh các nội dung trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015) phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ “tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của đã đề ra.

Tóm lại, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay./.

* TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU, THAM KHẢO.

1. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống tư liệu, văn kiện Đảng.  https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-23-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-phat-huy-suc-manh-dai-656

2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, năm 2007.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii

    4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi

  5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991);

6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011);

7. Quốc hội. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013

8. Quốc hội. Luật số: 75/2015/QH13. Luật  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2015.

9. Kết luận số 35-KL/TƯ, ngày ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị Về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

10. Thư viện pháp luật điện tử. Nghị quyết 08B-NQ/ HNTW, ngày 27/3/1990 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ gữa Đảng và nhân dân. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-08B-NQ-HNTW-doi-moi-cong-tac-quan-chung-cua-Dang-142361.aspx