Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi 5 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tới Quốc hội

(Mặt trận) - Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội. Ban Biên tập trân trọng đăng nội dung báo cáo.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

BÁO CÁO

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

(Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV)

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước (từ sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đến nay) thông qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, qua nắm bắt tình hình Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV như sau:

I. VỀ TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ NHIỀU CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN QUAN TÂM

1. Về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09/3/2021 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội  XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, thể hiện sự nghiêm túc, quyết tâm, khẩn trương để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.  

Cử tri và Nhân dân trân trọng, đánh giá cao các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV; phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; hội nghị toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của người đứng đầu Đảng đối với hệ thống chính trị và Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi trước thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chủ trương về phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước năm 2022.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho rằng thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết của một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn chưa sát với tình hình, yêu cầu thực tế; ý thức tự giác trong nghiên cứu, học tập Nghị quyết của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, nắm nội dung chưa chắc. Việc xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa Nghị quyết nhìn chung còn chậm, có nơi còn rập khuôn theo lối cũ, thiếu cụ thể. Việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết vẫn là khâu yếu ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thể hiện được tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung, nhất là có tình trạng một số người đứng đầu sợ trách nhiệm, sợ phê bình nên chưa quyết liệt trong triển khai công việc. Đồng thời, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cử tri và Nhân dân lo lắng những tác động tiêu cực, lâu dài của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt đời sống xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, năm 2022 và 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết đã đặt ra.

2. Về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19

Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có nhiều ý kiến phong phú, đa dạng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước như sau:

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ việc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lời kêu gọi thiết tha của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có căn cứ chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (có thể nói đây là một sáng kiến pháp luật chưa có tiền lệ, thật sự có ý nghĩa).

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông.

Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương đã khẩn trương, tích cực, chủ động, linh hoạt bám sát tình hình và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền. Các địa phương đã kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận, truy vết, cách ly, chăm sóc y tế cho người dân được giải quyết ngay tại cơ sở với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trịvà các tầng lớp nhân dân tham gia, chống dịch.

Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong thời gian qua cơ bản là phù hợp, đạt được kết quả quan trọng với những quyết sách nhanh, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Đã ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch và xác định các địa bàn nguy cơ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"; lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", lấy người dân là "chiến sỹ", người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất. Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt việc xét nghiệm, tăng cường năng lực xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao; khoanh vùng, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể; tiến hành xét nghiệm thần tốc với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây nhiễm, khoa học, phù hợp, hiệu quả; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Đã phân tầng điều trị phù hợp với thực tiễn, giảm tử vong bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp; triển khai các mô hình chăm sóc người nhiễm tại nhà; huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế, quân đội, công an hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đang có dịch. Các lực lượng hỗ trợ đã cùng với lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

 Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vắc-xin, trong một thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vắc-xin lớn để tiêm miễn phí cho Nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch. Quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, kết nối điều hành chỉ huy đến gần 100% các xã, phường, thị trấn vùng có dịch.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị nhiều chục nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Xuất hiện nhiều tấm gương từ cộng đồng với cách làm sáng tạo, "tương thân, tương ái" với những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa yêu thương, "lay động lòng người", thấm đẫm "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã chuyển tải kịp thời, chính xác, khá đầy đủ về công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đại đa số người dân tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Chiến thắng đại dịch COVID-19 là chiến thắng của Nhân dân.

Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương.

Bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được, cử tri và Nhân dân cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập như:

Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Còn hạn chế trong phân tích tình hình để triển khai có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian đầu đợt dịch thứ 4 có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn lúng túng, bị động, chưa thống nhất, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống và năng lực quản lý của các cấp.

Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát dịch bệnh. Việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra. Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin,...đều phải nhập khẩu, do chưa sản xuất được trong nước dẫn đến chưa kịp thời, bị động, chi phí cao. Điều kiện sinh hoạt, năng lực quản lý và nguy cơ lây nhiễm ở chính các khu vực cách ly cũng là vấn đề cử tri và Nhân dân lo lắng.

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Công tác truyền thông có thời điểm còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

3. Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021

Cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cùng với sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết của Quốc hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; lạm phát được giữ ở mức thấp; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo…tiếp tục là những điểm tích cực trong phát triển kinh tế 9 tháng năm 2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế đã mất đà tăng trưởng đạt được trong nửa đầu năm 2021, kéo theo tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng không đạt kế hoạch. Độ bao phủ vắc-xin chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Do đó, cử tri và Nhân dân lo lắng việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội và tạo áp lực cho các năm tiếp theo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất bị đứt gãy. Mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” bên cạnh những mặt được mang lại cũng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội giá thành sản xuất; tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ thuật cao do làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn. Việc đề ra và triển khai thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thiếu kịp thời nên chưa giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; chi phí vận chuyển hàng hóa và giá vật tư tăng cao, đời sống của người nông dân gặp khó khăn nhưng vẫn chưa có chính sách ưu tiên, hỗ trợ thỏa đáng…Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp phải cần nhiều thời gian hơn và phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như sự quan tâm lãnh đạo, điều hành của các cơ quan chức năng và kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động…để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm tại các vùng nông thôn, miền núi.

4. Về các vấn đề xã hội

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là lao động trong các khu công nghiệp bị thất nghiệp, thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân sống trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, người lao động tự do... Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị đình trệ. Một bộ phận người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, tự rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể của chương trình giảm nghèo năm 2021 ở các địa phương gặp nhiều khó khăn… Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, lao động, việc làm, gói an sinh hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng; khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, động viên và nhân rộng các hoạt động thiện nguyện, qua đó giúp đỡ thiết thực người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao.

Cử tri và Nhân dân phản ánh, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, vẫn còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; thủ tục hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, bất cập, rườm rà dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ít, hiệu quả thấp; việc cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là tại các khu cách ly còn khó khăn do số lượng người cần hỗ trợ rất lớn; nhiều nơi nông dân khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm nhưng chưa được hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện an sinh xã hội để “trục lợi”, gây bức xúc cho người dân.

Cử tri và Nhân dân lo lắng về việc nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của dịch bệnh di chuyển về quê có thể gây nên bùng phát dịch bệnh lần thứ 5, tạo sự quá tải cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là các tỉnh khó khăn; về tình trạng không ít người dân có tâm lý hoang mang, lo ngại không dám đến bệnh viện khám, chữa bệnh do lo bị lây nhiễm dịch, dẫn đến bệnh trở nặng, khó điều trị; về tình trạng trẻ em mồ côi do COVID-19; về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; vấn đề học sinh bỏ học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh; vẫn còn tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn hoặc thiếu người trông coi trong quá trình học trực tuyến. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vẫn còn tình trạng ở một số địa phương có sự chênh lệch không bình thường giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ lớp 12; đề thi chưa có tính phân hóa cao, các trường đại học dùng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau và lại thiếu thông tin, hướng dẫn phù hợp nên dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, gây bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân rất bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam; tình trạng một số loại tội phạm như: sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả; buôn lậu; chống người thi hành công vụ; cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trên không gian mạng, các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội... gia tăng, diễn biến phức tạp.

5. Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, mặc dù đứng trước bộn bề những khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, củng cố vững chắc thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận những kết quả tích cực trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành có sự chủ động, kiên quyết hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chống tham nhũng, lực lượng vũ trang; việc thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực hơn.

Cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực nhằm ngăn ngừa tham nhũng, ngăn chặn và xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy định về công khai kết luận thanh tra của các cấp, bảo đảm thực hiện nghiêm túc trên thực tế; tăng cường giám sát, kiểm tra việc ban hành và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

6. Về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài

Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cử tri và Nhân dân hoan nghênh Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, triển khai kịp thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về giáo dục, y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thời, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ phù hợp, không để đồng bào dân tộc thiểu số bị thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh. Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với niềm vui mừng, phấn khởi, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về việc các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm, khả năng không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch năm 2021 đã được Quốc hội phê duyệt; mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện hơn, mang tính dài hạn hơn nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng của người dân tộc thiểu số, như: tạo việc làm, tăng thu nhập...để người dân tộc thiểu số có thể thoát nghèo bền vững; mong muốn cấp có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện Quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận thời gian qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tốt các nguồn lực của tôn giáo tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cử tri và Nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm có giải pháp và chính sách để phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo trong đời sống; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần củng cố vị thế ngày càng tăng của nước ta trên thế giới. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp bảo hộ công dân, thiết thực hỗ trợ và động viên kiều bào ta tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, tương thân, tương ái cùng nhau vượt qua khó khăn của đại dịch; tích cực vận động chính quyền các nước sở tại quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động xấu của đại dịch COVID-19. Phát huy truyền thống đoàn kết, đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng sát cánh, chia sẻ với đồng bào trong nước, đóng góp rất thiết thực và hiệu quả vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, trong đó có điều kiện về quốc tịch để bà con Việt kiều gắn bó hơn nữa với Tổ quốc; thúc đẩy thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 36/NQ-TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là trong công tác hỗ trợ cộng đồng nâng cao địa vị pháp lý, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và sớm triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Ngoài 06 nhóm vấn đề chủ yếu nêu trên, cử tri và Nhân dân còn có hàng trăm ý kiến, kiến nghị cụ thể liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành về lĩnh vực đất đai, môi trường; phòng chống thiên tai; dịch bệnh gia súc, gia cầm; kế hoạch, đầu tư, tài chính, giao thông, nông nghiệp, nông thôn, công thương, xây dựng, nội vụ, giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội… Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp, chuyển đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết để trả lời cử tri và Nhân dân theo quy định của pháp luật.

II. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền 05 kiến nghị sau:

1. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc-xin, nhất là vắc-xin cho người dưới 18 tuổi; tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, đời sống của Nhân dân; nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế. Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào Danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá. Quan tâm giải quyết các chính sách, giúp đỡ những người trở về quê từ vùng dịch sớm ổn định việc làm và đời sống. Đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học; có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, nhất là cho học sinh bậc tiểu học để bảo đảm chất lượng.

Kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; có chính sách bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp, từng bước giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân gắn với các khu công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.

2. Trong tình hình do thiệt hại lớn về dịch COVID-19 nên chưa thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm điều chỉnh, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, vì những người này đang hưởng mức lương thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

3. Đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách…; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

4. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là chủ chương trình khẩn trương hoàn thành các thủ tục hành chính để sớm triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của Nhân dân.

5. Đề nghị Đảng và Nhà nước sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu; tôn vinh, ghi nhận công lao của những đồng chí hy sinh, những người dân bị tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ cơ sở, tổ COVID cộng đồng, cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, những nhóm thiện nguyện có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.

Đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đối với những gia đình có người thân tử vong do dịch bệnh; xin chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân ở vùng phải phong toả, cách ly, giãn cách xã hội; xin tri ân công lao to lớn của các cán bộ, nhân viên ngành y tế, sỹ quan chiến sỹ công an, quân đội; tổ COVID cộng đồng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện, kiều bào ta ở nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở địa phương, cơ sở đã ngày đêm bám địa bàn, bám dân để phòng, chống dịch. Đồng bào, cử tri cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã đưa ra các quyết định rất sáng suốt, đúng đắn, kịp thời vào thời khắc cam go, khốc liệt, "sinh-tử" của cuộc chiến chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị đồng bào, cử tri cả nước tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi thiết tha của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; đồng lòng, chung sức thực hiện thật tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trước hết là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và thông báo việc tiếp thu, thực hiện cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.