Đẩy mạnh giám sát để giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở

(Mặt trận) - Sáng 15/4, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát (đợt 1) bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác bầu cử của UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành viên các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử của UBTƯ MTTQ Việt Nam và hơn 3.100 đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước.  

Giám sát chặt chẽ, tránh trùng lắp

Theo quy định của pháp luật, trong công tác bầu cử, MTTQ Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng như: Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.

Ông Ngô Sách Thực cho biết, đến thời điểm này, các công việc của bầu cử cũng như các công việc của MTTQ Việt Nam đã và đang được triển khai chủ động, tích cực. Công tác hướng dẫn và thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành kịp thời. Ngay sau Hội nghị triển khai công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn công tác bầu cử ngày 22/1/2021 với hơn 8.500 đại biểu tham dự tại 64 điểm cầu trên cả nước, Hội nghị tập huấn công tác giám sát bầu cử bầu cử ngày 23/2/2021 với hơn 7.600 đại biểu tham dự.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Ngô Sách Thực, thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam, với mục đích nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm  cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Quá trình giám sát phát huy tối đa vai trò của MTTQ Việt Nam, các thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử.

Vừa qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì tiến hành giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố. MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn quốc cũng đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực. Từ nội dung giám sát, ông Ngô Sách Thực cho rằng, kinh nghiệm bước đầu qua giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.

“Lịch công tác giám sát đợt 1 tiến hành ở 16 tỉnh, thành phố vừa qua của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã được sắp xếp để cơ bản không trùng với lịch các Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Qua giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế khiếu nại bầu cử”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh; đồng  thời lưu ý các địa phương tập trung sớm giải quyết các vướng mắc ở cơ sở ngay sau khi phát hiện, không nên để quá hạn, quá thời điểm, đặc biệt là những nội dung liên quan đến điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến nhằm phát huy ưu điểm, triển khai tốt hơn hoạt động giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tiếp theo. Với tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, nêu những điểm khó khăn, bất cập trong triển khai các nội dung về công tác bầu cử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiếp tục triển khai 5 Đoàn giám sát tại 18 tỉnh, thành phố trong đợt hai

Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát (đợt 1) công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nội dung giám sát tập trung vào việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; việc thực hiện các quy định về hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; việc lập, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử; việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử; công tác tuyên truyền về bầu cử; kết quả kiểm tra, giám sát bầu cử.

Theo đó, công tác chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 16 tỉnh được triển khai khẩn trương, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai, đúng luật. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Việc xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; phát huy tốt hình thức Hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập đúng quy định; việc lập hồ sơ, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử đảm bảo đúng thời gian; công tác tuyên truyền bầu cử được quan tâm triển khai tích cực, hiệu quả và có nhiều điểm mới, sáng tạo.

Do công tác bầu cử diễn ra ngay sau Đại hội Đảng các cấp, các chức danh Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp mới được chỉ đạo kiện toàn xong, vì vậy việc tổ chức xây dựng cơ cấu, thành phần đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 rất thuận lợi. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được giữ vững; vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong tham gia cuộc bầu cử được thể hiện rõ nét. Vấn đề người tự ứng cử ở các địa phương không nhiều và được ứng xử dân chủ, bình đẳng, theo đúng quy định pháp luật về bầu cử.

Để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, các tỉnh đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra, giám sát. Tại các buổi làm việc, thành viên Đoàn và đại diện các địa phương trao đổi cở mở, thẳng thắn; giải đáp, làm rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai tổ chức bầu cử, bảo đảm linh hoạt, phù hợp, đúng quy định của pháp luật về bầu cử.

Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra, giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận một số hạn chế, vướng mắc như vấn đề cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp mới được kiện toàn sau sáp nhập xã, sáp nhập khu dân cư (nhất là sau Đại hội Đảng) chưa có kinh nghiệm tham gia công tác bầu cử nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác bầu cử, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng tham mưu trong công tác bầu cử, đặc biệt là tại các khu dân cư. Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử của trung ương xuống tới địa phương còn chậm. Một số tỉnh phát triển, có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất; dân nhập cư, người lao động và công nhân đông, gây khó khăn cho việc rà soát lập danh sách cử tri...

Dự kiến, đợt giám sát thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 20/4 - 22/5/2021, với việc triển khai 5 Đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.