Vĩnh Phúc: Hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền

(Mặt trận) - Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã tạo điều kiện để các tổ chức và nhân dân phát huy quyền làm chủ, phát hiện chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực thi chính sách.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo Đề án và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”. Ảnh MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc. 

Mối quan hệ với các cấp, các ngành và nhân dân ngày càng được gắn bó, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao vai trò của MTTQ qua hoạt động giám sát

Từ năm 2017 đến nay, MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì tổ chức 16 cuộc giám sát, phối hợp tham gia 164 cuộc giám sát về thực hiện chính sách pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì tổ chức giám sát ở một số nội dung như: về việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng Nông thôn mới. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy định 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị về Đảng viên thường xuyên giữ mối quan hệ với Chi ủy, Đảng ủy cơ sở nơi cư trú; Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và việc triển khai Nghị quyết TW4 (khóa XI) của Đảng; Về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện...

Năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức khảo sát và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2017/NĐ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội ở cấp thôn, tổ dân phố ở tất cả các huyện, thành phố; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại các huyện, thành phố.

Năm 2021, giám sát việc triển khai, thực hiện công tác bầu cử ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ngành liên quan tham gia 40 cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường; Về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Về tình hình trả nợ xây dựng cơ bản; giải quyết kiến nghị của cử tri; việc thi hành án hình sự, án dân sự và tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid...

Đối với cấp huyện, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã thành lập, chủ trì 122 cuộc giám sát, phối hợp tham gia giám sát 205 cuộc; Các lĩnh vực giám sát đều được lựa chọn từ những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng, địa điểm, thời gian giám sát.

Điển hình như: tổ chức giám sát kế hoạch tuyển gọi công dân nhập ngũ, giám sát việc quản lý và sử dụng Quỹ “Ngày vì người nghèo”; Quỹ “cứu trợ”; việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Giám sát việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; giám sát việc tiếp nhận, trả lời, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các xã, thị trấn...

Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ cấp xã đã chủ trì giám sát 1.217 cuộc, trong đó chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Giám sát xây dựng các hạng mục xây dựng nông thôn mới, giám sát việc vận động xã hội hóa của các trường tiểu học, mầm non; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cộng đồng; giám sát hoạt động vay vốn tín dụng của các tổ chức được Ngân hàng chính sách huyện ủy thác, giám sát kết quả thực hiện chính sách người có công...

Tăng cường đồng thuận xã hội

Về phản biện xã hội, MTTQ các cấp trong tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân.

Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì tổ chức 17 hội nghị phản biện xã hội, phản biện hình thức gửi dự thảo văn bản 85; Ủy ban MTTQ cấp huyện 79 hội nghị, phản biện hình thức gửi dự thảo văn bản 110; cấp xã 510 hội nghị, phản biện hình thức gửi dự thảo văn bản 296.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, trong quá trình triển khai các nội dung giám sát, phản biện đã huy động được sự tham gia của các ngành liên quan. Qua đó, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của địa phương được đông đảo các tầng lớp nhân dân theo dõi và đồng tình ủng hộ quá trình triển khai các hoạt động giám sát của MTTQ.

Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp đã tạo điều kiện để các tổ chức và nhân dân phát huy quyền làm chủ, theo dõi, phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực thi chính sách.

Sau mỗi chương trình giám sát, các đoàn giám sát đều chủ động ban hành Thông báo kết quả giám sát theo quy định, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Mối quan hệ với các cấp, các ngành và nhân dân ngày càng được gắn bó, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc xác định, đẩy mạnh giám sát, phản biện gắn với việc phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nội dung giám sát và phải biện xã hội phải đảm bảo phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên và điều kiện thực tế ở mỗi cấp, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đông đảo người dân quan tâm, trong đó có sự phân công, phối hợp giữa MTTQ với HĐND và các đoàn thể cùng cấp để tránh chồng chéo.

Định kỳ sơ kết, tổng kết nhằm nhân rộng các cách làm tốt, rút kinh nghiệm cách làm chưa hiệu quả, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả, thiết thực.