Vì sao nhiều bạn trẻ ngại vào Đảng?

Một bộ phận thanh niên hiện nay ngại vào Đảng, công tác phát triển đảng viên tại các tỉnh miền Trung gặp không ít khó khăn.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, số lượng đảng viên kết nạp năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2017, 12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ kết nạp hơn 35.000 đảng viên, giảm hơn 2.900 người so với năm 2016. Có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Đáng lo ngại là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, ngại vào Đảng.

Một bộ phận thế hệ trẻ ngại vào Đảng

Hai anh em Hồ Tấn Phương và Hồ Việt Phương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thành phố Đà Nẵng, bố mẹ đều là đảng viên. Ông bà nội, ngoại cũng là những đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng. Hai anh em chưa qua tuổi 30, rất giỏi chuyên môn được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp đánh giá cao nhưng cả 2 còn ngại vào Đảng.

Hồ Tấn Phương chia sẻ: “Việc vào Đảng hay không bản thân tôi chưa nghĩ tới. Nếu tôi vào Đảng thì cũng chẳng tạo ra điểm khác biệt gì”.

Lễ kết nạp đảng viên mới.

Chuyện các bạn trẻ ngại vào Đảng như hai anh em Hồ Tấn Phương đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương. Bạn Phan Thị Hường nhiều năm làm Bí thư Chi đoàn ở một khu dân cư tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, hoạt động khá năng nổ nhưng khi được chi bộ đưa vào nguồn xem xét kết nạp thì Hường vẫn chưa nghĩ đến việc vào Đảng. Phan Thị Hường bày tỏ: “Nếu vào được thì mình phải làm cho xứng đáng với Đảng, còn không làm được thì đừng có nên vào Đảng”.

Những năm gần đây, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, thiếu gương mẫu, chưa gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Chưa bao giờ trong lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, cả tập thể Ban Thường vụ Thành ủy bị kỷ luật cảnh cáo; Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố cũng phải thi hành kỷ luật như vừa qua. Có cán bộ lãnh đạo cao nhất của thành phố này từng là “thần tượng” của giới trẻ, được đề nghị phong tặng anh hùng, đặt tên đường, tên cầu... nay bị sụp đổ sau hàng loạt vụ án lớn, bê bối liên quan đến những cán bộ chủ chốt thời kỳ ấy.

Một “thành phố đáng sống” xót xa khi thấy các cựu Chủ tịch UBND thành phố này vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt giam; hàng loạt cán bộ chủ chốt lần lượt sa vào vòng lao lý. Nhìn rộng ra, cựu Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị vào tù. Chỉ trong vòng 5 tháng của năm 2018, cả chục tướng lĩnh Công an, Quân đội bị bắt giam, cách hết các chức vụ trong Đảng hoặc xem xét kỷ luật…

Những yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng lộ diện. Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, đội ngũ đảng viên hiện nay đông nhưng chưa mạnh; việc xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm đã góp phần lấy lại niềm tin trong nhân dân nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng tiêu cực trong sự nhìn nhận của giới trẻ đối với Đảng.

Ông chia sẻ: “Bây giờ lớp trẻ nhìn vào đội ngũ cán bộ, bộ máy chúng ta, có những cán bộ, đảng viên, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Trong tất cả những đối tượng thất hứa đối với nhân dân, ai thất hứa nhiều nhất?. Bộ máy của chúng ta thất hứa nhiều nhất. Lớp trẻ cảm thấy chán”.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho rằng, không chỉ một số cán bộ giữ vị trí lãnh đạo có biểu hiện suy thoái mà tình trạng đảng viên ở cơ sở không nêu gương tốt cũng khiến nhiều thanh niên ngại vào Đảng. Trong khi đó, không ít thanh niên ưu tú khi được xem xét kết nạp thì lại vướng quy định về địa bàn cư trú hoặc không đảm bảo yếu tố lịch sử chính trị.

Hình thức sinh hoạt chi bộ còn đơn điệu, nghèo nàn

Anh Phan Xuân S. (quê huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau khi tốt nghiệp Đại học trở về quê công tác. Là người giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm giải quyết tốt công việc, anh luôn được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp quý mến. Trong quá trình thẩm tra, xác minh lý lịch của anh để kết nạp Đảng, chi bộ địa phương cho rằng cha anh đi lính chế độ cũ, có thời gian làm việc không rõ ràng. Thế là nhiều năm nay, không ai nhắc lại việc kết nạp Đảng đối với trường hợp này.

Anh Phan Xuân S. mong muốn việc xem xét kết nạp Đảng cần mở rộng và chấp thuận những người có năng lực, có tâm huyết cống hiến chứ không quá nặng về lý lịch mà mất đi những cán bộ có năng lực.

Ông Đặng Văn Hà, Bí thư Đảng uỷ xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thừa nhận, hiện nay việc kết nạp đảng viên còn chạy theo số lượng, chưa chú ý nâng cao chất lượng. Nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ cũng nghèo nàn, đơn điệu, thậm chí nặng nề đang làm nhiều đảng viên trẻ nản lòng.

Theo ông Đặng Văn Hà, nếu chi bộ cứ “đến hẹn lại lên” họp định kỳ phổ biến nghị quyết, chủ trương rồi kiểm điểm, phê bình, đánh giá, xếp loại thì không có sức hút đối với đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ.

“Sinh hoạt ở chi bộ, ở cơ sở không có sức lôi cuốn cho nên đảng viên bị nhàm chán. Ví dụ như tới kỳ đi sinh hoạt thì đảng viên trẻ tới họp cũng ngồi im, người chủ trì muốn nói gì thì nói” – ông Đặng Văn Hà nêu rõ.

Có một thực tế đáng lo ngại là đảng viên bỏ sinh hoạt nhiều lần dẫn đến phải xoá tên đảng viên đã gây nhiều khó khăn đối với các cấp uỷ. Tỉnh Bình Định mỗi năm có từ 50 đến 60 trường hợp không sinh hoạt Đảng, chủ yếu là đảng viên bộ đội xuất ngũ về địa phương không có việc làm phải đi làm ăn xa, không tham gia sinh hoạt định kỳ. Một số đảng viên tự viết đơn xin ra khỏi Đảng. Đấy là những trường hợp xét thấy mình không thể đóng góp được gì cho Đảng nên tự nguyện xin ra, cũng là chuyện bình thường. Nhưng dưới góc độ của người làm công tác Đảng ở cơ sở, ông Lương Văn Minh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam rất bất ngờ khi cùng lúc tiếp nhận 3 lá đơn xin ra khỏi Đảng của 3 quân nhân xuất ngũ là con em địa phương.

Trăn trở về những trường hợp xin ra khỏi Đảng, ông Minh đặt câu hỏi: có nên biểu quyết không? “Cấp ủy vẫn còn có trách nhiệm để giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong của một người đảng viên. Làm thế nào sống trong cộng đồng, trong việc ứng xử của người đảng viên, người ta nhìn vào cảm thấy phục ở trong tâm chứ không phải phục bên ngoài” – ông Minh cho biết.

Thực tế cho thấy, Đảng luôn quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Nhìn chung, đội ngũ đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng; có đạo đức, lối sống giản dị; có ý thức tổ chức kỷ luật; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhưng cũng bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Thực tế này khiến nhiều bạn trẻ ngại vào Đảng, công tác phát triển đảng viên tại các tỉnh miền Trung gặp không ít khó khăn.