Vai trò giám sát của Mặt trận đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, cần hoàn thiện cơ chế giám sát thật cụ thể, chú trọng việc giám sát cả ở nơi làm việc và nơi cư trú, những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; làm rõ cơ chế, cách thức triển khai việc giám sát, triển khai đồng bộ giữa kiểm tra Đảng và thanh tra của cơ quan Nhà nước.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Đoàn giám sát Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 10/2017.

Giám sát là một công cụ xã hội để người dân thực hiện vai trò làm chủ của mình. Hoạt động này nếu được thực hiện tốt, sẽ có tác dụng lớn đối với việc xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị, phát huy bản chất dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố nền tảng chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/NĐ-CP (ngày 11/5/1998), Nghị định số 79/2003/NĐ-CP (ngày 20/4/2007), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, các cấp ở địa phương đều tích cực tham gia vào công tác triển khai, thực hiện quy chế dân chủ, từ khâu tham gia xây dựng kế hoạch triển khai, tham dự các hội nghị triển khai, các lớp tập huấn, công tác tổ chức tuyên truyền, học tập trong nhân dân, chỉ đạo điểm và triển khai ra diện rộng. Đặc biệt là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do Hội đồng nhân dân bầu (theo Nghị định 79 của Chính phủ) và sau này là lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (theo Pháp lệnh 34 của Quốc hội) đã được hầu hết Mặt trận cơ sở triển khai thực hiện và được coi là công tác trọng tâm của Mặt trận các cấp trong giám sát cán bộ, đảng viên ở các khu dân cư. Ở cơ sở, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng Quy chế phối hợp trong việc thực hiện quy chế dân chủ; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, các Ban Công tác Mặt trận để các ban này tham gia tích cực vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc ở nhiều địa phương đã tăng cường chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc sử dụng đất đai, nhà cửa, nguồn vốn...; phối hợp với các đoàn thể quần chúng huy động nhân dân tham gia công tác giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. 

 Trong công tác giám sát của Mặt trận đối với cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, trên cơ sở thực hiện Thông báo số 161 - TB/TW ngày 16/11/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), ngày 21/4/2006, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQCT-CP-UBTW MTTQVN ban hành "Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư". Quy chế này quy định hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cán bộ, công chức, đảng viên cư trú, làm việc ở xã, phường, thị trấn và những cá nhân tuy ở nơi khác nhưng công tác trên địa bàn dân cư; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã, tập trung vào những tổ chức thường xuyên tiếp xúc với dân, phụ trách những việc liên quan đến quyền lợi của người dân. Nguyên tắc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan nhà nước. Quá trình hoạt động giám sát không làm cản trở công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân và gia đình cán bộ, công chức, đảng viên. Hoạt động giám sát phải bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát được quy định như sau: Người đứng đầu các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiếp nhận đơn giám sát, ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, hội viên, đoàn viên. Sau đó phân loại, lựa chọn các sự việc có nội dung và địa chỉ rõ ràng gửi Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã; đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã tiếp nhận đơn giám sát, ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, người đứng đầu tổ chức thành viên, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổng hợp đơn giám sát ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, của các tổ chức thành viên, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân để xử lý. Việc xử lý ý kiến, đơn giám sát theo trình tự: Lựa chọn những ý kiến phát hiện, đơn giám sát có nội dung, địa chỉ rõ ràng, báo cáo với Thường vụ Đảng ủy cấp xã trước khi chuyển đơn giám sát và kiến nghị đến tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết và trả lời Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Khi cần thiết, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã thành lập tổ giám sát. Nội dung giám sát, thành phần tổ giám sát, kế hoạch giám sát do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã quyết định sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Nội dung giám sát là phát hiện, kiến nghị xử lý cá nhân có hành vi vi phạm. Quy chế được áp dụng ở một số xã, phường, thị trấn tại 5 tỉnh, thành phố là: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang.  

Trong quá trình thực hiện triển khai Quy chế, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quan tâm đến việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn chuyên sâu cả về nội dung và cách thức thực hiện đến cán bộ chuyên trách làm công tác Mặt trận tại các địa phương. Qua 4 năm triển khai thực hiện, 5 tỉnh, thành phố làm điểm đã nhận được 3.123 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, trong đó tỉnh Quảng Bình nhận được 484 đơn thư và ý kiến phản ánh, kiến nghị; thành phố Hà Nội nhận được 1.292 đơn thư và ý kiến, kiến nghị; tỉnh Tiền Giang nhận được 616 đơn và ý kiến, kiến nghị; tỉnh Ninh Bình nhận được 449 đơn thư và ý kiến phản ánh; Thành phố Hồ Chí Minh nhận được 282 đơn và ý kiến, kiến nghị. Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng; trong quản lý xây dựng, về môi trường; chính sách xã hội, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, biểu hiện tham nhũng, số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân, vi phạm trách nhiệm công vụ và cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong số đơn thư giám sát của nhân dân gửi đến Mặt trận, số đơn không có chữ ký và địa chỉ không rõ ràng của người gửi khá nhiều. Tỉnh Quảng Bình có tới 55 đơn không ký tên; Thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng số 91 đơn gửi vào hộp thư giám sát có 24 đơn không kí tên; thành phố Hà Nội trong tổng số 1.038 vụ việc theo đơn, thư thì có 88 vụ nội dung không đúng sự thực…

Thành phố Hà Nội, đến hết tháng 5 năm 2010, đã giải quyết được 1.023 vụ việc; cơ quan có thẩm quyền xử lý cách chức giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng vì vi phạm trật tự xây dựng đô thị, bãi nhiệm 1 phó công an xã; tỉnh Tiền Giang, trong tổng số 380 đơn và ý kiến phản ánh đã giải quyết được 366 vụ việc; tỉnh Quảng Bình, cơ quan có thẩm quyền đã khiển trách 3 đảng viên, cảnh cáo 2 đảng viên, khai trừ khỏi Đảng 1 đảng viên, cách chức 1 hiệu trưởng, bãi nhiệm 1 trưởng thôn, thu hồi 19.929.500 đồng chi sai nguyên tắc; Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý cảnh cáo chuyển công tác khác 3 cán bộ, đình chỉ công tác 1 cán bộ, khai trừ khỏi Đảng 1 đảng viên, buộc thôi việc 1 nhân viên địa chính, kỷ luật 1 Chủ tịch Ủy ban nhân dân, buộc thôi việc 7 cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu đòi tiền người dân và kỷ luật khiển trách, cảnh cáo với 13 cán bộ có sai phạm, 12 trường hợp cán bộ, đảng viên được nhắc nhở nhận khuyết điểm và sửa chữa về phong cách, lối sống; tỉnh Ninh Bình, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật 3 cán bộ thuế, trong đó buộc thôi việc 2 người, kỷ luật 1 người, thu hồi 8.830.000 đồng; buộc thôi việc, cảnh cáo đảng viên đối với 1 cán bộ địa chính xã; tỉnh Tiền Giang, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 13 trường hợp, trong đó buộc thôi việc 4 cán bộ, công chức, chuyển 1 trường hợp đến cơ quan điều tra… Qua thực tế triển khai thực hiện Quy chế, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội - chính trị đã có tiến bộ, thể hiện từng bước sự giám sát mang tính nhân dân, bước đầu hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác giám sát xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tài sản, thu nhập, hành vi của cán bộ, đảng viên còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như:

+ Đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở có trình độ và năng lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công việc; Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư nhiều nơi chưa được củng cố, kiện toàn; cán bộ một số nơi còn có thái độ nể nang, e ngại nên chưa mạnh dạn thực hiện giám sát, kiến nghị.

+ Sự phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận, các tổ chức thành viên còn hạn chế, việc tuyên truyền còn hình thức và một chiều; các cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp của Trung ương, tỉnh, huyện đóng trên địa bàn cấp xã và đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76 của Bộ Chính trị chưa được quán triệt chủ trương giám sát của Mặt trận, nên trong quá trình giám sát của Mặt trận còn gặp khó khăn.

+ Kinh phí hỗ trợ cho giám sát chưa được quy định cụ thể. Quá trình tổ chức thực hiện Quy chế chủ trương thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố sau khi tổng kết đến nay, Trung ương chưa có chỉ đạo về việc có hay không tiếp tục thực hiện triển khai nhiệm vụ này.

+ Việc kê khai tài sản, thu nhập của người phải kê khai chỉ dựa vào sự trung thực của người kê khai, việc quản lý bản kê khai cũng như khả năng giám sát tính trung thực của việc kê khai khó thực hiện được.

Để công tác giám sát xã hội của Mặt trận đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện hiệu quả cần phải hoàn thiện cơ chế giám sát thật cụ thể, rà soát các quy định về phạm vi, đối tượng giám sát tại Quy định này để tránh bỏ sót và bị trùng lặp với các quy định về hình thức giám sát tại Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cần kết hợp giám sát cả nơi làm việc và nơi cư trú. Sau giám sát, văn bản kiến nghị được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ thể giám sát cũng như trách nhiệm của đối tượng giám sát. Việc quy định triển khai hoạt động giám sát cần chú ý đến nguồn lực và nhân lực hiện nay còn rất hạn chế để đảm bảo việc giám sát của chủ thể giám sát. Đồng thời, quy định về trách nhiệm của cơ quan, cá nhân sau khi thực hiện giám sát, trách nhiệm của cơ quan, quản lý, của cấp trên trực tiếp của cá nhân được giám sát trong một thời gian nhất định phải trả lời bằng văn bản các kiến nghị của chủ thể giám sát.

Vương Văn Nam* - Khuất Thị Phong**

* Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, UBTƯ MTTQ Việt Nam

** Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang