Phát huy vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

(Mặt trận) - Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khuyến khích và phát huy được quyền làm chủ, sự tham gia và trí tuệ của các tầng lớp phụ nữ. Những kết quả đó đã tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hành quyền dân chủ, tham gia tích cực hơn vào việc thực thi và xây dựng chính sách, pháp luật, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên

Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tại Chương trình gặp mặt, tri ân Chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

MTTQ Văn Lâm tổ chức Đại hội điểm, cấp huyện đầu tiên tại Hưng Yên

 Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam và Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 và giao lưu giữa các nhà khoa học với nữ sinh viên, tháng 3/2019.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Với gần 17 triệu hội viên1, có hệ thống tổ chức Hội 4 cấp và mạng lưới các chi, tổ ở tất cả các xã, thôn, bản trên cả nước, có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và có kinh nghiệm trong các hoạt động phát triển cộng đồng. Mạng lưới hội viên phụ nữ rộng lớn của Hội là lực lượng mạnh mẽ góp phần không nhỏ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, Hội đã tích cực, chủ động và trách nhiệm trong thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc2.

Triển khai có hiệu quả Quy chế Giám sát và phản biện xã hội là một trong nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội đã cụ thể hoá thành chương trình hành động, kế hoạch hoạt động từng năm và chỉ tiêu thi đua trong hệ thống Hội. Trong 5 năm qua, Trung ương Hội đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW và Quyết định số 217-QĐ/TW; tổ chức 1.850 hội nghị quán triệt, triển khai, tập huấn cho 73.949 lượt cán bộ Hội các cấp; phát hành 4 đầu sách với 17.518 cuốn làm tài liệu hướng dẫn hoạt động này cho cán bộ Hội cơ sở.

Những kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội thời gian qua

Một là, tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã nâng cao nhận thức, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Hai là, những phát hiện, kiến nghị của Hội qua giám sát và phản biện xã hội, đối thoại với cấp ủy, chính quyền góp phần bổ sung và từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới… đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

Từ năm 2014 - 2018, các cấp Hội đã chủ trì 15.415 cuộc giám sát chuyên đề, nghiên cứu, góp ý 25.798 văn bản; tham gia 55.679 đoàn giám sát, khảo sát của cấp uỷ Đảng các cấp, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tham gia 24.200 cuộc giám sát của Ban Thanh tra nhân dân; 25.432 cuộc giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng; các cấp Hội đã tổ chức 21.832 hội nghị góp ý phản biện, đã có 37.970 văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền; đã tham mưu đề xuất thành công 119 chính sách, nội dung liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và tổ chức Hội.

Ba là, thông qua các kiến nghị, đề xuất chính sách và giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ và ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội. Trình độ, năng lực, bản lĩnh của cán bộ Hội các cấp được nâng lên.

Bốn là, xuất hiện nhiều điển hình tốt, cách làm hay, sáng kiến mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ các cấp Hội, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; sự gắn bó giữa Đảng và nhân dân; đóng góp vào quá trình phát huy dân chủ xã hội, cụ thể hoá phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp Hội và hội viên phụ nữ còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện hai quyết định ở các cấp Hội chưa đồng bộ; cấp cơ sở còn lúng túng và còn tư tưởng ngại va chạm, chưa mạnh dạn, nhất là việc thực hiện giám sát đối với tổ chức Đảng, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; chưa có nhiều phát hiện sau giám sát, mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến, kiến nghị. Nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, do đó, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phần lớn chưa tổ chức đối thoại giữa chủ thể giám sát với đối tượng giám sát để làm rõ nội dung giám sát.

Việc nghiên cứu chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn của Hội để tham gia góp ý, phản biện xã hội trong xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới còn bị động, chưa kịp thời, thiếu tính dự báo nên kết quả đề xuất phản biện chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số kinh nghiệm trong phát huy vai trò các cấp Hội và hội viên phụ nữ tham gia giám sát và phản biện xã hội

Thứ nhất, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy là yếu tố đầu tiên, quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Thứ hai, để hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đi vào thực chất, các cấp Hội cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát và phản biện xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ.

Thứ ba, nâng cao năng lực và rèn luyện bản lĩnh cán bộ là nhân tố quyết định chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cán bộ Hội các cấp cần có kiến thức, hiểu biết sâu về lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội và có bản lĩnh để lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Thứ tư, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp là rất cần thiết nhất là với những vấn đề quan trọng, được đông đảo người dân quan tâm, hoặc những vấn đề liên quan đến giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

Một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Một là, cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW, Quyết định số 99-QĐ/TW và Quy định số 124-QĐ/TW. Tăng cường kiểm tra thực hiện các quyết định trên và đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng; chỉ đạo các ngành liên quan kịp thời, trách nhiệm trong việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất các vấn đề được phát hiện qua giám sát.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chú trọng tính công khai, minh bạch, dân chủ, đối thoại, giải trình trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, hoạt động quản lý của Nhà nước các cấp.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội cần góp ý bằng văn bản mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp triển khai hiệu quả quy định về giám sát và phản biện xã hội, quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội đối với những vấn đề nóng, những vấn đề thời sự liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, nhân dân.

Bốn là, cần chú trọng đầu tư cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo, phát huy, thu hút sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, tư vấn làm cơ sở cho giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc triển khai và thực hiện có hiệu quả Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chính là góp phần đẩy mạnh dân chủ trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ và thực sự là tiếng nói đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.

Bùi Thị Hòa

TS, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Chú thích:

1. Theo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

2. Quy chế số 07/QC-MTTW-ĐCT, ngày 14/4/2014 quy định về Quy chế phối hợp và thống nhất hành động của các Tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chương trình phối hợp hàng năm.

3. Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.