“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”

Đừng vì danh mà đánh mất đi những gì cao quý nhất trong mỗi con người, đó là lòng tự trọng. Người lãnh đạo biết hy sinh quyền lợi bản thân vì cái chung, vì quyền lợi của anh em thì uy tín của họ càng cao, anh em càng quý trọng và nể phục. Đấy mới là danh hiệu cao quý nhất, danh hiệu sống mãi trong lòng dân.

Sóc Trăng trao 120 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La lần thứ hai, khóa XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 3, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

 Ảnh minh họa - Nguồn: giaoduc.net.vn

Đến hẹn lại lên, cứ cuối năm là các cơ quan, đơn vị tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả công tác của năm, đề ra phương hướng, kế hoạch cho năm tiếp theo. Bao giờ cũng vậy, phần không thể thiếu và được mọi người háo hức mong chờ là tôn vinh các danh hiệu thi đua. Đi kèm với bằng khen, giấy khen là chút phần thưởng, động viên, khuyến khích vật chất.

Thi đua, khen thưởng là nhằm tạo động lực lôi cuốn, khuyến khích mọi người vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có sự kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích vật chất. Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào, hơn thế nữa, còn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ…

Tuy nhiên, tổng kết cuối năm ở không ít cơ quan, khi danh sách các cá nhân được xướng lên thường nổi lên những tiếng xì xào: “toàn thấy lãnh đạo nhỉ? nhân viên sao ít thế?”. Trên bục vinh danh đa số là lãnh đạo, tìm mãi mới thấy nhân viên… “Đúng là danh hiệu thì từ trên xuống, cuốc xẻng thì từ dưới lên”, “Lãnh đạo toàn xuất sắc thế thì từ năm sau để lãnh đạo làm hết một thể, lĩnh thưởng luôn, cần gì anh em nữa” - lại có những tiếng xì xào. Nghe xong những câu này, nhiều người giật mình, không khỏi e ngại.

Đành rằng vai trò lãnh đạo là rất quan trọng, nhưng nếu chỉ có toàn lãnh đạo nhận khen thưởng thì đúng là anh em thực sự ngậm ngùi và chưa “tâm phục, khẩu phục”, bởi lãnh đạo hưởng đãi ngộ cao thì đòi hỏi phải cao, thành tích phải thực sự xứng đáng và thuyết phục. Người lãnh đạo, cùng trách nhiệm với công việc thì cũng đã có những đãi ngộ vượt trội, đòi hỏi phải có đóng góp tương xứng. Còn với người lao động, những lời khen và danh hiệu thi đua là nguồn động viên rất lớn, ghi nhận những nỗ lực mà họ phấn đấu trong suốt một năm trời. Đó cũng là sự nhìn nhận, đánh giá của lãnh đạo và tôn vinh của đồng nghiệp đối với họ.

Hiện tượng “thành tích thì lãnh đạo hưởng, khuyết điểm thì tại nhân viên” ngày càng trở nên phổ biến, và có phần không bình thường, bởi trong số những lãnh đạo đó không phải ai cũng xứng đáng. Bởi lẽ, nếu lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài thành tích chung thì đơn vị còn phải đoàn kết, không để xảy ra tình trạng cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hay công tác luân chuyển, lựa chọn, cất nhắc cán bộ phải đúng người, đúng việc... Sự vinh danh không thuyết phục chính là một trong những nguyên nhân làm giảm đi tâm huyết, sự cố gắng phấn đấu và năng lực làm việc của cán bộ, nhân viên.

Lại có ý kiến cho rằng tất cả đều đúng với “quy trình”, “quy định”, rằng lãnh đạo cũng được anh em bầu bán từ cơ sở, không có ý kiến phản đối?. Thực tế, đâu có đơn giản thế!!! Nhiều lãnh đạo chỉ lo vun vén bản thân, “trang bị” đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để nhận danh hiệu mà quên đi những nhân viên dưới quyền; khi bầu chọn đã có sự “định hướng”, “gà bài” thậm chí là xin xỏ… để cuối cùng có người giới thiệu để đưa ra bầu với lý do rất thuyết phục “lãnh đạo là bộ mặt” của đơn vị!!! Nếu lãnh đạo không có danh hiệu thi đua thì người ta đánh giá thế nào về đơn vị!? Thôi thì muôn vàn lý do rất chi là xác đáng!!! Cán bộ dưới quyền thì e ngại, thấy sai, thấy chưa thuyết phục cũng không dám đấu tranh vì sợ bị “trù”, chọn dĩ hòa vi quý, ậm ừ cho qua chuyện.

Tưởng như mọi chuyện êm đẹp, câu chuyện danh hiệu thi đua cứ thế trôi đi. Tuy nhiên, dần dà, một tâm trạng bất mãn, tư tưởng làm cho xong, tội gì phấn đấu, có cố gắng cũng chỉ đến thế thôi, bắt đầu len lỏi, ăn sâu bám rễ vào một số người. Nhìn qua thì thấy bình an, nội bộ đoàn kết, không có vấn đề gì, nhưng thực chất một “làn sóng ngầm” đã xuất hiện, lan dần và có nguy cơ trồi lên lúc nào không biết. Câu chuyện thi đua tưởng chừng nho nhỏ vậy thôi nhưng nếu cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác thì e rằng sẽ không hề nhỏ chút nào.

Đành rằng, ai chẳng thích được khen, được hưởng danh lợi, là lãnh đạo ai cũng muốn được cấp dưới tôn vinh, ngưỡng mộ… Nhưng mọi danh hiệu đều phải xuất phát từ kết quả lao động, từ sự cống hiến xứng đáng, được những người xung quanh đánh giá, nhìn nhận và tôn vinh. Còn nếu chỉ là danh hiệu “hờ” do mình tự “giành lấy” mà không được quần chúng chấp nhận, nể phục, tôn vinh, thì đó chỉ là thứ trang trí phù phiếm mà thôi!

Là người lãnh đạo, nếu không tỉnh táo, không kiềm chế được cái tôi bản thân, không biết nhìn ra xung quanh mà chỉ lo vun vén cho cá nhân, thì sớm hay muộn, uy tín cũng sẽ bị giảm sút. Và điều gì đến rồi cũng sẽ phải đến. Người xưa đã có câu “tức nước vỡ bờ”, những bức xúc, tâm tư dồn nén, tích tụ cũng đến lúc bùng phát, gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức, đến công việc chung.

Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải biết thấm nhuần lời dạy của Bác, phải chí công vô tư, "khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau", "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".

Đối với công tác thi đua khen thưởng, để có cơ sở chặt chẽ trong công tác bình bầu danh hiệu cuối năm, thiết nghĩ cần có sự tính toán lại quy chế thi đua cho phù hợp hơn. Ví dụ: cần phân định rõ giành bao nhiêu phần trăm cho các vị trí lãnh đạo, bao nhiêu phần trăm cho cán bộ, nhân viên. Có như vậy mới động viên, khuyến khích và phát huy tối đa tinh thần làm việc hăng say, sáng tạo và thi đua của quần chúng. Và những người được tôn vinh cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện ngẩng cao đầu trước anh em, đồng nghiệp. Hội đồng Thi đua khen thưởng mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần có sự nhìn nhận đánh giá đúng người, đúng việc, bởi trong thực tế có những người âm thầm làm việc, cống hiến, không màng danh lợi, hoặc như đã nói ở trên, để “giữ bộ mặt cơ quan” nên “nhường” cho lãnh đạo, thì cũng nên có sự ghi nhận, động viên xứng đáng, qua đó bảo đảm mục tiêu động viên, khuyến khích của thi đua.

Đừng vì danh mà đánh mất đi những gì cao quý nhất trong mỗi con người, đó là lòng tự trọng. Người lãnh đạo biết hy sinh quyền lợi bản thân vì cái chung, vì quyền lợi của anh em thì uy tín của họ càng cao, anh em càng quý trọng và nể phục. Đấy mới là danh hiệu cao quý nhất, danh hiệu sống mãi trong lòng dân.