Khi cán bộ “ngao du” bằng tiền doanh nghiệp

Sự nguy hiểm của những ‘viên đạn bọc đường” khiến nhiều cán bộ gục ngã, cũng có khi bởi những chuyến “ngao du” như thế!

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Mấy ngày qua, dư luận ngỡ ngàng khi Giám đốc Công an một địa phương, ngay trước thời điểm nghỉ hưu, được doanh nghiệp tài trợ ra nước ngoài để “tham quan, tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển”. Cùng thời điểm đó, một đoàn cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường một địa phương khác lại được doanh nghiệp lớn trên địa bàn “rộng lòng” miễn phí một chuyến du lịch qua mấy nước châu Âu, “sau một năm công tác, làm việc vất vả”!

 Cán bộ khó "từ chối" các chuyến ngao du nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ. (Ảnh minh họa -Dân trí).

Cuộc ngao du nào cũng có lý do và những cán bộ kể trên cũng khó lòng từ chối sự “hảo tâm” từ phía doanh nghiệp. Đi du lịch nước ngoài miễn phí, ngân sách nhà nước không bị hao hụt, có chăng là cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho “anh em” về mặt thời gian. Nghe thoáng qua thì dường như “chả thấy ảnh hưởng gì” nhưng tại sao dư luận lại “ngỡ ngàng”, thậm chí bức xúc?

Trước hết, họ “ngỡ ngàng” không phải vì ông Giám đốc sắp nghỉ hưu thì học hỏi “kinh nghiệm” của nước bạn về làm gì, cũng không “lạ” khi doanh nghiệp tài trợ cho nhiều cán bộ để có những cuộc “ăn chơi tập thể” như thế.

Cái mà dư luận cảm thấy bất bình ở đây chính là sự “cả nể” từ phía các cán bộ, công chức và sự “dễ dãi” của lãnh đạo khi ký quyết định cho nhân viên đi ngao du. Họ thừa thông minh để hiểu rằng, đã là doanh nghiệp thì khoản đầu tư nào cũng phải nhìn thấy lợi nhuận. Doanh nghiệp không bỗng dưng bỏ ra một khoản tiền lên đến cả tỷ đồng mà chẳng nhìn thấy “cơ hội” nào trong đó. Cơ hội có thể đến lúc này hay lúc khác, có thể bằng hình thức này hay hình thức khác. Bởi vậy, dù dưới danh nghĩa “tình cảm” nhưng dư luận vẫn hiểu rằng: doanh nghiệp đài thọ cho “các anh, các chị đi nước ngoài” cũng giống như bất kỳ một khoản đầu tư nào đó, như bất kỳ một khoản mua-bán nào đó. Chỉ có người trong cuộc là không hiểu, hoặc cố tình không hiểu mà thôi.

Cũng không loại trừ, có trường hợp doanh nghiệp bị “gợi ý” tài trợ. Dù chẳng vui vẻ gì nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Mà có phải chỉ tài trợ kinh phí đi lại thôi đâu, có khi, thêm cả khoản tiền “chi tiêu vặt"!

Trước đó, dư luận từng “sốt sình sịch” khi một cựu tư lệnh ngành đi “công tác” nước ngoài 163 ngày trong năm. Không lẽ, ông ấy đi công cán nhiều đến thế để lo việc nước, việc dân? Không lẽ, những chuyến xuất ngoại như vậy lại thiếu những chuyến đi do doanh nghiệp đài thọ? và không lẽ, ra nước ngoài thì ông ấy không có quyền được nghỉ ngơi, tham quan, du lịch hay chơi golf ?.

Nhận thức rõ mối nguy hại từ những khoản tiền do doanh nghiệp đài thọ, không ít địa phương đã ban hành quy định cấm công chức “không được tham gia các đoàn đi công tác nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền”. Thế nhưng, ngay cả những địa phương có quy định như vậy thì người ta vẫn phớt lờ như thường!

Việt Nam cũng đã có một chặng đường dài để tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, trong đó “nhắc nhở” công chức phải biết giữ mình, “phải hoàn trả ân huệ cho bất cứ ai hay tổ chức nào.” Nhưng cán bộ của ta dường như chưa được “quán triệt”!

Tiền cho vào phòng bì, để dưới gầm bàn với tiền chuyển hóa thành những chuyến ngao du, cũng chẳng khác nhau là bao.

Sự nguy hiểm của những ‘viên đạn bọc đường” khiến nhiều cán bộ gục ngã, cũng có khi, từ những chuyến “ngao du” như thế!.