Hội thảo xây dựng các Mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, huy động nguồn lực nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định

(Mặt trận) - Ngày 30/9/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo Xây dựng các Mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, huy động nguồn lực nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chủ trì Hội thảo: Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ phát biểu tại Hội thảo 

Hiện nay, các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh được thành lập dưới 2 dạng: Hoạt động tự quản của thôn, khu phố được chính quyền công nhận hướng dẫn và tổ chức hoạt động; hoạt động tự quản theo các tổ nhóm, liên gia, cụm dân cư được xuất phát từ các cuộc vận động, phong trào thi đua trên địa bàn khu dân cư. Dù là dạng mô hình nào, đều có tổ chức, có người quản lý và các thành viên tự nguyện tham gia; kinh phí hoạt động do các thành viên trong tổ bàn bạc và vận động sự tự nguyện đóng góp của nhân dân nơi mô hình hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, sự hỗ trợ của quân dân chính, Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, các thôn, khu phố đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; các phong trào, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì; thực hiện có hiệu quả pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, quy chế dân chủ ở cơ sở… Toàn tỉnh hiện có 159/159 xã, phường, thị trấn, 1.116 thôn, khu phố đều có mô hình tự quản hoạt động; trong đó, có khoảng trên 300 mô hình tự quản ở khu dân cư đang hoạt động có hiệu quả. Các mô hình tự quản ở khu dân cư đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thông qua các Phong trào thi đua, các Cuộc vận động, công tác giảm nghèo, công tác cứu trợ, công tác phòng, chống dịch Covid-19… từ năm 2015 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động đóng góp nguồn lực với tổng số tiền, hiện vật quy ra tiền ước tính hơn 1.598,5 tỷ đồng. Đáng chú ý là phong trào “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhân dân đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng, hiến hơn 1.985.108 m2 đất, hàng ngàn cây lâu niên, đóng góp trên 450.753 ngày công lao động. Các hoạt động thuộc công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời ủng hộ, giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền, hiện vật quy ra tiền ước tính hơn 114,2 tỷ đồng…

Tại Hội thảo có 15 ý kiến phát biểu với các nội dung về các biện pháp, giải pháp để triển khai thực hiện mô hình hay, cách làm tốt trong cộng đồng dân cư; qua đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng đánh giá thực trạng hoạt động của mô hình tự quản và huy động nguồn lực xã hội trong thời gian qua, thảo luận và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, từ đó thời gian đến tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng phù hợp với địa phương, tuyên truyền, vận động nguồn lực trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ đề nghị các địa phương, MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng các mô hình tự quản, phổ biến về mục tiêu, ý nghĩa của huy động nguồn lực xã hội, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tham gia. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các mô hình tự quản và huy động nguồn lực xã hội trong cộng đồng dân cư. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, hướng mạnh về địa bàn khu dân cư. Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo môi trường để nhân dân tham gia hoạt động tự quản và huy động nguồn lực xã hội. Phát huy vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong Ban Cứu trợ, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Ban vận động huy động các nguồn lực xã hội các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp thực hiện sơ, tổng kết việc triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, sự nồng cốt của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát huy vai trò, chủ thể tích cực của người dân trong tham gia xây dựng, thực hiện các Mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh hơn.

Về các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp làm căn cứ, cơ sở để tham mưu cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan trong thời gian đến có sự chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp hơn trong tình hình mới.