Công tác quản lý mạng xã hội trong tình hình mới

Hiện nay, ở Việt Nam, ước tính có khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Ảnh minh họa - Nguồn: tuyengiao.vn

Bởi vậy, việc tìm kiếm các giải pháp hợp lý nhằm quản lý mạng xã hội trong tình hình mới theo pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam, biến thách thức thành cơ hội, được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Tình hình mạng xã hội và công tác quản lý mạng xã hội của Việt Nam trong thời gian qua

Mạng xã hội ở Việt Nam có thể phân thành hai loại, thứ nhất, mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình như Facebook, Google, Youtube, Twitter, Microsoft...

Trước tháng 8-2013, mạng xã hội tại Việt Nam được quản lý dưới phương thức đăng ký cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh, mạnh của mạng xã hội, Việt Nam đã thay đổi phương thức quản lý từ đăng ký cung cấp dịch vụ sang phương thức cấp giấy phép hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 270 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động.

Các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Số ít trường hợp để xảy ra sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu là cho thành viên chia sẻ, trao đổi các nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục và phản cảm.

Các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được người Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều nhất hiện nay là Facebook và Youtube. Theo báo cáo của Google, Việt Nam là 1 trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất trên thế giới.

Trong thời gian qua, các hành vi tiêu cực, như tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm nào. Để quản lý hoạt động của mạng xã hội, trong những năm qua, Việt Nam từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động in-tơ-nét nói chung và mạng xã hội nói riêng, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với yêu cầu thực tiễn(1).

Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản mang tính chỉ đạo, điều hành. Trong đó, tập trung yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ của mình, nâng cao trách nhiệm quản lý thông tin trên mạng xã hội do mình cung cấp. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thường xuyên chủ trì tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nhằm tìm hiểu, nắm bắt xu hướng phát triển của loại hình này, cũng như trao đổi, tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát huy khả năng để cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai thường xuyên, quyết liệt. Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành trên mạng xã hội, thì tùy theo tính chất mức độ, Việt Nam sẽ áp dụng hình thức xử lý phù hợp. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền,... Trong trường hợp không xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm, hoặc đối tượng vi phạm ở nước ngoài, Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai phạm. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập được cơ chế phối hợp với Google và Facebook. Đây là hai dịch vụ của nước ngoài có khá đông người Việt Nam sử dụng.

Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý mạng xã hội, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống góp phần hạn chế cơ hội phát triển của các phát ngôn vi phạm pháp luật, gây thù ghét trên mạng xã hội. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng, hướng tới mục tiêu cùng chung tay xây dựng mạng xã hội tại Việt Nam lành mạnh, an toàn, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.

Những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý mạng xã hội trong thời gian tới

Qua nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mạng xã hội tại Việt Nam trong những năm gần đây, có thể dự báo xu thế phát triển của loại hình này trong những năm tới như sau:

Thứ nhất, mạng xã hội sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội đối với người dân.

Với việc liên tục cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cho việc phát triển nền tảng công nghệ, các mạng xã hội đang ngày càng thông minh hơn và mang lại nhiều tiện ích lớn hơn cho người sử dụng. Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin từ người dùng, mạng xã hội đang thực sự lớn mạnh và bước vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ việc liên lạc, kết nối đến sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích cho việc học tập, phát triển kinh doanh của tất cả các cá nhân và tổ chức.

Bên cạnh đó, với số lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng, các mạng xã hội đang thực sự tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với xã hội thực, sự lan truyền hay “lây nhiễm” của mạng xã hội đang khiến cho bất kỳ cá nhân nào, đặc biệt là những người trẻ - đối tượng có thể hấp thụ nhanh chóng về công nghệ, buộc phải tham gia vào mạng xã hội nếu không muốn đứng lại hay lạc hậu so với xã hội. Chính vì vậy, sự phát triển của các mạng xã hội sẽ không bị thoái trào mà còn ngày càng phát triển và ảnh hưởng tới hành vi của con người cũng như sự phát triển của xã hội thực.

Thứ hai, mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi để thông tin xấu độc, gây hại, những phát ngôn thù ghét phát triển, lan tỏa; mức độ tác động đến xã hội ngày càng nghiêm trọng.


Tại hội nghị triển khai công tác hằng năm, Chính phủ Việt Nam đều đánh giá: Nhiều thông tin không chính thống trên mạng xã hội đã làm nhiễu loạn, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, không thể ngăn cấm mạng xã hội bằng những mệnh lệnh hành chính, mà phải biết tận dụng mặt tích cực của nó để định hướng dư luận đến với cái đúng, cái tốt, đấu tranh với cái sai, cái xấu. Điều đó chỉ có thể được thực hiện khi cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến với người dân.

Tại Việt Nam, các mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin thiết yếu của người dân. Với độ mở cao, thông tin trên các mạng xã hội có sức lan truyền rất nhanh và diện bao phủ cũng vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, độ trung thực, tính chính xác, tích cực của thông tin trên mạng xã hội lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức, trách nhiệm và mục đích của cá nhân người đăng tải.

Trong môi trường phát triển số hóa mạnh mẽ như ngày nay, mạng xã hội cũng như “con dao hai lưỡi”. Nhiều người rất khó để phân biệt được đâu là thực tế (tin thật), đâu là màn kịch được dựng lên (tin giả). Vì thế, thời gian qua xuất hiện không ít thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn bịa đặt, vu khống, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân, gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội. Loại thông tin độc hại này đã và đang trực tiếp làm mạng xã hội trở thành thế giới ảo theo đúng nghĩa đen, và làm cho sự thiện chí, lương thiện của hàng triệu người lành mạnh, tử tế dùng mạng xã hội như bị chìm lấp trong trận đồ bát quái giữa thật và giả, giữa trắng và đen, giữa tích cực và tiêu cực…

Thứ ba, mạng xã hội trở thành cánh tay nối dài của báo chí truyền thống.

Mạng xã hội đáp ứng một nhu cầu quan trọng của cuộc sống con người là tạo lập các mối tương tác, tạo điều kiện để mỗi người có thể thể hiện suy nghĩ, tâm tư, sở thích, biểu lộ tình cảm, trao đổi, chia sẻ trải nghiệm, tham khảo ý kiến, trình bày quan niệm về vấn đề nào đó của xã hội hoặc của cá nhân... Tính kết nối, chia sẻ gắn liền với mỗi cá nhân đã làm cho thông tin trên mạng xã hội hết sức phong phú.

Các tiện ích của mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người, tạo ra môi trường mở giúp giao lưu, liên kết. Từ các tiện ích đó, nhiều cơ quan báo chí truyền thống lập trang Facebook của báo để mở rộng thông tin đến bạn đọc. Có thể nói, mạng xã hội đang đóng góp vào hoạt động của các nhà báo một cách quan trọng trên 3 khía cạnh. Một là, nguồn cung cấp thông tin rộng lớn cho các nhà báo, với nhiều tiếng nói khác nhau, từ chính trị gia cho đến người dân bình thường, từ miền xuôi cho đến miền ngược, người giàu, người nghèo đều có thể đưa thông tin, và trở thành nguồn tin của nhà báo. Hai là, với sự tham gia tích cực của những người sử dụng mạng xã hội, nhà báo có vai trò và trách nhiệm xã hội quan trọng khi đưa ra các vấn đề, tạo sự thảo luận, đưa ra chính kiến cá nhân. Ba là, sự truyền tải thông tin rộng khắp của mạng xã hội giúp các nhà báo đưa thông tin đến người đọc, và thu hút người đọc đến các trang báo mạng của mình.

Thứ tư, mạng xã hội tạo điều kiện cho loại hình “báo chí công dân” phát triển.


Nhờ những công cụ hấp dẫn và tiện ích mà mạng xã hội cung cấp cho người sử dụng, ví dụ như chức năng live stream của Facebook cùng với những tiện ích khác trong việc post hình ảnh, lời thoại…, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra một “cơ quan truyền thông” của cá nhân mình, sản xuất tin, bài báo chí như một tòa soạn thu nhỏ với đầy đủ các loại hình tích hợp “báo in”, “báo nói” và “báo hình”.

Mặc dù đa số người tham gia mạng xã hội thiếu kỹ năng hoặc không được đào tạo về nghề báo, song chính in-tơ-nét lại giúp họ được hoạt động với cơ chế như một phóng viên, biên tập viên. Điểm khác biệt là việc biên tập được thực hiện từ nhiều phía, và thường là sau khi sự việc đã diễn ra chứ không phải là trước đó. Trong hệ thống thông tin này, người dân dựa vào nhau để đưa tin, truyền tải và hiệu chỉnh một câu chuyện khi nó tiếp diễn. Từ đó, hình thành nên một bộ phận “nhà báo công dân” có sức ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, trực tiếp cạnh tranh với các cơ quan báo chí, truyền thông truyền thống và cả những nhà báo làm việc cho các cơ quan này. Điều này đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý báo chí trong thời gian tới.

Định hướng quản lý mạng xã hội trong thời gian tới

Từ những dự báo nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số định hướng quản lý hoạt động mạng xã hội trong những năm tới như sau:

Thứ nhất, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển nhanh và mạnh của in-tơ-nét nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Hiện nay, Việt Nam đã có hành lang pháp lý để quản lý in-tơ-nét và thông tin trên mạng. Tuy nhiên, do tính chất thay đổi thường xuyên, phát triển liên tục của in-tơ-nét nên một số quy định, chính sách hiện hành đã trở nên bất cập; nhiều vấn đề mới xuất hiện đặt ra các yêu cầu quản lý mới, đòi hỏi Chính phủ phải nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này. Một số định hướng lớn trong thời gian tới gồm:

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, tập trung nghiên cứu xây dựng Luật về quản lý thông tin trên mạng để có thể tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp.

- Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Báo chí 2016, trong đó chú trọng việc nâng cao vai trò định hướng thông tin của các cơ quan báo chí truyền thống, tích cực, chủ động phê phán, phản bác thông tin xấu, độc trên mạng để góp phần khắc phục những mặt trái của mạng xã hội.

- Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.

- Triển khai hiệu quả “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo” của Hội Nhà báo Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01-01-2017). So với các quy ước được ban hành trước đây, lần này Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo tập trung nhiều điểm mới, mang hơi thở thời đại, trong đó đáng chú ý là quy định về việc nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Quy định này sẽ thúc đẩy nhà báo hướng tới và bảo vệ những giá trị có tính phổ quát, nền tảng nhân văn phát sinh trên mạng xã hội.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích hình thành các trang mạng xã hội lớn, mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với các trang mạng xã hội nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường tính chủ động, kịp thời trong công tác quản lý in-tơ-nét và mạng xã hội.


Để có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đang thu hút được một lượng lớn người sử dụng trong nước như hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng một số giải pháp kỹ thuật sau:

- Xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá định lượng truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên in-tơ-nét.

- Xây dựng công cụ lọc và phát hiện tin giả, tin sai sự thật, công cụ đo lường theo thời gian thực mức độ lan truyền, phát tán những thông tin này trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác nhằm chủ động ngăn chặn sự lan truyền và cảnh báo sớm tin giả ngay khi nó xuất hiện trên mạng xã hội.

- Xây dựng phương án hành động khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân khi sử dụng mạng xã hội.

Chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho nhân dân thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Đồng thời tăng cường sự giám sát, phát hiện thông tin sai phạm từ cộng đồng.

Đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng in-tơ-nét, cung cấp, cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm định hướng người sử dụng trước những thông tin nhạy cảm; xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội.

Tăng cường quản lý báo chí để bảo đảm việc xây dựng và gìn giữ uy tín cho báo chí chính thống, tạo thành kênh thông tin chuẩn mực nhằm xác thực những thông tin lan truyền trên mạng xã hội, tạo cơ chế để báo chí lớn mạnh và tồn tại song hành với mạng xã hội.

Khuyến khích các cơ quan nhà nước bên cạnh website của mình cần mở thêm một kênh thông tin giới thiệu về chuyên ngành và lĩnh vực mình quản lý, qua đó tiếp cận và đưa thông tin dễ dàng đến người dân.

Khuyến khích thành lập và xây dựng những tài khoản trên mạng xã hội có sự đầu tư thích đáng từ Nhà nước để tạo thành những kênh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho chính người sử dụng mạng xã hội. Trong hoạt động này, cần đặc biệt chú ý tới việc sử dụng và lôi kéo những KOL - key opinion leader, là những người nắm giữ các tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng tới người dùng khác về hành vi sử dụng mạng xã hội.

Thứ tư, tăng cường phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành trong nước và giữa các nước trên toàn thế giới.


Công tác quản lý mạng xã hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành tại Việt Nam, như Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về nội dung thông tin; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; Bộ Tài chính quản lý những vấn đề liên quan đến thuế; Bộ Công an quản lý hoạt động kinh doanh trái phép, Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động thanh toán,… Do đó, để có thể quản lý hiệu quả, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, do đặc điểm “không có biên giới rõ ràng” của môi trường mạng in-tơ-nét, rất cần có sự phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với các nước trên thế giới và với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài lớn, như Facebook, Google, Youtube, Twitter… trong việc ngăn chặn, xử lý và loại trừ những nguy cơ mà mạng xã hội có thể mang lại./.
-------------------------

(1) Các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội ban hành ngày 19-11-2015; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013, của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT, ngày 19-8-2014, của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội; Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT, ngày 26-12-2016, của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông