“Chuyến tàu vét” và sự thanh thản tuổi già

Khi thực hiện những “chuyến tàu vét”, liệu có phải ai cũng có được sự thanh thản, chí ít là sự thanh thản trong tâm hồn sau khi “dứt áo quan”?…

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

1. Những năm đầu thập niên 80, ngày tôi còn bé tí, mỗi lần lên cơ quan Ba tôi chơi, nghe các cô chú ở cơ quan gọi ông là “Bôn sê vích”, tôi không hiểu gì và chỉ nghĩ, những người làm Trưởng tàu như Ba tôi đều được gọi như thế.

Gần 40 năm sau, đồng nghiệp cũ của Ba thỉnh thoảng vẫn đến nhà tôi chơi. Giờ ai cũng đều ở độ tuổi 70-80, nhưng mỗi lần gặp nhau, họ như được trở về với thời còn đang công tác. Nghe mọi người ôn lại chuyện cũ, cười nói rổn rang thì tôi mới ngộ ra vì sao Ba tôi lại được gọi là “Bôn sê vích”.

Những năm 70-80, khi ngành hàng không và các ngành vận tải khác chưa phát triển thì đường sắt gần như độc quyền. Thời ấy, ai cũng khó khăn, trong mỗi chuyến tàu, nhiều nhân viên của Ba tôi đều muốn “đánh” một ít hàng về bán kiếm lời, nhưng vào ca Ba tôi đi Trưởng tàu thì họ coi như “gặp hạn”. Nhiều lần, có người đã hối lộ ông bằng tiền, bằng những thùng hàng… nhưng ông cương quyết không nhận.

Các chú kể, ngày ấy nhiều người thù Ba tôi lắm, vì ông “chặn” đường làm ăn của họ. Nhưng sau này, khi đã nghỉ hưu, thì người mà họ hay tìm đến hàn huyên và thấy thoải mái nhất cũng là Ba tôi.

Mỗi lần đến chơi, các cô chú còn đùa rằng vì Ba tôi “Bôn sê vích” nên tất cả các con của ông, không một ai được ông xin vào ngành Đường sắt, trong khi gần như nhà nào cũng có ít nhất một hai đứa theo nghề của bố. Và với bối cảnh của ngành đường sắt bây giờ, họ cho rằng Ba tôi lại là người hạnh phúc, may mắn nhất.

Thực ra, cái chức Trưởng tàu của Ba tôi rất bé, không thể ban phát chức quyền hay bổng lộc cho ai, nhưng ở thời bấy giờ, nếu như ông biết tận dụng nó để “đánh hàng” hoặc "tạo điều kiện" cho các nhân viên của mình thì chắc chắn, ông và mẹ tôi, anh chị em tôi ngày ấy sẽ có cuộc sống đỡ khó khăn hơn rất nhiều.

Nhưng ông đã không làm như thế. Đổi lại, ông có một cuộc đời thanh thản kể trong cả trong lúc đang công tác cũng như sau này đã về nghỉ hưu. Anh em chúng tôi lúc nào cũng thấy tự hào và biết ơn ông vì điều ấy.

2. Trong những ngày vừa qua, dư luận râm ran về chuyện những “chuyến tàu vét” của 2 vị lãnh đạo trước ngày nghỉ hưu trong ngành hành không và ngành nông nghiệp.

 Minh họa (Dân trí)

Chuyện thứ nhất là ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải). Giữa tháng 7 ông Lê Mạnh Hùng về hưu, thì trước đó khoảng 1 tháng, ông này đã ký cùng lúc hơn 70 quyết định bổ nhiệm các trưởng, phó phòng trong Tổng công ty. Các nhân sự mới nhận nhiệm vụ từ ngày 1/7.

Chuyện thứ 2 là trước  khi  “hạ cánh”, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định bổ nhiệm nhiều lãnh đạo phòng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở, điều động cán bộ trái quy định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Mới đây nhất, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định, việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ của Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng không phải là quyết định cá nhân mà là trách nhiệm công vụ thực hiện theo thẩm quyền đã được phân cấp của Tổng công ty.

Theo giải thích của ACV, Đảng ủy và Ban Tổ chức - Nhân sự đã tổng hợp các đề nghị bổ nhiệm của các đơn vị từ năm 2016, 2017 và các đề nghị điều động, bổ nhiệm mới trình HĐQT và Ban Thường vụ Tổng công ty xem xét, quyết định. Sau khi rà soát, Thường vụ Đảng ủy, HĐQT ACV nhiều lần họp, xem xét và ban hành 32 Nghị quyết về công tác bổ nhiệm cán bộ, trong đó giao Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ký quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền theo quy chế phân cấp quản lý cán bộ của Tổng công ty. Trong tháng 4 và 6/2018, Tổng công ty thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ cụ thể.

Dư luận râm ran về những chuyện như thế này là rất bình thường. Bởi lẽ câu chuyện “chuyến tàu vét” từ lâu đã được nói đến, đã có những người bị kỷ luật, thậm chí có người bị cách cả tư cách nguyên Bộ trưởng cũng chỉ vì cuối nhiệm kỳ đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, trong đó có những kẻ sau này là tội phạm.

Chuyện “chuyến tàu vét” ở Sở NN-PTNT Thanh Hóa thì đã rõ như ban ngày. Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh này đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ 4 quyết định bổ nhiệm sai lãnh đạo các phòng, ban đơn vị thuộc Sở NN-PTNT; kỷ luật, kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc nhiều tập thể, cá nhân liên quan và ông Lê Như Tuấn, nguyên Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thanh Hóa đang bị đề nghị xem xét hình thức kỷ luật.

Còn có hay không câu chuyện “chuyến tàu vét” ở ACV, dư luận đang rất cần một câu trả lời thỏa đáng. Ít nhất là những câu hỏi về việc các đề nghị bổ nhiệm được đề xuất từ năm 2016- 2017, tại sao lại để dồn lại đến 2 năm sau mới bổ nhiệm đồng loạt trên 70 cán bộ vào thời điểm được coi là khá “nhạy cảm” của một lãnh đạo trước ngày nghỉ hưu?

3. Thông thường, trước khi nghỉ hưu, ai cũng muốn làm những việc rõ ràng, minh bạch và ít để lại điều tiếng nhất. Đó cũng là mong muốn bình thường trong mỗi con người, để khi “thôi áo quan”, hình ảnh của mình được lưu lại là sự đàng hoàng và tử tế nhất.

Hai câu chuyện trên cho thấy một điều rất rõ ràng, khi con người ta ở bất kể chức vụ nào, dù to hay nhỏ, nếu không kìm lòng được trước những cám dỗ vật chất, đều có thể dễ dàng sa ngã. Quyền lực nhỏ thì sa ngã ít, quyền lực lớn thì sa ngã nhiều.

Sa ngã bởi họ mặc nhiên coi quyền lực là của họ và được phép dùng quyền lực đó để ban phát cho mọi người. Và khi càng đến thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, họ càng muốn tận dụng triệt để quyền lực để “tận thu”, để trả công cho “đệ tử”, để làm nốt một số việc mà chỉ khi còn quyền lực họ mới có cơ hội để làm…

Cũng chính vì suy nghĩ và hành động sai lầm như vậy, nên khi “dứt áo quan” không phải ai cũng có được sự thanh thản, chí ít là sự thanh thản trong tâm hồn.