Cần có cơ chế hữu hiệu bảo vệ nhà báo khi đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

(Mặt trận) - Những năm qua, báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Nhiều vụ việc vi phạm, từ sự phản ánh của báo chí mà các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm. Điển hình như các vụ việc tham nhũng, tiêu cực về đất đai ở Quán Nam, Đồ Sơn (Hải Phòng); vụ Vinashin, Vinalines… và mới đây nhất là các vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh; Bộ Công thương; vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” ở Thanh Hoá…

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Giải Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tháng 3/2017. Ảnh: Thành Trung

Tuy nhiên, do vẫn còn những rào cản, trở ngại, nhất là hành lang pháp lý bảo vệ chưa vững chắc nên trong một bộ phận người làm báo vẫn còn tâm lý dè dặt, e ngại khi tiến hành điều tra, viết bài phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí chỉ vì tiên phong, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà bị “làm khó”; bị các đối tượng tham nhũng trả thù, thậm chí bị hành hung, đánh đập… Nhiều nhà báo cũng chỉ vì mạnh mẽ trong chống tham nhũng, tiêu cực mà bị “trù dập”, bị “cô lập”, “cô đơn”… Thực tế trên bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Những người làm báo khi đi điều tra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực do cơ quan, đơn vị giao không được coi là người thi hành công vụ nên cơ chế bảo vệ vừa yếu và thiếu. Nhiều vụ việc, nhà báo đi điều tra, tác nghiệp đã bị các đối tượng dọa nạt, cản trở, thậm chí hành hung với thương tích ở mức dưới 11%… Tuy nhiên, do không phải là người thi hành công vụ nên những vụ việc trên chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi đó, các lực lượng chức năng như thanh tra, công an, người nhà nước… khi đi làm nhiệm vụ, chỉ cần người dân có lời nói lăng mạ, hành vi cản trở là sẽ bị khép vào tội chống người thi hành công vụ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai: Mặc dù pháp luật đã có quy định bắt buộc các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải trả lời yêu cầu của các cơ quan báo chí theo hạn định. Tuy nhiên, do thiếu chế tài xử lý nên tình trạng vi phạm các quy định trên vẫn diễn ra hết sức phổ biến. Nhiều cơ quan, đơn vị, khi báo chí gửi văn bản yêu cầu trả lời về các nội dung có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, hoặc đề xuất làm việc để cung cấp thông tin đã cố tình lảng tránh, “ỉm đi” hoặc không trả lời. Tuy nhiên khi báo chí phản ánh vụ việc thì lại ngay lập tức có đơn gửi các cấp thẩm quyền tố cáo báo chí đưa tin không khách quan, phiến diện, quy chụp, làm ảnh hưởng đến “uy tín”, “danh dự” của lãnh đạo đơn vị...  Trong  một số trường hợp, các đơn vị có dấu hiệu sai phạm còn nại ra một số lý do “chính đáng” đề nghị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu “báo chí không đưa tin”…

Thứ ba: Luật Báo chí quy định, phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên. Tuy nhiên, việc cấp tỉnh có quyền yêu cầu nhà báo cung cấp nguồn tin như thế là quá mở, chưa tạo sự yên tâm cho những người cung cấp thông tin và người phản ánh thông tin. Trong nhiều trường hợp, thay vì xác minh thông tin báo chí nêu, thì cơ quan báo chí, nhà báo lại trở thành đối tượng bị “điều tra”, đối tượng phải cung cấp thông tin. Điều này không chỉ làm nhụt tinh thần xung kích của báo chí mà còn làm cho một bộ phận cơ quan báo chí, nhà báo hoài nghi về quyết tâm phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư: Để phóng viên, nhà báo an tâm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì đòi hỏi cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí phải sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của phóng viên. Tuy nhiên, thực tế không phải cơ quan nào cũng có được điều đó. Có những đơn vị, khi xảy ra vụ việc, hoặc rủi ro nào đó thay vì bảo vệ, chia sẻ trách nhiệm với phóng viên thì lại tìm cách đổ lỗi cho phóng viên. Điều này khiến cho các phóng viên khác chán nản, e dè trong việc đưa tin, phản ánh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực…

Để cổ vũ, tạo niềm tin cho đội ngũ báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định sau cho hợp lý:

Một là, tổng kết, nghiên cứu lại các vụ việc hành hung, trù dập nhà báo. Từ đó, bổ sung các quy định bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ cho phù hợp. Đặc biệt với những nhà báo tham gia vào mặt trận nóng bỏng như phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì cần coi hoạt động tác nghiệp này là một loại thi hành công vụ. Tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân.

Hai là, sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định. Đặc biệt, với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm, khi cơ quan báo chí đề nghị cung cấp thông tin thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời. Cần có cơ chế quy định rõ ràng chế độ thông tin mật để báo chí có cơ hội nắm bắt thông tin và thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. 

Ba là, sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng chỉ có Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin, nguồn tin.

Bốn là, khi xảy ra các vụ hành hung báo chí, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan chủ quản báo chí, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tuyên giáo Trung ương… cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Thậm chí,ở mỗi cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí nghiên cứu có quỹ phòng ngừa rủi ro giúp bảo vệ, hỗ trợ các nhà báo gặp rủi ro trong tác nghiệp.

Năm là, đối với cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức những lớp tập huấn cho các nhà báo chuyên về lĩnh vực phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí về các nội dung như: Quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác này; Nâng cao hiểu biết pháp luật trong thực thi nhiệm vụ; đặc biệt nâng cao kỹ năng tác nghiệp đảm bảo tính đúng đắn tránh những rủi ro cho nhà báo trong tác nghiệp.

Nhà báo Phùng Sưởng

Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong