(Mặt trận) - Ngày 11/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Đề án thiết kế cảnh quan hai bên đường Võ Chí Công (đoạn từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai). Ông Võ Xuân Ca - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Quang cảnh Hội nghị
|
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông vận tải; Sở Tài nguyên và Môi trường; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam; Hội Kiến trúc sư tỉnh; Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Các chuyên gia trong các lĩnh vực: kiến trúc, cảnh quan, giao thông, cây xanh, quảng cáo; Đại diện một số nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan: Tập đoàn Ecopark, FVG, Công ty CP Đạt Phương, Công ty Môi trường Đô thị Quảng Nam, Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và thành phố Tam Kỳ cùng tham dự.
Đường ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010), đoạn qua tỉnh Quảng Nam được đặt tên là đường Võ Chí Công (hay còn gọi đường 129). Đường Võ Chí Công đoạn từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai có chiều dài khoảng 63,5km, là tuyến có cơ hội trở thành tuyến đường ven biển, là tuyến giao thông huyết mạch của vùng ven biển, kết nối liên vùng giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, tuyến đường bộ quan trọng trong định hướng phát triển du lịch - dịch vụ, công nghiệp của Khu kinh tế mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam. Cùng với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1A, đường Võ Chí Công là 1 trong 3 hành lang Bắc Nam quan trọng trong mô hình 8 hành lang phát triển của tỉnh Quảng Nam; là trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa kinh tế ven biển miền Trung nói chung và của Quảng Nam nói riêng. Đồng thời, đường Võ Chí Công cũng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông để giảm tải cho quốc lộ 1A, mở ra những cơ hội phát triển mới khi sân bay Chu Lai được đầu tư nâng cấp.
Trong những năm qua, tuyến đường Võ Chí Công nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân của các địa phương. Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương của người dân, đến nay, tuyến đường Võ Chí Công cơ bản đã thông tuyến, kết nối thông suốt từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai.
|
Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc, Chủ trì hội nghị thông tin: “Thiết kế đô thị hai bên đường Võ Chí Công là công tác mới đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt nhiệm vụ và dự toán (tại Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 và Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 14/01/2021) nhằm mục tiêu làm cơ sở quản lý sử dụng đất, hoạt động đầu tư xây dựng, cấp phép trong phạm vi nghiên cứu và đảm bảo quản lý phát triển cảnh quan trục đường Võ Chí Công trên hai nguyên tắc cơ bản là tuân thủ các yêu cầu quy định về thiết kế đô thị tại các văn bản pháp lý hiện hành; Đáp ứng các yếu tố công năng, trật tự, thẩm mỹ, đảm bảo đủ cơ sở triển khai xây dựng trục cảnh quan tiêu biểu ven biển của tỉnh Quảng Nam. Theo các định hướng phát triển, quy hoạch của Tỉnh, đường Võ Chí Công kỳ vọng sẽ trở thành tuyến đường ven biển đẹp nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, là tuyến đường được định hướng phát triển du lịch ven biển kết hợp phát triển đô thị và công nghiệp, có cảnh quan đẹp, là hành lang hạ tầng quan trọng với đa dạng loại hình giao thông”.
Hội nghị được nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án; và những nội dung gợi ý trọng tâm được nhấn mạnh cần tham gia thảo luận của đồng chí chủ trì; trên cơ sở đó, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội này, tập trung trao đổi, thảo luận, tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo của Đề án, trong đó tập trung một số nội dung chính nhằm đóng góp ý tưởng để hoàn thiện Thiết kế cảnh quan hai bên đường Võ Chí Công (đoạn từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai) như về tầm nhìn, định hướng phát triển cảnh quan hai bên đường Võ Chí Công trong định hướng phát triển vùng Đông Quảng Nam và dãi ven biển, hướng đến phát triển du lịch xanh, đô thị và công nghiệp sinh thái; Các ý tưởng xây dựng Đại lộ Võ Chí Công bảo đảm tính phù hợp với kiến trúc không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị tương lai của tỉnh, trở thành trục cảnh quan ven biển tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, là biểu tượng mới về văn hóa và phát huy giá trị kinh tế, gồm: Nhận diện các đặc trưng và phân vùng cảnh quan trên toàn tuyến; Các yếu tố truyền thống, các đặc trưng có thể khai thác để tạo nên đặc trưng riêng của Quảng Nam; Ý tưởng về các công trình biểu tượng, điểm nhấn, cửa ngõ trên toàn tuyến và cho từng đô thị, khu chức năng cụ thể và tính khả thi của phương án thiết kế; phương thức triển khai thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Đà Nẵng góp ý bổ sung về các nguyên tắc thiết kế Đề án: “Tổ chức không gian đô thị và cảnh quan phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu và đồ án thiết kế đô thị; Tổ chức không gian quan cảnh phải giúp cải hoá các vùng đất hoang cằn cỗi, nghèo tiềm năng thành các vùng sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trù phú hay các vùng lâm nghiệp đa sinh học hơn. Đây là mục tiêu quan trọng của tuyến đường này, cũng là chiến lược mà tỉnh đã xác định khi xây dựng đường Võ Chí Công...”
TS. Nguyễn Hồng Ngọc - Đại học Đà Nẵng tham gia: “Cần có các quy chế quản lý đất hai bên đường để không cho xảy ra hiện tượng lấn chiếm. Tránh trường hợp đường cho phép lưu thông với tốc độ 80-100 km/h nhưng thỉnh thoảng lại có người dân từ nhà hai bên đường băng qua đường hay không để xảy ra hiện tượng: sau khi đường xây thì nhà dân lấn chiếm lập hàng quán; Cần phải quản lý sử dụng đất hai bên đường rộng hơn để đảm bảo cảnh quan và sử dụng đất phù hợp với từng đoạn của tuyến đường; Đề án thiết kế đô thị này cần đưa ra các nguyên tắc để thực hiện cho được tầm nhìn...”
Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương phản biện: “Đồ án thiết kế cảnh quan hai bên đường Võ Chí Công, tổng chiều dài là 63.5km có bố trí 03 trạm dừng nghỉ chân, cự ly các điểm tối đa khoảng 15km. Tuy nhiên để đảm bảo khai thác có hiệu quả, khả thi và đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn kỷ thuật nên đề xuất chỉ bố trí 01 trạm dừng nghỉ chân tại giữa tuyến đường. Điểm dừng nghỉ tại vị trí (B): Phía Tây đường khu vực cầu Trường Giang, bờ phía Tây thuộc xã Bình Nam; quy mô 7.4ha kết hợp với bến thuyền du lịch cầu Bình Hải - Bình Sa là phù hợp...”
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Xuân Ca – Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp thu toàn bộ ý kiến tham gia góp ý, thảo luận, trao đổi của tất cả quý vị đại biểu đã góp ý, phản biện và đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Đề án tiếp thu và hoàn chỉnh trước khi trình UBND tỉnh./.
Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam