Những con số ấn tượng trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở

(Mặt trận) - Với chức năng giám sát và phản biện xã hội được quy định trong Hiến pháp, các Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong những năm qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai mạnh mẽ các chương trình giám sát, phản biện từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022 trước thềm Tòa nhà Quốc hội 

Đóng góp vào thành công này phải kể đến những nỗ lực của đội ngũ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, những người đã nỗ lực hết mình để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Để ghi nhận những nỗ lực đó của đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở, trong các ngày từ 25-27/11, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022. Hội nghị sẽ biểu dương 299 đại biểu đại diện cho gần 11.000 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và hơn 90.000 Trưởng ban công tác Mặt trận trong cả nước. 

Thực hiện tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị trước thềm Tòa nhà Quốc hội 

Trong 08 năm qua từ 2013 - 2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên ở Trung ương đã tổ chức được 92 cuộc giám sát, 12 cuộc phản biện trên phạm vi toàn quốc. Ở cấp tỉnh đã tổ chức được 3.140 cuộc giám sát, 1.137 cuộc phản biện. Ở cấp huyện đã tổ chức được 21.833 cuộc giám sát, 6.876 cuộc phản biện. Ở cấp xã đã tổ chức được 137.573.436 cuộc giám sát và 38.343 cuộc phản biện.

Qua công tác giám sát và phản biệm xã hội Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng với các cơ quan Đảng, Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nguyện vọng các tầng lớp nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, giúp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đã phối hợp tổ chức 13 đợt giám sát và trực tiếp chủ trì tổ chức giám sát 41 đơn thư của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của xã, phối hợp với tổ hòa giải cơ sở tiến hành hòa giải kịp thời 45/48 vụ, chuyển 03 đơn cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, thực hiện giám sát 43 công trình, triển khai có hiệu quả mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ông Nông Văn Hòa, dân tộc Tày, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã tham mưu cấp ủy, thành lập được 10 đoàn giám sát; 8 Ban giám sát đầu tư cộng đồng để giám sát các công trình dự án thi công trên địa bàn xã được 25 cuộc.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên trong thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các kiến nghị của nhân dân, theo dõi, giám sát tiến độ, quá trình giải quyết, trong giai đoạn 2017 - 2022 đã tổ chức giám sát chuyên đề 22 cuộc, giám sát thường xuyên 16 cuộc.

Phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng

 

Với vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc tổ chức triển khai hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng là những kênh quan trọng ở cơ sở góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, Mặt trận cơ sở đã phụ trách duy trì hoạt động của gần 11.000 Ban Thanh tra nhân dân và hơn 13.000 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn luôn chú trọng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động.

Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã kiến nghị với chính quyền xử lý nhiều vi phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở trên các lĩnh vực như đất đai, giao thông, thu chi ngân sách, chế độ, chính sách đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi của Nhà nước. Nhiều nơi có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đạt kết quả cao, đã góp phần tích cực trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn, chất lượng các công trình được bảo đảm, tạo lòng tin trong nhân dân, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định tại địa phương.

Trong đó phải kể đến ông Bùi Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đã phối hợp tổ chức 42 cuộc giám sát, trực tiếp chủ trì 13 cuộc giám sát tập trung vào công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, việc quản lý thu, chi các khoản đóng góp, gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, làm tốt công tác kiện toàn tổ chức, củng cố bộ máy, quy chế phối hợp, luôn quan tâm và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cuộc họp liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân được nhân dân tham gia đông đủ và đóng góp ý kiến dân chủ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận là tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Bằng nhiều hình thức, Mặt trận đã làm tốt vai trò góp ý tham gia xây dựng Đảng, chủ động tuyên truyền để các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; tổ chức để nhân dân trao đổi, đối thoại với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng, giải tỏa những băn khoăn, lo lắng trong nhân dân; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, Mặt trận đã đóng góp quan trọng trong tổ chức hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Điển hình như: Ông Hồ Văn Quý, dân tộc Bru-Vân Kiều, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, luôn tích cực phối hợp với Hội đồng nhân dân xã xây dựng các kế hoạch, tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trước và sau các kỳ họp, tham gia trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV, XV và HĐND các cấp, chỉ đạo tốt công tác giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn, tăng cường công tác phản biện xã hội, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Thuận, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã tích cực tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn, trong thời gian qua đã tổ chức được nhiều hội nghị cho nhân dân đóng góp ý kiến vào các bản kiểm điểm công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trước khi đưa ra hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Bà Ngô Thị Ánh, Trưởng ban công tác Mặt trận Ấp 2, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đã chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư…

Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 làm Lễ báo công dâng Bác và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững mạnh, kinh tế đổi mới và tăng trưởng, xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong thành tựu chung của đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự hào vì đã có sự đóng góp quan trọng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt là Mặt trận ở cơ sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, động viên, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; làm cầu nối nhịp nhàng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh…

Tự hào về thành tích chung của Mặt trận, chúng ta càng trân trọng những đóng góp thầm lặng của hơn 100 nghìn cán bộ Mặt trận cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận, những cán bộ tuy đời sống còn không ít khó khăn nhưng ngày đêm lăn lộn với phong trào, hết lòng tận tụy với nhân dân, ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã.