Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước thuộc cơ chế Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước đã được Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định. Tại Nghị quyết 27 NQ/TW ngày 9/11/2022 kỳ họp thứ 6 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh phải: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước”.

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 21/2/2023 

Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các cuộc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần cùng với các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước khác (như cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước bao gồm cơ chế kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước trong cùng một cấp, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới và cơ chế kiểm soát độc lập theo Nghị quyết 27 NQ/TW) tạo thành sức mạnh tổng hợp trong kiểm soát Nhà nước trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc phải sử dụng tổng hợp nhiều yếu tố như từ nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của giám sát, phản biện xã hội; xây dựng chương trình, kế hoạch lựa chọn chủ đề giám sát và phản biện xã hội đúng, phù hợp; tổ chức chu đáo, khoa học một cuộc giám sát, phản biện xã hội; đưa ra được nhận xét, kết luận, kiến nghị sắc sảo, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả của giám sát và phản biện xã hội không dừng lại ở đó, mà vấn đề cơ bản cuối cùng là các kết luận, kiến nghị rút ra từ một cuộc giám sát được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là đối tượng chịu sự giám sát tiếp thu, khắc phục, thực hiện những kết luận, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rút ra qua cuộc giám sát như thế nào?

Thực tiễn thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được tăng cường, hàng nghìn cuộc giám sát và phản biện xã hội được thực hiện mỗi năm. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng bước đi vào nề nếp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội và Nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện xã hội hàng năm; luôn gắn giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáu tháng, một năm đã tổng hợp kết quả giám sát và kiến nghị gửi Quốc hội tại các kỳ họp; Mặt trận các cấp ở địa phương đã xây dựng báo cáo giám sát và tổng hợp kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân cùng cấp tại các kỳ họp. Việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, thông báo xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc các cấp trình tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới, được các cấp và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao.

Nhiều kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được các cơ quan, tổ chức có dự thảo tiếp thu, chỉnh lý, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản, đề án... Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình Nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của các cuộc giám sát đó nguyên tắc như thế nào thì cần được quan tâm. Đúng như Chỉ thị số 18 - CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chỉ rõ: “Việc xây dựng triển khai các chương trình, kế hoạch, giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Một số tổ chức cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội”.

Để khắc phục tình trạng “theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt chưa đi đến cùng” mà Ban Bí thư đã chỉ ra trong Chỉ thị 18 - CT/TW, cần phải hình thành một cơ chế chính trị pháp lý sau giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Cơ chế chính trị, pháp lý này nhằm nâng cao trách nhiệm của cả chủ thể giám sát là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Cơ chế chính trị, pháp lý này nhằm nâng cao trách nhiệm của cả chủ thể giám sát là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cả các chủ thể là đối tượng chịu sự giám sát trong việc tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi các kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.

Cũng như các cơ chế chính trị, pháp lý khác, cơ chế chính trị, pháp lý sau giám sát và phản biện xã hội cũng bao gồm các thiết chế, các thể chế và các điều kiện đảm bảo cho cơ chế vận hành.

Về thiết chế của cơ chế chính trị, pháp lý sau giám sát, phản biện xã hội

Thứ nhất, Ban Thường trực của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. Đây là thiết chế có trách nhiệm rất quan trọng để theo dõi thúc đẩy việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, cần quy định đầy đủ, quyền và trách nhiệm cụ thể của thiết chế này đối với cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội.

Thứ hai, cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu giám sát và phản biện xã hội. Đây là các thiết chế trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Các kết luận, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội có trở thành hiện thực trên thực tế hay không phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các cơ quan, tổ chức này. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm chính trị, pháp lý đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Về thể chế của cơ chế chính trị, pháp lý sau giám sát, phản biện xã hội

Thứ nhất, các thể chế về quyền và trách nhiệm của các thành viên trong đoàn giám sát và phản biện xã hội, nhất là quyền và trách nhiệm của trưởng đoàn giám sát và người chủ trì một cuộc họp phản biện xã hội đối với việc thúc đẩy thực hiện các kết luận kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, phải quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm chính trị, pháp lý của Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Thứ hai, các thể chế quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau khi giám sát.

Thứ ba, các thể chế quy định chế tài đối với người đứng đầu chủ thể giám sát, phản biện xã hội và nhất là người đứng đầu của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, phản biện xã hội, khi không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ các kết luận kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.

Thứ tư, các thể chế quy định về điều kiện đảm bảo thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội, trong đó có các quy định về ngân sách cho việc theo dõi và thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát.

Thứ năm, các điều kiện vận hành cơ chế chính trị, pháp lý sau giám sát và phản biện xã hội. Đó là hình thành môi trường pháp lý công khai, minh bạch trong việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát và phản biện xã hội. Phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội. Trong đó, chú trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc thúc đẩy, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.

Có thể nói các yếu tố nói trên của cơ chế chính trị, pháp lý sau giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa hình thành một cách đầy đủ. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, cũng như các đạo luật liên quan chưa quy định đầy đủ các yếu tố cấu thành cơ chế nói trên, nên tình trạng hiệu lực và hiệu quả giám sát và phản biện xã hội không cao, giám sát và phản biện xã hội không đi đến cùng.

Vì thế, xây dựng và hoàn thiện cơ chế đề cao trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện các kết luận kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, kiểm soát quyền lực nhà nước của Mặt trận Tổ quốc nói riêng.

Cơ chế trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu giải trình, giải quyết và phản hồi các kết luận kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hình thành bằng việc sửa Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 hoặc ban hành một Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Nội dung của cơ chế này bao gồm các quy định:

Một là, Quy định về quyền và trách nhiệm của Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thực hiện các kết luận giám sát và phản biện do mình ra quyết định giám sát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người quyết định giám sát hay phản biện xã hội.

Hai là, Quy định về trách nhiệm tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi các kết luận, kiến nghị và kết quả thực hiện trong thực tế đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức là đối tượng giám sát và ban hành văn bản được phản biện.

Ba là, Quy định các chế tài xử lý chủ yếu là các chế tài mang tính chính trị, pháp lý như phê bình, khiển trách nhắc nhở người đứng đầu.

Bốn là, Quy định về các điều kiện để thực hiện các quyền và trách nhiệm.

 TRẦN NGỌC ĐƯỜNG - Giáo sư, Tiến sĩ,

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam