(Mặt trận) - Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã chọn nhiều lĩnh vực “nóng”, được dư luận quan tâm để thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, đóng góp được nhiều ý kiến bổ ích, chỉ rõ những thiếu sót của một số đề án, dự án…, giúp nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
|
Các hoạt động giám sát, phản biện góp phần nâng cao hiệu quả những dự án kinh tế xã hội, giúp Lạng Sơn ngày một đổi mới. |
Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức giám sát tình hình thực hiện Dự án về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, tại UBND các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng và Lộc Bình.
Cán bộ MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp khảo sát các biện pháp giảm nghèo, các mô hình làm kinh tế, các giải pháp hỗ trợ nhân dân của cơ quan chức năng trên địa bàn các huyện kể trên. Thực tế giám sát cho thấy, nhìn chung, các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt việc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức tốt các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Ví như tại Bắc Sơn, đến giữa năm 2020, huyện đã tổ chức được 15 cuộc tuyên truyền chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, với gần 900 lượt người tham dự. Các cuộc tập huấn đã giúp bà con có thêm kiến thức, ứng dụng hiệu quả vào lao động, sản xuất. Ủy ban MTTQ các huyện đều xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra, giám sát về thực hiện mục tiêu của Chương trình.
Tại buổi giám sát, Đoàn công tác cũng đã chỉ ra một số tồn tại, yếu kém để các huyện có hướng khắc phục trong thời gian tới. Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động giám sát mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn thực hiện trong giám sát về công tác giảm nghèo. Hoạt động giám sát này đã góp phần phát hiện những khó khăn vướng mắc trong triển khai, những bất hợp lý của chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Đoàn công tác của MTTQ tỉnh Lạng Sơn cũng phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể thực hiện giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Qua thực hiện giám sát, tại huyện Chi Lăng, Đoàn công tác đánh giá cao việc sớm lên danh sách 342 người có công, 2.178 đối tượng bảo trợ xã hội, 15.817 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, 665 người lao động để thực hiện hỗ trợ.
Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn công tác cũng nhận thấy một số địa phương lập danh sách bỏ sót đối tượng; có địa bàn lập danh sách trùng lặp đối tượng… Những vướng mắc được phát hiện và giải quyết kịp thời qua hoạt động giám sát khiến người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng.
Giám sát và phản biện xã hội chính là những “công cụ” quan trọng để MTTQ đại diện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Song song với hoạt động giám sát, MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn còn đẩy mạnh các hoạt động phản biện xã hội. Trong tháng 8 vừa qua, MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo phản biện xã hội “Dự thảo phương án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn là một chủ trương lớn của tỉnh Lạng Sơn để nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của nhân dân, giúp đồng bào các dân tộc có điều kiện để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Song, xây dựng những thiết chế này đòi hỏi kinh phí khá lớn, cần có kế hoạch đầu tư, huy động vốn hợp lý.
Theo dự thảo, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bao gồm: Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể dục thể thao… Mục tiêu đề ra là xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp; 55% thiết chế trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, thư viện cấp huyện được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn theo quy định…
Các đại biểu đã nhất trí với sự cần thiết của xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Song, cũng đóng góp nhiều ý kiến để làm sao việc đầu tư, sử dụng một cách hiệu quả nhất, thí dụ như phạm vi, đối tượng của phương án xây dựng thiết chế cần lựa chọn một cách cụ thể hơn, kế hoạch đầu tư phù hợp với các kế hoạch 5 năm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, điều chỉnh bất hợp lý trong việc quy hoạch, quản lý đất đai cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao của huyện, xã…
Để nâng cao chất lượng phản biện, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đều có văn bản gửi cấp ủy, chính quyền cùng cấp đề nghị thông báo các nội dung cần phản biện. Qua đó, xây dựng các hình thức phản biện phù hợp. Trước khi tổ chức, MTTQ mời và đặt bài phản biện của các chuyên gia, những người nắm chắc kiến thức, am hiểu về lĩnh vực liên quan. Sau các cuộc phản biện, MTTQ tổng hợp các ý kiến, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu và có thông báo trở lại.
MTTQ các cấp đã chủ động lựa chọn những vấn đề “nóng”, được nhân dân quan tâm để thực hiện công tác giám sát, phản biện như: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các dự án đầu tư công… Nội dung các cuộc phản biện được thông báo rõ đến các chuyên gia từ sớm. Qua đó, chất lượng phản biện, giám sát được nâng cao. Trong 5 năm trở lại đây, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 32 cuộc phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức phản biện đối với 12 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp…
Một trong những hoạt động phản biện quan trọng được MTTQ tỉnh Lạng Sơn triển khai thời gian qua là Hội thảo phản biện xã hội đối với Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2040. Đây là một đồ án quan trọng, có ý nghĩa lớn với kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng thể diện tích phát triển khu du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trên 11.000 ha. Đồ án đề ra mục tiêu nhằm phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, tâm linh, tạo nên nét đặc trưng riêng.
Phương Nguyên