(Mặt trận) - Ngày 15/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về việc điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.
Đề xuất mức thu phí 160%
Theo Dự thảo Nghị quyết, đề xuất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 tăng so với Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND 160%.
Cụ thể: Đá làm vật liệu xây dựng thường từ 5.000 đồng/m3 lên 8.000 đồng/m3; các loại đá khác (đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan) từ 3.000 đồng/tấn lên 4.800 đồng/tấn. Các loại cát khác (cát san lấp, cát xây dựng…) từ 4.000 đồng/m3 lên 6.400 đồng/m3. Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3. Đất sét, đất làm gạch, gói từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3. Cao lanh từ 7.000 đồng/m3 lên 11.200 đồng/m3. Nước khoáng thiên nhiên từ 3.000 đồng/m3 lên 4.800 đồng/m3. Than bùn từ 10.000 đồng/tấn lên 16.000 đồng/tấn…
Đối với trường hợp khoáng sản không có trong danh mục nêu trên thì áp dụng mức thu tối đa theo Nghị định số 164/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Theo Dự thảo, hiện nay, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP dần cạn kiệt, cần đảm bảo việc khai thác khoáng sản có hiệu quả, tiết kiệm. Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường, do đó cần phải áp dụng mức thu cao để phòng ngừa, hạn chế, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường và yêu cầu về bảo vệ đê điều, bảo vệ nông nghiệp tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Nhiều ý kiến đồng thuận
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, mặc dù TP đã thu phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng so với những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội, tốc độ, mức độ khai thác, nhu cầu vật liệu, giá cả vật liệu và tác động của dịch bệnh Covid-19… chưa tương xứng.
Do đó, việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần giải quyết những bất cập hiện nay trong hoạt động khai khoáng, bảo vệ môi trường.
Theo TS Đinh Hạnh, Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, mức đề nghị tăng thu phí bảo vệ môi trường khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn TP Hà Nội là phù hợp, có sự đồng thuận của các đối tượng đang hoạt động khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, Dự thảo đã có sự tham gia đóng góp của các sở, ngành có liên quan của TP và các cơ quan chuyên môn của Trung ương nên có cơ sở để tin mức điều chỉnh lần này là phù hợp.
Không những thế, có đại biểu còn cho rằng, mức thu phí bảo vệ môi trường 160% đối với hoạt động khai thác khoáng sản vẫn là… thấp. Theo ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm HĐTV Tổng hợp, Phân tích Dư luận xã hội, việc ban hành quyết định mới về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP là cần thiết.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của 2 năm dịch Covid-19 và ảnh hưởng của tình hình chiến sự Ucraina diễn biến phức tạp, dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao. Vì vậy, việc tăng 50% giá tiêu dùng cộng với 10% giá trị gia tăng do đặc thù Hà Nội (tổng cộng tăng 160% phí và lệ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP là khá thấp, cần xem xét lại). Từ đó, ông Quang đề xuất mức phí phải tăng từ 170-180%.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất không nên áp mức thu phí đồng đều đối với 8 loại khoáng sản mà tùy theo từng loại, mức độ khai thác, trữ lượng, mức độ khó khăn trong khai thác… để có mức thu phí bảo vệ môi trường riêng.
Tiếp tục nghiên cứu mức phí phù hợp
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Nhấn mạnh những ý kiến, đóng góp đó sẽ là cơ sở để UBND TP bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, đồng chí cũng giải trình, làm rõ hơn về phạm vi, cơ sở để xây dựng cách tính phí; tiếp thu các góp ý về căn cứ pháp lý cũng như thể thức văn bản, nội dung… để Nghị quyết có chất lượng, hiệu quả, có giá trị thực tiễn.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận tại hội nghị |
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, các căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đều rất đầy đủ, tuy nhiên cần dựa trên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIII, Chương trình 5 của Thành ủy... làm căn cứ cho sự thay đổi về phí, mức phí.
Về thể thức văn bản, đồng chí đề nghị các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện từ tên, bố cục, nội dung, sự thống nhất đồng bộ giữa các văn bản liên quan và phải rõ vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức...
Nhấn mạnh việc quy định mức phí ngoài đóng góp phần nhỏ ngân sách còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và khuyến khích công nghệ khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghi tiếp tục nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, từ nhu cầu tới mức độ khan hiếm... để xác định mức tăng cho từng loại khoáng sản, tiến tới hạn chế khai thác các khoáng sản có tác động rất lớn tới sự phát triển của TP như cát, đất, đá...
Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm, cơ chế quản lý và thẩm quyền xử lý vi phạm; khuyến khích sử dụng vật liệu khác để thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng cũng như đảm bảo cơ chế linh hoạt trong điều chỉnh tăng giảm mức phí...
PV