Giám sát, phản biện gắn liền với cuộc sống

(Mặt trận) - Qua thực tế triển khai giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) trong những năm qua, bên cạnh những thành quả quan trọng, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết kịp thời. Việc xử lý dứt điểm những bất cập nêu trên sẽ góp phần phát huy ý nghĩa sâu sắc của GSPBXH trong cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, cần thiết của một chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tại Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật phòng, chống tham nhũng

Giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra

Trong những năm gần đây, nhất là sau khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW “Ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” vào năm 2013, nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam nói chung và về chức năng, nhiệm vụ GSPBXH nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn địa phương coi MTTQ chỉ đóng vai trò tham gia, hưởng ứng các hoạt động của Đảng, Nhà nước mà chưa thật sự là một chủ thể có tiếng nói đại diện cho nhân dân để giám sát, phản biện đối với việc xây dựng, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đáng chú ý, có địa phương tổ chức GSPBXH nhưng còn hình thức do né tránh những vấn đề nóng, phức tạp, ngại va chạm với các sở, ngành, dẫn đến hiệu quả GSPBXH chưa cao. Vẫn có nơi xem nhẹ quyền GSPBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các hoạt động GSPBXH  đôi khi chỉ gói gọn trong nội bộ Ủy ban MTTQ mà chưa huy động và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên. 

Mặc dù từ cuối quý IV-2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã sớm chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch  GSPBXH năm 2020, nhưng  do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và có giai đoạn tái bùng phát cho nên một số chương trình triển khai chậm so với kế hoạch. Việc tổ chức hoạt động GSPBXH đôi khi chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của người đứng đầu một số tổ chức, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Tại một số địa phương, việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng “Quy định về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” chưa thu được hiệu quả rõ nét; việc lựa chọn nội dung giám sát còn dàn trải, mới chỉ tập trung triển khai thực hiện các chương trình giám sát đã ký kết, chưa tổ chức giám sát đột xuất các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân được nêu ra là còn lúng túng về phương thức triển khai, nhiều nơi chưa mạnh dạn, chủ động bởi cho rằng đây là công việc tế nhị, việc khó, chưa có hướng dẫn cụ thể. 

Hiệu quả, chất lượng công tác GSPBXH tuy có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra. Có địa phương không thực hiện được nội dung  PBXH nào mà chỉ tham gia góp ý các dự án luật, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chất lượng góp ý thấp. Có những hội nghị phản biện được tổ chức nhưng các đại biểu nêu ý kiến chung chung, phần lớn nhắc lại ý nghĩa của việc được phản biện, thậm chí có người dành nhiều thời gian góp ý về câu chữ mà không chú trọng phản biện nội dung. Mặc dù nhiều kiến nghị sau phản biện của MTTQ các cấp đã được cơ quan có thẩm quyền trao đổi, tiếp thu, phản hồi, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng tiếp thu, phản hồi chưa kịp thời và chưa thỏa  đáng, nhiều nội dung phản hồi chỉ là sự ghi nhận hoặc hứa hẹn sẽ nghiên cứu, xem xét. 

Có đoàn giám sát do chưa chuẩn bị kỹ về nội dung, phương thức cho nên chỉ tiến hành giám sát thông qua các buổi làm việc tại chỗ, nghe báo cáo bằng văn bản của các cơ quan chức năng mà chưa dành thời gian đi giám sát, kiểm tra, nghe ý kiến phản ánh, phản hồi của đối tượng liên quan nội dung giám sát. Có đoàn đã tổ chức giám sát thực tế nhưng quỹ thời gian không đủ, phương thức tiếp cận thực tế còn đơn giản, hình thức cho nên kết quả thu nhận được chưa sát, chưa đi đến cùng vấn đề.

GSPBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là một hoạt động  đã được tổ chức thực hiện nhiều năm nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, một số đoàn thể lúng túng do thiếu thông tin, thiếu nhân lực đủ trình độ để nghiên cứu vấn đề xuất phát từ thực tiễn, nhiều khi chưa mạnh dạn, chưa chủ động, chưa có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành gửi văn bản dự thảo đến để lựa chọn tổ chức phản biện; số lượng, chất lượng GSPBXH chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu...

Phát huy hiệu quả trong thực tế

Trao đổi với chúng tôi về những điểm nhấn  trong công tác của MTTQ các cấp thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, GSPBXH đã đạt được những thành tựu quan trọng và ngày càng có ý nghĩa hơn với đời sống của nhân dân và quá trình điều hành, quản lý của chính quyền. Vì vậy, MTTQ các cấp cần tiếp tục coi trọng và đẩy mạnh công tác quan trọng này, đưa  GSPBXH vào chiều sâu, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn. 

Thực tế cho thấy, GSPBXH vẫn đang là nội dung công việc  khá mới, không dễ thực hiện đối với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tại một số địa phương. Một trong những nhân tố quan trọng để có thể làm tốt công tác này là ngay từ giai đoạn đầu, các cơ quan cần xác định rõ, cụ thể sẽ giám sát, phản biện những vấn đề nào, lĩnh vực nào mà nhân dân quan tâm, từ đó nghiên cứu, tìm tòi phương  thức thực hiện phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng việc tiếp nhận, kiểm tra, cung cấp thông tin  thật đầy đủ, chính xác, để làm cơ sở vững chắc cho việc GSPBXH. Thêm nữa, yếu tố quyết định đối với sự thành công của GSPBXH chính là  hiệu quả, sự tác động sau đó. Những vấn đề, bất cập, hạn chế được đặt ra, được nêu rõ trong quá trình GSPBXH có được các cơ quan chức năng tiếp thu hay không? Việc tiếp thu có được chuyển thành những hành động khắc phục cụ thể, kịp thời, hợp lý hay không? Đây là những vấn đề không mới nhưng vẫn “nóng” và cấp bách đối với hiệu quả, hiệu lực thực chất của GSPBXH. 

Một số cán bộ MTTQ Việt Nam các địa phương đề nghị, để GSPBXH hiệu  quả hơn nữa, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một bước Quy chế của Bộ Chính trị về việc MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia GSPBXH, trong đó tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên; xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức và đảng viên đối với hoạt động giám sát và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát của MTTQ. Đáng chú ý, từ thực tế các địa phương, một vấn đề đặt ra là hoạt động giám sát của MTTQ chỉ có thể phát huy tốt hiệu quả khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần có cơ chế tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

GSPBXH cần gắn liền với thực tế đời sống, vì vậy MTTQ và các đoàn thể cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai. Trước khi tổ chức giám sát, phản biện phải chuẩn bị tốt các tài liệu liên quan và gửi tới tất cả các thành viên của đoàn giám sát để nghiên cứu; đồng thời cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của đoàn giám sát. Tham gia giám sát, phản biện cần những cán bộ, chuyên gia có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc.

GSPBXH cần được xây dựng, phát triển như là một trong những “kênh” quan trọng để nhân dân thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; đồng thời trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của mỗi địa phương. Công tác  GSPBXH được tập trung, tăng cường  sẽ kịp thời  giúp cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền kịp thời  nắm bắt, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó giải quyết kịp thời, thấu đáo.  Làm tốt nội dung này sẽ góp phần quan trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, qua đó hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo, đồng thời củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ giám sát của MTTQ các cấp không chỉ là  trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho MTTQ mà còn  để MTTQ khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội  cần tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài.