Giám sát phản biện cần thực chất, hiệu quả

(Mặt trận) - Chiều 30/12, tiếp tục chương trình Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ sáu, khóa IX, đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm nâng cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam các cấp trong năm 2022.

MTTQ huyện Thuận Châu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực điều hành phiên thảo luận chiều ngày 30/12

Cần có chế tài về hậu kiểm giám sát

Góp ý về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho rằng, một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đa dạng hóa cách thức lắng nghe, tập hợp ý kiến của cử tri, nhân dân, phản ánh với Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các cấp; tăng cường công tác hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên để tạo thành sức mạnh tổng thể toàn hệ thống.

Theo ông Thắng, hiện nay, Đà Nẵng là một trong ba địa phương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp phường nên Mặt trận rất chú trọng đến công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong năm 2021, Ủy ban MTTQ thành phố đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 2 văn bản quan trọng về giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội của nhân dân trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.

“Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để MTTQ TP Đà Nẵng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng Đảng, chính quyền, thực sự là cầu nối tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, ông Ngô Xuân Thắng chia sẻ.

 Quang cảnh Hội nghị chiều 30/12

Để công tác giám sát thực sự phát huy hiệu quả, thực chất hơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân cho rằng, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần đưa ra hướng dẫn liên quan tới quy chế hoặc chế tài về hậu giám sát từ đó khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai và phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát; đồng thời có hướng dẫn các địa phương để đảm bảo thống nhất triển khai từ 70-80% chương trình giám sát mà Trung ương đề ra. Có như vậy mới phản ánh được bức tranh toàn cảnh trong chương trình giám sát năm 2022, tránh tình trạng dàn trải, mỗi tỉnh lại triển khai các chương trình giám sát khác nhau.

Chủ tịch Mặt trận tỉnh Hà Tĩnh đề xuất cùng với các nội dung, số lượng hoạt động giám sát năm 2022, cần có chủ trương chung trong giám sát việc phân bổ kinh phí trong tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, không làm theo phong trào

Cùng góp ý về phương hướng hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển bền vững. Phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

“Hiện nay, vấn đề rác thải từ những ngành nghề như sản xuất năng lượng, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp đang cần được giải quyết. Hay trong công tác môi trường đô thị, rác thải, nước thải sẽ được xử lý ra sao? Nếu Mặt trận không giám sát thì vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được kiểm soát.” Ông Nguyễn Quang Huân đề xuất và mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ đưa nội dung này vào chương trình giám sát, phản biện để cùng chung tay đưa đất nước phát triển xanh, phát triển bền vững.

Góp ý vào chương trình giám sát năm 2022, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đề nghị MTTQ cần đẩy mạnh việc giám sát “truyền thông”, không để truyền thông thái quá trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khi phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp thì người dân mới không hoang mang và bình tĩnh tiếp cận với dịch vụ y tế để kịp thời chữa bệnh.

“Mặt trận cần phản biện với Bộ Tài chính và Bộ Lao động, thương binh và xã hội để có nguồn kinh phí hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện công tham gia phòng, chống dịch”, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nói.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Cùng góp vào nội dung này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam mong muốn, trong năm 2022, MTTQ Việt Nam sẽ tăng cường hơn, thực chất hơn trong triển khai giám sát, phản biện xã hội. Thông qua giám sát sẽ thể hiện sức mạnh của hệ thống Mặt trận, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân gửi trao.

Về phương hướng giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam năm 2022, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề xuất, MTTQ Việt Nam cần xây dựng những kế hoạch cụ thể, không chỉ làm phong trào theo hướng chung chung mà cần cụ thể ở từng vùng, từng lĩnh vực, chuyên mục khác nhau.

Chia sẻ dịch bệnh Covid-19 đi qua, đang gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân, doanh nghiệp nhất là người nông dân ở những vùng cao, miền núi, Thượng tọa Thích Đức Thiện mong muốn, công tác giám sát, phản biện xã hội sẽ tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để những chương trình mục tiêu quốc gia đem lại kết quả thực tế cho đời sống đồng bào các dân tộc, những người có hoàn cảnh khó khăn.