(Mặt trận) - Sáng 18/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp |
Bổ sung danh hiệu thi đua xã, phường, thị trấn tiêu biểu
Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự án Luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai và được các đại biểu Quốc hội thảo luận với 268 lượt ý kiến thảo luận tại Tổ, 34 lượt ý kiến tại Hội trường và 8 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, ĐBQH nhất trí bổ sung quy định danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”.
Về việc bổ sung một số danh hiệu thi đua nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc bổ sung danh hiệu thi đua ở phạm vi cấp xã là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì xã, phường, thị trấn là một đơn vị hành chính nên tên gọi danh hiệu thi đua là “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” là phù hợp. Việc bổ sung tiêu chuẩn dẫn đầu cấp huyện, một số tiêu chuẩn cụ thể và quy định UBND cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu này bảo đảm phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, địa phương và bảo đảm tính khả thi.
Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý Điều 26 dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) theo hướng đổi tên điều thành Danh hiệu “Xã, Phường, Thị trấn tiêu biểu”, quy định phạm vi dẫn đầu trong cấp huyện và bổ sung quy định UBND cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu này.
Về việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận công lao hy sinh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc của lực lượng Thanh niên xung phong bằng việc trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao nhất của Nhà nước. Về cơ bản, các cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã được xét khen thưởng như những đối tượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo niên hạn, công trạng, thành tích. Thanh niên xung phong nếu là người có công với Cách mạng còn được thực hiện chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng và những chính sách khác đối với Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế, Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam…
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như dự thảo Luật cần cân nhắc. Bởi, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW về Đề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng đã nêu rõ “cần giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước”. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không quy định về khen thưởng thành tích kháng chiến mà chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và giao Chính phủ hướng dẫn thể thức, thời hạn kết thúc. Việc bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến vào dự thảo Luật thì thực chất chỉ để “áp dụng một lần” vì sau khi giải quyết khen thưởng xong sẽ không còn đối tượng để khen thưởng, không bảo đảm tính chất “được áp dụng lặp đi lặp lại” của quy phạm pháp luật. Ngoài ra, sẽ thấy cần cân nhắc bổ sung riêng hình thức khen thưởng này nếu đối chiếu với nguyên tắc của khen thưởng “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”; tính công bằng với việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (có hoặc chưa có hình thức khen thưởng tương tự), với các hình thức khen thưởng huy chương khác; cũng như, tính khả thi của chính sách này.
Thường trực Uỷ ban Xã hội cũng đề nghị, cần giao Chính phủ căn cứ kết quả tổng kết thành tích kháng chiến để đề xuất cơ quan có thẩm quyền có hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng phù hợp đối với người tham gia kháng chiến (trong đó có Thanh niên xung phong) chưa đủ điều kiện được tặng Huy chương kháng chiến hoặc hình thức khen thưởng kháng chiến khác theo quy định.
Tán thành bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang
Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, sự chủ động của Ủy ban Xã hội, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Văn phòng Quốc hội, các bộ, ngành liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cho rằng, cần xác định việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này là việc làm rất khó, rất nhạy cảm và rất quan trọng, nên cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao. Trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã phối hợp tốt thì sắp tới cần phối hợp tốt hơn để hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định một dự thảo Luật có chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ủy ban Xã hội cần có báo cáo trình bày rõ hơn việc tiếp thu ý kiến của đại biểu; với chính kiến rõ ràng và thuyết phục về những vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra cần tăng cường phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp để xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật...
Về việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong. Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các thành tích, công lao của lực lượng thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, khẳng định trong nhiều báo cáo. Và, dù có nhiều lý giải khác nhau về vấn đề này, song Trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, việc xét trao tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang thực hiện với những đối tượng còn tồn đọng, thiếu sót, chưa được bổ sung kịp thời trong thời gian qua.
Dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cái gì có lợi cho dân chúng ta cố gắng làm”, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, không nên để hàng vạn thanh niên xung phong đã 70 tuổi trở lên có tâm trạng, sự phân tâm như hiện nay. Việc khen thưởng huy chương này còn giúp giáo dục truyền thống cách mạng, mang lại vẻ vang cho gia đình các thanh niên xung phong… Nói cách khác, giá trị và kết quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều nếu không bổ sung một số quy định về khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị, cần bổ sung một số đối tượng được xét trao tặng huy chương này, vì ngoài thanh niên xung phong có dân quân hỏa tuyến, dân quân du kích - là lực lượng có số lượng khá lớn trong miền Nam. Những dân quân du kích này cũng bồng súng phục vụ kháng chiến, còn sau khi buông súng sẽ cầm cày cuốc ngay để lao động, sản xuất. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc bổ sung thêm đối tượng được xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang sẽ giúp bao quát hết các đối tượng tham gia kháng chiến, tránh khi thấy "nhu cầu nổi lên" trong thực tiễn lại tiếp tục sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng.
Với các tiêu chí, tiêu chuẩn để xét trao tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, có thể cao hơn về phạm vi, yêu cầu so với phương án Chính phủ trình, song không được cao hơn tiêu chuẩn khen thưởng của quân đội.
Phát biểu tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, bên cạnh nội dung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến rõ ràng đối với các nội dung khác của dự án Luật như tiêu chuẩn, các danh hiệu thi đua, thẩm quyền khen thưởng, hồ sơ khen thưởng của khu vực tư nhân, khen thưởng của Quốc hội, khung hướng dẫn chung để địa phương cụ thể hóa, xử lý vi phạm, sự thống nhất giữa các điều khoản…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để bảo đảm chất lượng của dự án Luật khi trình Quốc hội. “Thời gian vật chất của chúng ta còn nên các cơ quan chức năng cần quan tâm triển khai công tác nêu trên”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Đại biểu Nhân dân