Điều chỉnh luật để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn

(Mặt trận) - Hà Nội là đầu tàu kinh tế của cả nước. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên đưa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội vào đời sống. Từ khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời đã góp phần to lớn đưa các phong trào, các hoạt động của Mặt trận TP Hà Nội đi lên. Tuy nhiên qua 5 năm hoạt động, bên cạnh những ưu điểm thì Luật MTTQ Việt Nam cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định cần phải được bổ sung, thay thế.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng huyện Gia Lâm (Hà Nội) bám sát Luật MTTQ Việt Nam để nâng cao chất lượng hoạt động. 

TS Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật của Mặt trận thành phố Hà Nội cho biết, 5 năm qua hoạt động của MTTQ có những bước tiến quan trọng cả nhận thức và hành động. 5 năm qua chúng ta tiếp tục thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung hoạt động của MTTQ. Đây là nhân tố quan trọng để nhìn lại hoạt động của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những tồn tại do chỉ đạo của Trung ương chưa lan truyền xuống cơ sở, chưa “thấm” hết vào nhiều hoạt động của Mặt trận. Ở góc độ nào đó chính MTTQ cũng đã thu mình lại chưa nắm lấy cơ hội để hoạt động.

Ông Hoạt đề nghị, Mặt trận cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề nhân dân quan tâm; cần bổ sung thêm việc nhân dân được quyền giám sát hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vì trước đây Luật chỉ quy định nhân dân giám sát các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước mà thôi.

Bày tỏ quan điểm của mình để góp ý cho hoạt động Mặt trận được tốt hơn, ông Phạm Lợi - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố cho rằng, 5 năm thực hiện Luật MTTQ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng còn có những hạn chế. Mặc dù Luật MTTQ Việt Nam đã quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức thành viên nhưng mới dừng ở mối quan hệ “tự nguyện”, “thỏa thuận”, “phối hợp” nhưng thiếu quy định về trách nhiệm thực hiện.

Từ thực tiễn hoạt động đề nghị cần cân nhắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc Mặt trận tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí. MTTQ Việt Nam có tầm ảnh hưởng, có thế mạnh trong hoạt động ở khu dân cư, do đó, cần bổ sung “MTTQ tổ chức, động viên nhân dân phát huy tinh thần làm chủ giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; phát hiện những gương người tốt, việc tốt; những biểu hiện tiêu cực, lối sống xa hoa của cán bộ, công chức, viên chức ở khu dân cư để báo cáo, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.

Từ khi Hiến pháp năm 2013 ra đời thì vị trí, vai trò của MTTQ được nâng lên. Theo bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố, Mặt trận đã hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực hơn, bớt hình thức hơn. Tuy nhiên, đối với các hoạt động giám sát, phản biện thì cần phải tăng cường sức mạnh cho MTTQ bằng cơ chế, bằng Luật chứ không thể bằng những hoạt động chung chung.Tuy nhiên, nhiều vấn đề giám sát còn chưa được luật hóa như giám sát quyền lực thế nào thì việc phối hợp với các cơ quan còn thiếu bình đẳng.

Để phát huy cũng như tăng cường hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận cho sát với tình hình thực tế thì các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam là điều cần thiết; để đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh hoạt động của Mặt trận hiện nay.

Tiếp thu các ý kiến, ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, qua 5 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam, việc triển khai thực hiện Luật còn một số hạn chế như: Công tác quán triệt, tuyên truyền Luật MTTQ còn chưa thường xuyên, sâu rộng; chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận các cấp có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, nhất là cấp xã; việc luân chuyển cán bộ MTTQ ở một số nơi còn chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế, cá biệt có nơi công tác cán bộ Mặt trận bị xem nhẹ; Công tác phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức thành viên với MTTQ ở một số nơi còn chưa chặt chẽ, thường xuyên nhất là trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội… Cho nên việc góp ý, điều chỉnh Luật MTTQ Việt Nam để phù hợp trong tình hình mới là việc làm cần thiết.