(Mặt trận) - Nhiều cách làm, kinh nghiệm hay về giám sát, phản biện xã hội đã được đại diện Mặt trận các tỉnh trong Cụm thi đua Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung chia sẻ tại buổi tọa đàm do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức vào chiều ngày 5/7.
|
Quang cảnh hội nghị sơ kết và tọa đàm “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” . Ảnh: VINH ANH |
Những khó khăn
Phát biểu đề dẫn tọa đàm “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, qua kết quả 5 năm triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, vị trí, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng được khẳng định và phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung chủ trì tổ chức 12.125 cuộc giám sát, 2.949 hội nghị phản biện xã hội. Riêng Mặt trận tỉnh Quảng Nam tổ chức 2.451 cuộc giám sát và 1.084 hội nghị phản biện xã hội.
Bên cạnh kết quả, công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương trong cụm có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có địa phương thiếu chủ động, chưa trọng tâm, trọng điểm. Việc xác định đối tượng, nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội ở một số địa phương còn lúng túng; chưa phát huy đầy đủ 4 hình thức giám sát và 3 hình thức phản biện xã hội một cách phù hợp, hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân của những khó khăn, đó là một số quy định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội chưa được thể chế hoá kịp thời như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp, bảo đảm điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ Việt Nam giám sát, phản biện. Trách nhiệm trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân...
Ông Nguyễn Bá Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, một trong những khó khăn của công tác giám sát, phản biện hiện nay, đó là sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương có nơi chưa nhất quán. Có nơi chỉ dừng ở chỉ đạo bằng văn bản, còn việc quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức chưa được quan tâm.
“Quy định có 4 hình thức giám sát, nhưng phần lớn Mặt trận đang làm chủ yếu là đoàn giám sát. Việc triển khai chỉ làm tốt cấp tỉnh và một số huyện, còn cơ sở thì đội ngũ mong, năng lực hạn chế nên kết quả chưa đồng đều” - ông Minh chia sẻ thêm.
Lựa chọn nội dung giám sát, phản biện
Nhiều kinh nghiệm hay trong công tác giám sát, phản biện đã được chia sẻ tại tọa đàm. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần chọn, xác định được nội dung để thực hiện.
Ông Nguyễn Phú Nghĩ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình giám sát là quan tâm nội dung, vì sao chọn cái này mà không chọn cái kia. Phải chọn nội dung cho kỹ, đó phải là những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ chính trị và giải quyết những điểm nóng của địa phương”.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Bá Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi nói: “Mặt trận cần chọn cho được đúng nội dung, vấn đề cần giám sát trong năm. Đó là những nội dung xuất phải từ yêu cầu thực tiễn, từ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của nhân dân. Khi xác định được nội dung thì thực hiện theo các bước và lựa chọn hình thức giám sát phù hợp.
|
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phát biểu |
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm của Quảng Nam trong giám sát và phản biện xã hội với "4 chữ C", đó là "Chủ động, cụ thể, chặt chẽ, chất lượng".
Theo ông Hùng, việc triển khai giám sát cần hết sức chặt chẽ theo quy định pháp luật, không thể làm tắt làm gọn. Không chờ đợi đề nghị cấp ủy, chính quyền rồi mới giám sát, phản biện; cần chọn những việc cụ thể, phát sinh bức xúc, kiến nghị trong cử tri, nhân dân. Đồng thời phải theo đuổi đến cùng kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
|
Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VINH ANH |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá những kết quả đạt được của Mặt trận Cụm thi đua Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung trong 6 tháng đầu năm, đồng thời chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, nhất là công tác tổ chức Đại hội Mặt trận cấp tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Về nội dung tọa đàm, ông Vũ Văn Tiến đánh giá cao các ý kiến tại tọa đàm đã nêu bật những kết quả đạt được, những nét mới, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và chỉ ra tồn tại hạn chế và nguyên nhân trong giám sát và phản biện xã hội; đồng thời cho biết Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.
Theo Báo Quảng Nam