Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Cán bộ làm công tác giám sát phải có bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng”

(Mặt trận) - Ngày 6/7, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân. Thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân quan tâm. Điều đó thể hiện qua công tác chỉ đạo, theo dõi các nội dung giám sát, phản biện xã hội mà MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai; đặc biệt là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và báo cáo giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trước Quốc hội được nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

Nhắc tới cơ sở chính trị và quan điểm của Đảng đối với hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban Bí thư ban hành Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên…

“Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã cụ thể hoá hoạt động giám sát theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư, trong đó nêu rõ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ và thực hiện công tác giám sát”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, ngày 26/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, tại Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, Điều 14, Chương III về Kỷ luật Đảng có đề cập tới việc kỷ luật Đảng đối với Đảng viên “Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát việc tiếp thu ý kiến góp ý chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định”; Tại khoản 1, Điều 9 Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13 ngày 9/6/2015, trong đó có Chương V quy định hoạt động giám sát và Chương VI quy định hoạt động phản biện xã hội…

Trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và Nghị quyết liện tịch 403 nói riêng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống MTTQ từ Trung ương tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quá triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa về nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó làm tốt hơn công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội hiểu rõ và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân. Thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực.

“Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên phải chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng xây dựng Luật gì, sửa đổi Luật nào, khoản nào? Nếu chúng ta chỉ kiến nghị chung chung thì không biết tiếp thu thế nào, kể cả có sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết liên tịch 403.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, việc hoàn thiện thể chế pháp luật là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đảm bảo “tròn vai, thuộc bài” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.

Nhấn mạnh tới yêu cầu MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng trong thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ở phạm vi toàn quốc, tiếng nói của Mặt trận mới giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có cái nhìn tổng quát và đạt được yêu cầu hoạt động giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, theo Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, trong năm 2024 sẽ tiến hành Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X. Trong nhiệm kỳ mới, có hai nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, phát huy vai trò của các Hội đồng Tư vấn, hoạt động của Ủy viên Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch không chuyên trách; Cùng với đó khâu đột phá được xác định chính là nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội như Chỉ thị 18 của Ban Bí thư.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng rằng, trong thời gian tới trên cơ sở phát huy những bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, khó khăn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội sẽ được nâng lên tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn.