Chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phấn đấu đến 2025 hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư

(Mặt trận) - Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, trách nhiệm trước hết là ở phía các địa phương. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, cần tích cực rà soát, tận dụng các chính sách hiện có để giải quyết, phấn đấu đến 2025 hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chế độ chính trị, tạo nền tảng vững chắc để phát triển đất nước nhanh, bền vững

MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Hà Giang: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

Tiếp tục Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 21.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng bộ với quy hoạch 

Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thì vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện, 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ.

Bên cạnh đó, có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Theo ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), một trong những nguyên nhân của các tình trạng trên là do đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ vấn đề này. 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã dôi dư là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến hết năm 2025 phải giải quyết xong.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của nhiều địa phương trong việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư như Quảng Ninh, Thanh Hóa…; đồng thời, cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề này. 

Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2030, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, như: Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3.6.2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, trong đó dành riêng một khoản cho sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư; Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…

Với số cán bộ, công chức dôi dư còn lại không nhiều, Bộ trưởng mong muốn các địa phương quan tâm, tập trung trên cơ sở các chính sách hiện có và hiện nay có tới 46/54 địa phương nằm trong diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã có Nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức dôi dư, ngoài Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh “trách nhiệm trước hết là ở phía các địa phương, các đồng chí rà soát, xem xét công khai, dân chủ, công bằng, tiếp tục tận dụng các chính sách hiện có của Trung ương và địa phương để giải quyết đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư”.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay chỉ có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp và được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị.

Đáng lưu ý, có 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã được hình thành chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và 58/104 đơn vị hành chính thị trấn hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long 

Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch, bởi vì theo Luật Quy hoạch thì phải xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, sau đó mới rà soát để quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn… Chính vì vậy các địa phương còn thực hiện chậm trễ. Tuy nhiên cũng có địa phương làm rất tốt như Quảng Ninh, làm rất quyết liệt.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ này, khi sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có liên quan.

Giai đoạn 2019 - 2021, còn dôi dư 864 trụ sở sau sắp xếp đơn vị hành chính

Quan tâm đến hiệu quả xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết các giải pháp căn cơ để giúp các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính ở cấp huyện, cấp xã nhằm phát huy hiệu quả của việc xử lý tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, giai đoạn 2019 - 2021, khi thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã thì có dôi dư 864 trụ sở. Đến nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Có thể nói, tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn rất lớn.

Cũng theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản.

"Đến thời điểm hiện nay cũng đã có sự tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định nhằm tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư", Bộ trưởng cho biết. 

Bên cạnh các cơ sở và căn cứ pháp lý, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn với sắp xếp tài sản dôi dư. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.