TPHCM: 62 tình nguyện viên tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19

(Mặt trận) - Trưa 11/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ ra quân đợt 2 các tình nguyện viên tôn giáo đến hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19. Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu; Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo TPHCM Nguyễn Duy Tân; Linh mục, Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Tình nguyện viên là người tôn giáo tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch

Trong đợt này, có 62 tình nguyện viên phục vụ tại 2 bệnh viện gồm: Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Tô Thị Bích Châu xúc động ghi nhận và tri ân tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng của các tình nguyện viên, cho rằng trong thời điểm khó khăn này, tinh thần đại đoàn kết hơn lúc nào hết đã minh chứng sự keo sơn, gắn kết của đồng bào các dân tộc, các giới, các tổ chức tôn giáo… qua đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua những nghĩa cử cao đẹp mang đậm tính nhân văn.

Bà Tô Thị Bích Châu cho rằng, cùng với người dân, thông qua nhiều hình thức sinh động, hiệu quả, các tôn giáo tại Thành phố đã có những đóng góp không nhỏ bằng cả vật chất, tinh thần lẫn nguồn nhân lực đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng tình nguyện viên tôn giáo đã góp phần hỗ trợ, giảm tải cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu, đặc biệt góp phần tích cực trong công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19.

“Không thể cân đong, đo, đếm được sự đóng góp của các tình nguyện viên tôn giáo trong công tác phòng, chống dịch. Thành phố luôn trân quý tình cảm và sự phụng sự thiện nguyện, dâng hiến mang đậm tính nhân văn sâu sắc của các tình nguyện viên tôn giáo cũng như mọi sự hỗ trợ, chung tay của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo động lực, xúc tác mạnh mẽ để Thành phố chiến thắng đại dịch Covid-19”- bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Những cái ôm thật chặt trước giờ lên đường

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời rất đáng trân trọng, đầy ý nghĩa nhân văn của các y, bác sĩ từ các địa phương trong cả nước và lực lượng tình nguyện viên tôn giáo tại Thành phố. Sự tiếp sức này đã góp phần giúp lực lượng y tế cứu sống, chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân Covid-19; giúp ngành y tế Thành phố thực hiện nhiệm vụ của mình trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, việc các tình nguyện viên tôn giáo tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch nơi tuyến đầu không chỉ có giá trị trong hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 mà còn là nguồn động viên thiết thực đối với lực lượng tuyến đầu, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh chiến thắng đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu tặng quà cho các tu sĩ

Có 4 xe xuất phát từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đến tận nhà dòng đón các tu sĩ. Vừa bước lên xe, ổn định chỗ ngồi, sơ Maria Đỗ Thị Mộng Hiền, dòng Đa Minh Tam Hiệp cho biết: “Mấy tuần qua, mình cũng được nghe các chị em đi phục vụ trước chia sẻ kinh nghiệm nên đã chuẩn bị tinh thần để cống hiến hết mình. Bề trên cộng đoàn cũng tạo điều kiện và khích lệ để mình có thể yên tâm phục vụ. Vì thế lúc này mình cảm thấy rất vui và bình an”.

Nữ tu Nguyễn Thị Trúc Linh, dòng nữ tử Bác Ái Vinh Sơn, chia sẻ: “Hàng ngày xem tivi thấy TP đang thực hiện chống chọi dịch Covdi-19. Do đó, chúng tôi không đứng ngoài dòng chảy của xã hội, nỗi đau của mọi người nên xin góp một phần nhỏ bé của mình để xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân và giúp y, bác sĩ những người ở tuyến đầu bớt vất vả. Hiện các tình nguyện viên có người làm trong lĩnh vực y tế, người làm ở lĩnh vực khác nhưng sẽ cố gắng đem hết sức mình để cùng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19”.

Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima đợt này có 3 nữ tu đăng ký tham gia tình nguyện. Tiễn ba sơ lên đường đi phục vụ, sơ Maria Phaolô Vũ Thị Ngọc Lan - Bề trên Tổng quyền nhắn nhủ các sơ yên tâm làm việc. Chị em ở nhà đồng hành qua lời cầu nguyện. Chị em có lo nhưng đừng sợ. Tu sĩ phải giống như hạt lúa mì gieo vào lòng đất mới trổ sinh hoa trái. Trước khi xuất phát, sơ Hoàng Kim Anh hồi hộp chia sẻ: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng mình lên đường, mang theo niềm tin và tình thương của tất cả mọi người gởi gắm. Đó là động lực để chị em mình cố gắng phục vụ, dốc hết trái tim, đôi tay, khối óc để hỗ trợ y bác sĩ và phục vụ bệnh nhân”.

Còn sơ Maria Têrêsa Nguyễn Thị Diệu Hiền, dòng Đức Bà Truyền Giáo, một trong 8 nữ tu đi phục vụ đợt 2 phấn khởi tâm tình: “Mình cảm thấy rất hạnh phúc vì được đại diện cho các chị em lớn tuổi ở nhà đi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Mình không lên đường một mình, nhưng mang theo tất cả tâm tình của chị em ở nhà. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng chúng mình tin tưởng Thiên Chúa sẽ chúc lành cho công việc của tất cả các tu sĩ tình nguyện”.

 

Trong đợt xuất quân lần này, 70 tình nguyện viên là các chức sắc, đồng bào Công giáo sẽ được đưa về tham gia hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 12 (62 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (8 người). Tất cả các tình nguyện viên đều đã trải qua khóa học tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế trong môi trường có bệnh nhân mắc Covid-19; đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 và có kết quả âm tính xét nghiệm RT- PCR.

Ngày mai, 12/8 sẽ có 8 vị tu sĩ tiếp tục ra tuyến đầu hỗ trợ phòng chống dịch tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Ngày 22/7 vừa qua, 299 tình nguyện viên tôn giáo là các chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo, Tin Lành, Phật giáo đã lên đường tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (214 người); Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 10 (45 người); Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 12 (40 người).