(Mặt trận) - Những năm qua, huyện Hướng Hóa tích cực triển khai các giải pháp phù hợp, từng bước hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển KT - XH đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Nhờ vậy, góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người đồng bào DTTS, xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.
|
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho dạy và học vùng DTTS&MN Hướng Hóa được quan tâm thực hiện - Ảnh: N.T |
Hướng Phùng là một trong những xã vùng đồng bào DTTS triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”. Từ khảo sát nhu cầu xã hội sát với tình hình thực tế của địa phương, xã Hướng Phùng đã đề xuất và triển khai tập trung các công trình mang lại lợi ích thiết thực. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết, xã đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết: “Nhờ thực hiện tốt các chính sách xã hội, hiện địa phương không còn tình trạng nhà ở dột nát, tỉ lệ nhà kiên cố ngày càng tăng, đặc biệt đã đầu tư xây dựng được hệ thống nước sạch ở thôn Chênh Vênh và thôn Cheng, đây là hai thôn khó khăn nhất về vấn đề nước sạch. Lao động tại địa phương được đào tạo qua nhiều kênh, nhất là trong lĩnh vực học tập kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục ngày càng được kiên cố hóa, hiện đã có 1 trường học đạt chuẩn quốc gia. 13/13 thôn đã có loa truyền thanh. 100% dân số có đóng bảo hiểm y tế…”.
Huyện Hướng Hóa có 14/21 xã vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở Nghị quyết số 15-NQ/TW, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan và UBND xã, thị trấn tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai nghiêm túc, đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về chế độ vùng DTTS&MN. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết của các cấp vào trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, sinh hoạt chi bộ và các diễn đàn sinh hoạt chi bộ hằng năm; hướng dẫn ban giám hiệu các trường trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung được đưa ra trong nghị quyết. Qua 10 năm thực hiện nghị quyết, công tác tạo việc làm, thu nhập, nhà ở và giảm nghèo cho đồng bào DTTS&MN đã đem lại hiệu quả rõ nét nhất trong quá trình thực hiện các chính sách xã hội tại địa bàn.
Huyện đã chú trọng tạo điều kiện về vốn, môi trường, kinh nghiệm, thông tin thị trường cho người lao động thông qua chương trình khuyến công và khuyến nông. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển để tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động. Đã thực hiện đồng bộ và lồng ghép có hiệu quả các giải pháp, tạo thêm nhiều việc làm mới. Nhờ vậy, tỉ lệ thất nghiệp giảm, tỉ lệ người có việc làm tăng, đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể, dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, trung bình mỗi năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 2,83% đạt so với nghị quyết đề ra. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng thêm gần 500 nhà ở cho hộ nghèo, nâng tổng số nhà ở đã xây dựng theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ lên 753 nhà với tổng kinh phí xây dựng trên 15 tỉ đồng. Hỗ trợ vay vốn ưu đãi để hộ nghèo xây dựng mới, nâng cấp nhà ở, nâng tổng số hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn lên 140 hộ với tổng kinh phí giải ngân là 3,5 tỉ đồng. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên phụ nữ, nông dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Ban vận động Quỹ “Ngày vì người nghèo” huyện đã hỗ trợ xây dựng mới 192 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 265 nhà với tổng kinh phí trên 15 tỉ đồng.
Vấn đề nước sạch ở vùng DTTS&MN được huyện đặc biệt chú trọng thông qua công tác xã hội hóa để hỗ trợ người dân xây dựng các công trình nước sạch như: Xây dựng hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, thiết bị đựng nước… qua đó, cải thiện đáng kể tỉ lệ sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã phối hợp với các chương trình, dự án, các đơn vị tài trợ hơn 15 thiết bị lọc nước, hơn 200 tẹc đựng nước, hàng chục công trình giếng khoan, bể lọc nước và các công trình nước sinh hoạt khác. Triển khai khắc phục hệ thống nước sinh hoạt tại xã Hướng Việt và xã Hướng Phùng với tổng mức đầu tư trên 5 tỉ đồng…
Nhờ đó, tỉ lệ người sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ngày càng nhiều hơn. Huyện còn thực hiện tốt các chế độ chính sách liên quan đến giáo dục như: Đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục; tăng cường công tác truyền thông tại vùng đồng bào DTTS&MN. Vì vậy, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dạy và học vùng này được cải thiện và từng bước nâng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua các chương trình tiếp sóng đài phát thanh, truyền hình trung ương, đài phát thanh - truyền hình tỉnh và huyện, các kênh báo chí truyền thông, hệ thống cổ động trực quan… các thông tin thời sự về miền núi được cấp nhật đầy đủ và thường xuyên tận các thôn, bản. Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động là đồng bào DTTS được quan tâm. Tổng số đồng bào DTTS tham gia BHXH 10 năm qua là hơn 800 người, trong đó tham gia BHXH bắt buộc 687 người, BHXH tự nguyện 121 người.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết: “Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Hướng Hóa xác định mục tiêu tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đến năm 2045 cơ bản đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, đảm bảo về thu nhập, giáo dục, y tế , nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông... góp phần từng bước nâng cao thu nhập, cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của người dân miền núi, nhất là vùng đồng bào DTTS”.
Ngọc Trang