Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

(Mặt trận) -Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, thời gian qua công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng DTTS tại Quảng Ninh đã được chú trọng thực hiện. Qua đó, giúp bà con ổn định cuộc sống, tích cực đầu tư phát triển sản xuất, tham gia đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Để giúp đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo an cư lạc nghiệp, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 31/3/2023 phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp và ổn định dân cư các vùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó có bố trí sắp xếp dân cư vùng biên giới, hải đảo và vùng thiên tai. Tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách với mục tiêu đến năm 2025, bố trí sắp xếp, ổn định dân cư cho 459 hộ gồm 1.609 nhân khẩu.

 Lãnh đạo huyện Tiên Yên trao kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hộ ông Chíu Chăn Sềnh (thôn Đoàn Kết, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên). 

Để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh tham mưu ban hành văn bản triển khai thực hiện các dự án 1 và 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các sở, ngành, địa phương đang khẩn trương rà soát để đề xuất đối tượng thụ hưởng chính sách. Trước đó, giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã hỗ trợ đất ở cho 332 hộ, hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho 594 hộ.

Hiện nay, phần lớn các hộ dân vùng DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất là những hộ mới lập gia đình, tách ra sống riêng. Bởi vậy, các địa phương cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động gia đình chia đất ở, đất sản xuất để con cái đầu tư, phát triển sản xuất.

Mặt khác, tỉnh, các ngành, địa phương còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi. Theo dự kiến, đến trước 30/9/2023 tỉnh sẽ hoàn thành hỗ trợ 66 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đang ở nhà tạm, nhà dột nát, từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Thời gian qua, Quảng Ninh cũng tập trung thực hiện Đề án giao đất, giao rừng, nhất là ở vùng DTTS, miền núi trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê là 139.313,79ha với 34.309 hộ; diện tích các hộ đang quản lý nhưng chưa giao, cho thuê là 18.163,69ha với 6.344 hộ và diện tích do UBND xã đang quản lý là 59.097,97ha.

Từ việc ổn định về đất ở, đất sản xuất, các địa phương tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; trong đó chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững, tập trung vào việc quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững... 8 tháng năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung ở Quảng Ninh đạt trên 5.000ha; trong đó diện tích trồng lim, giổi, lát đạt 657,54ha.

Đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768,53ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 896 hộ gia đình, cá nhân này để tham gia chính sách trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa là 38,47 tỷ đồng.

Cùng với đó, các địa phương còn định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS, miền núi theo hướng hàng hóa tập trung, trên cơ sở phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương. Để thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa ở vùng DTTS, các địa phương đã tích cực vận động doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; vận động người dân thành lập HTX. 8 tháng năm 2023, trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thành lập mới 9 HTX. Hiện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.

Bà Tằng Sám Múi (bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cho biết: Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ khó khăn, hỗ trợ đất sản xuất giúp các gia đình vùng DTTS yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định cuộc sống.

Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát nhu cầu vốn uỷ thác thông qua Ngân hàng CSXH. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh bổ sung 50 tỷ đồng vốn cho vay đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND; qua đó tổng nguồn vốn lũy kế được cấp đến nay là 300 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025; dư nợ đến 31/7/2023 đạt 239,3 tỷ đồng với 3.306 khách hàng vay còn dư nợ.

Cùng với đó, các địa phương cũng phối hợp cùng các ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay tại các xã thuộc phạm vi Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho bà con.

Không chỉ giúp ổn định, phát triển kinh tế, thông qua chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn giúp người dân yên tâm bám thôn, bản; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn Quảng Ninh.

N.T