Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Xác định vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng, bồi dưỡng những người có uy tín ở các địa phương để trở thành cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Bà Châu Thị Xéo (giữa) tích cực vận động đồng bào Chăm ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phước trồng cây măng tây xanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ninh Thuận hiện có 124 người có uy tín thuộc các dân tộc Chăm, Raglai, K’ho, Nùng và Chu ru được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt là các già làng, tộc trưởng, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, nhà giáo, thầy thuốc, nhân sĩ, người sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên, người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Để phát huy vai trò của người có uy tín, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Ninh Thuận luôn dành sự quan tâm đặc biệt, hướng dẫn nhiệm vụ cho người có uy tín để cùng địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Với lời nói đi đôi với việc làm, nhiều người có uy tín đã trở thành gương sáng cho cộng đồng học hỏi, làm theo. Tiêu biểu trong hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có ông Katơr Quỳnh (dân tộc Raglai, huyện Bác Ái), ông Katơr Yêu (dân tộc Raglai, huyện Thuận Bắc); người có uy tín trong phong trào vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu có ông Pi Năng Thiêng (dân tộc Raglai, huyện Bác Ái), ông Thạch Ngọc Su (dân tộc Chăm, huyện Ninh Phước); trong phong trào xây dựng nông thôn mới có ông Ya Bá (dân tộc Raglai, huyện Ninh Sơn), ông Châu Kim Mỹ (dân tộc Chăm, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có các ông Đổng Bạ (dân tộc Chăm, huyện Ninh Phước) và Lường A Chưởng (dân tộc Nùng, huyện Ninh Sơn)...

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là đại diện của sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương. Người có uy tín trên địa bàn đã và đang thể hiện tốt vai trò trong việc vận động nhân dân tích cực thực hiện các phong trào, cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, "Cả nước chung tay vì người nghèo"; vận động bà con bàn giao mặt bằng xây dựng các công trình dự án năng lượng tái tạo, đường cao tốc Bắc - Nam; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, người có uy tín còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại nơi cư trú; vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan; tích cực gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của người có uy tín, thời gian tới Ninh Thuận tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến đồng bào như: Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tỉnh tăng cường tuyên truyền, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương; các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để người có uy tín nắm vững, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có uy tín tham gia các hoạt động góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp, ngành tiếp tục quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín. Đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương, khen thưởng những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 124 thôn, khu phố của 37 xã ở 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và nhà nước, đến nay, tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia, có trạm y tế và đường giao thông nối đến trung tâm huyện được trải nhựa; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã có 16/37 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11 xã vùng đồng bào Chăm và 5 xã vùng đồng bào Raglai.