Gia Lai: Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Quan tâm chính sách người có uy tín

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện chiếm khoảng 46% dân số. Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS”; hàng năm, các ngành chức năng liên quan và các địa phương trong tỉnh đã phối hợp rà soát, bổ sung người có uy tín trong đồng bào các DTTS đảm bảo về số lượng và chất lượng, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027. Theo đó, toàn tỉnh có 955 người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Jrai 609 người, dân tộc Bahnar 299 người, dân tộc khác 47 người, có 941 nam và 14 nữ. Họ là những điển hình tích cực góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư.

Ông Đinh Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, cùng chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức gặp mặt người uy tín tiêu biểu trong đồng bào các DTTS theo định kỳ ở cấp tỉnh 2 năm 1 lần và cấp huyện 1 năm 1 lần, gắn với chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện các chính sách và động viên đối với người uy tín. Qua đó, đã biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò tại cộng đồng dân cư”.

Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn theo đúng quy định; thăm, tặng quà vào các dịp lễ, Tết, hỗ trợ người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn; tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp các thông tin về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cho người có uy tín. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức các đoàn đại biểu đại diện người có uy tín của tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế-xã hội trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị biểu dương khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân học tập, thực hiện theo Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các DTTS tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh…

Tích cực trong các phong trào ở cơ sở

Đội ngũ người có uy tín đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần các DTTS, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới…

 Người có uy tín trao đổi về công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Nhật

Tại huyện Chư Pưh, đội ngũ người uy tín trong đồng bào DTTS đã tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng chủ trương của địa phương về làm đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong năm 2023, người dân đã hiến đất, đóng góp kinh phí và 34.000 ngày công cùng với địa phương làm mới hơn 69 km và nâng cấp 2,8 km đường nhựa, làm mới 5,7 km đường bê tông và hơn 72 km đường cấp phối. Ông Siu Biai (làng Phung, xã Ia Phang) chia sẻ: “Cùng với hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới do xã phát động, năm qua, bà con trong làng tiến hành nhiều đợt tổng vệ sinh môi trường, trồng mới 50 cây xanh dọc các tuyến đường trong làng để tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp. Đồng thời, các hộ dân di dời chuồng chăn nuôi ra sau và xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng-chống dịch bệnh…”.

Là người có uy tín ở cơ sở, ông Rơ Ô Bhót (buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) đã phối hợp với các ban ngành địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông còn là thành viên của tổ hòa giải tham gia hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương, qua đó góp phần ổn định tình hình địa phương và hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp. Ông Rơ Ô Bhót chia sẻ: “Cán bộ hòa giải cần kiên trì tìm hiểu rõ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, từ đó xem xét, kết hợp giữa quy định pháp luật và phong tục tập quán, mối quan hệ cộng đồng để giải thích cho các bên liên quan thấy được vấn đề, đi đến đồng thuận, thống nhất mới mang lại kết quả hòa giải thành”.

Còn ông Siu Suil (làng Mook Trang, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) vừa là Trưởng ban Công tác Mặt trận và người có uy tín, ông đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các đồn biên phòng tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phòng-chống âm mưu phá hoại của địch, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới. Riêng năm qua, ông đã phối hợp với địa phương tổ chức nhiều buổi phát động quần chúng với hơn 2.300 lượt người tham gia. Qua đó các hộ gia đình được nghe cán bộ các ngành của huyện, xã tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chung tay giữ vững bình yên thôn làng. Bà con nhân dân có nương, rẫy giáp đường biên tham gia tự quản cột mốc biên giới, phòng-chống tội phạm khu vực biên giới, cảnh giác, không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, không vượt biên trái phép, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới.

Tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông), ông Rơ Châm Ly-người có uy tín ở làng Klăh đã tích cực tham gia sinh hoạt với các chi hội đoàn thể, vận động Nhân dân chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Xã Ia Băng cũng là nơi đứng chân Chi hội Tin lành Plei Klan (thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-Miền Nam). Ông Rơ Châm Ly đã cùng với cán bộ địa phương tuyên truyền giúp đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo theo đúng Hiến chương của Hội thánh, chấp hành các quy định pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo, yên tâm làm ăn ổn định đời sống và cảnh giác với các hành vi lợi dụng tôn giáo cũng như các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.

N.T