Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

(Mặt trận) -Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã phát huy vị trí, vai trò trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển chung trên địa bàn.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

 Ông Đinh Văn Lúa (thứ hai bên phải), người có uy tín ở khu Nai, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ trao đổi các thông tin từ cơ sở với cán bộ xã.

Là một đảng viên gương mẫu, cán bộ hưu trí, ông Đinh Văn Lúa, người dân tộc Mường ở khu Nai, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập được nhân dân tin tưởng, bầu là người có uy tín trong đồng bào DTTS từ năm 2020. Để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, ông Lúa luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông thường xuyên cùng cán bộ xã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, chung tay xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; tích cực nắm bắt, tham gia hòa giải những tranh chấp, xích mích, góp phần giữ gìn trật tự an ninh tại địa phương.

Ông Lúa cho biết: “Để có được tiếng nói trong nhân dân, tôi thường xuyên cập nhật các kiến thức, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân và phản ánh tới cấp ủy, chính quyền nên bà con rất phấn khởi, tin tưởng”.

Là người trẻ tuổi nhất trong đội ngũ người có uy tín trên địa bàn xã, đồng chí Hà Thị Thủy (sinh năm 1989), người dân tộc Mường ở khu Sặt, xã Trung Sơn luôn gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ. Là một đảng viên trẻ, Trưởng khu Sặt, đồng chí Thủy luôn là “cầu nối” truyền tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy, chính quyền, tham gia đóng góp ý kiến thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia phong trào thông qua các buổi họp khu, sinh hoạt chi bộ; cùng nhau giải quyết các công việc chung của cộng đồng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, chủ động cùng nhau xây dựng môi trường xanh - sạch- đẹp, bài trừ các thủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ...

Trên địa bàn xã Trung Sơn hiện có 15 người có uy tín, chủ yếu là đảng viên, cán bộ hưu trí, trưởng thôn... Đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, vận động, phổ biến cho người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đi đầu trong các phong trào; nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng hay khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết. Ngoài ra, họ có vai trò quan trọng trong giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Từ tuyên truyền, vận động của người có uy tín đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,7%, thu nhập bình quân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống được duy trì, phát huy. Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín, dị đoan, tình hình an ninh trật tự được giữ vững.

Đồng chí Đinh Văn Tiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: “Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, xã sẽ tạo mọi điều kiện để người có uy tín thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhất là vận động bà con tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương”.

T.A